Công chúa Leonor (SN 2005) là con gái lớn của Vua Felipe VI và Hoàng hậu Letizia. Với danh hiệu là Nữ Thân vương xứ Asturias, cô thừa kế ngai vàng Hoàng gia Tây Ban Nha trong trường hợp cha mẹ cô không sinh được con trai. Leonor có em gái kém 2 tuổi, Công chúa Sofía. Ảnh: Pinterest.
Công chúa Leonor có bài phát biểu trước công chúng đầu tiên vào năm 2018 khi mới 13 tuổi, nhân kỷ niệm 40 năm Hiến pháp Tây Ban Nha. Ngoài được rèn giũa kỹ năng để trở thành nữ hoàng từ khi còn trẻ, thiếu nữ 18 tuổi còn thông thạo 4 thứ tiếng – tiếng Tây Ban Nha, tiếng Catalan, tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Ảnh: Pinterest.
Công chúa Catharina-Amalia (SN 2003) là con gái đầu lòng của vua Willem-Alexander và Vương hậu Maxima, giữ tước vị Công chúa xứ Orange. Cô có hai em gái là Công chúa Alexia và Công chúa Ariane. Cô trở thành người thừa kế thứ nhất ngai vàng Hoàng gia Hà Lan khi bà nội, Nữ hoàng Beatrix, thoái vị vào năm 2013 và Vua Willem-Alexander lên ngôi. Ảnh: RVD – Martinjin Beekman.
Tháng 9/2022, Nữ hoàng Hà Lan tương lai bắt đầu theo học chuyên ngành Chính trị, Tâm lý, Luật và Kinh tế tại Đại học Amsterdam. Cô rời cung điện để sống chung với các bạn trong căn nhà thuê. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, Catharina-Amalia phải trở về nhà vì lo ngại bị các băng đảng xã hội đen bắt cóc. Bước vào cuộc sống sinh viên, cô từ chối khoản trợ cấp 1,6 triệu euro/năm (41,8 tỷ đồng) đáng lẽ được hưởng khi bước sang tuổi 18. Ảnh: Getty Images.
Công chúa Elisabeth (SN 2001) là người thừa kế ngai vàng Hoàng gia Bỉ. Cô là con cả trong số 4 người con (hai gái và hai trai) của Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde. Khác với Tây Ban Nha, kể từ năm 1991, pháp luật Bỉ quy định vương vị được truyền cho con cả, bất kể là con trai hay con gái. Sau khi cha lên ngôi vào năm 2013, cô giữ tước hiệu Nữ công tước xứ Brabant. Ảnh: Getty Images.
Công chúa Elisabeth tốt nghiệp Đại học Atlantic ở xứ Wales năm 2020. Sau đó, cô hoàn thành khóa học kéo dài một năm về khoa học xã hội và quân sự tại Học viện Quân sự Hoàng gia (Bỉ). Tháng 10/2021, cô bắt đầu học Lịch sử và Chính trị tại Đại học Lincoln, Oxford, Anh. Ảnh: Getty Images.
Hoàng tử Christian (SN 2005) là con trai trưởng và duy nhất của Thái tử Frederik và Thái tử phi Mary. Anh hiện đang xếp thứ 2 trong dòng kế vị ngai vàng của Vương quốc Đan Mạch, sau cha ruột. Anh hiện giữ tước vị Bá tước Monpezat. Ảnh: Detdanskekongehus.
Năm 2011, Christian trở thành thành viên đầu tiên của Hoàng gia Đan Mạch theo học tại trường công lập, Tranegårdskolen ở Hellerup, mở đường cho các em sau này. Hiện tại, Christian học năm cuối cấp trung học tại Ordrup Gymnasium, trường công lập ở Copenhagen. Tháng 6, ngay trước sinh nhật lần thứ 18, Christian từ bỏ trợ cấp hoàng gia để tập trung vào việc học cho đến khi chính thức tiếp nhận các nhiệm vụ cấp cao với tư cách người thừa kế vào năm 21 tuổi. Ảnh: Getty Images.
Hoàng tử Jacques (SN 2014) hiện giữ tước vị Hầu tước xứ Baux, là con trai của Hoàng tử Monaco Albert và Công nương Charlene. Cậu bé là người kế vị ngai vàng Monaco tiếp theo sau cha ruột. Jacques cùng chị gái song sinh, Công chúa Gabriella, chính thức ra mắt công chúng vào ngày 7/1/2015. Ngoài Gabriella, Jacques còn có hai chị và anh trai cùng cha khác mẹ là Jazmin Grace Grimaldi và Alexandre Grimaldi-Coste. Ảnh: Getty Images.
Cặp song sinh hoàng gia theo học tại trường tư thục L'Institution François d'Assise-Nicolas Barré kể từ tháng 9. Hoàng tử Albert tiết lộ với People rằng Jacques trầm tính và nhút nhát hơn chị gái, nhưng thường nghĩ ra những ý tưởng kỳ lạ, thích quan sát và đánh giá mọi thứ trước khi đưa ra quyết định. Ảnh: BestImage.
Công chúa Ingrid Alexandra (SN 2004) là con gái của Thái tử Haakon và Công nương Mette-Marit. Cô xếp thứ 2 trong danh sách thừa kế ngai vàng của quốc vương Na Uy hiện tại, Vua Harald V. Ingrid có một em trai, Hoàng tử Sverre Magnus, và anh trai cùng cha khác mẹ, Marius Borg Høiby. Ingrid có thể trở thành nữ hoàng tương lai sau khi cha cô thúc đẩy thay đổi luật cho phép con trưởng, bất kể nam hay nữ, thừa kế ngai vàng. Ảnh: Ida Bjørvik, Det kongelige hoff.
Để con gái có tuổi thơ bình thường nhất có thể, cha mẹ đưa Ingrid đến học cùng trường tiểu học ở địa phương với anh trai cùng cha khác mẹ. Sau đó, cô được chuyển đến một trường quốc tế tư thục ở Oslo để học sử dụng thông thạo tiếng Anh. Ingrid sau đó đổi thêm hai ngôi trường nữa cho đến nay. Ngoài nhiệm vụ hoàng gia, Ingrid Alexandra thích trượt tuyết, quyền Anh và lướt sóng. Cô từng giành huy chương vàng trong giải vô địch lướt sóng trẻ em Na Uy vào tháng 10/2020. Ảnh: Dana Press.
Công chúa Estelle (SN 2012) giữ tước hiệu Nữ Công tước xứ Östergötland, là con gái đầu lòng của Thái nữ Victoria và Thân vương Daniel. Hiện cô đứng thứ 2 trong dòng kế vị ngai vàng của Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf chỉ sau mẹ mình. Cô có một em trai là Hoàng tử Oscar. Ảnh: Shutterstock/Hovs.
Estelle và em trai đang theo học tại trường Campus Manilla ở Stockholm. Từ bé, Estelle thường xuyên xuất hiện cùng cha mẹ tại các sự kiện công khai của hoàng gia. Ảnh: Pinterest.
Hoàng tử Charles (SN 2020) là con cả của Đại công Thế tử Luxembourg Guillaume và Công nương Stéphanie. Khác với các hoàng gia thế giới, người đứng đầu Hoàng gia Luxembourg gọi là Đại công tước. Hoàng tử Charles xếp thứ 2 trong danh sách thừa kế ngai vàng, sau cha ruột. Ảnh: Linda Broström.
Ngày 10/5/2020, Cung điện Luxembourg thông báo trên Twitter Hoàng tử Charles chào đời lúc 5h13 sáng tại Bệnh viện Phụ sản Grand Duchess Charlotte. Do lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19, thời điểm đó, cậu bé ra mắt ông bà nội, Đại công tước Henri và Nữ công tước Maria Teresa, qua cuộc gọi video. Tháng 3, Charles có thêm em trai, Hoàng tử Francois. Ảnh: Monarchie.
Hoàng tử George (SN 2013) là con cả của Hoàng tử Anh William và Công nương Kate. Sau khi cố Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào tháng 9/2022 và Vua Charles lên ngôi, George chuyển lên vị trí thứ 2 trong danh sách thừa kế sau cha ruột. Ảnh: IG.
Tháng 1/2016, George bắt đầu học tại trường mẫu giáo Westacre Montessori ở Norfolk, trước khi chuyển đến Trường Thomas's Battersea chỉ hơn một năm sau đó. Kể từ tháng 9, George cùng hai em, Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis, theo học tại Lambrook, trường dự bị độc lập ở Berkshire. Ảnh: Getty Images.
Theo Tiền Phong