***
Tôi của tuổi mười bảy…
Tôi và nhỏ cùng hoạt động trong đội tuyển học sinh giỏi. Biết nhau trong một lần cãi nhau, thân và hiểu nhau cũng nhờ những lần cuộc cãi vã không đáng đó. Hai đứa là minh chứng oan gia đều có thể kết tình bằng hữu. Những ngày đầu, tôi thích chọc ghẹo nhỏ như một trò tiêu khiển. Song sau đó, để chuộc lỗi, tôi lại muốn chiều lòng con nhỏ ấy vô điều kiện.
Nhớ hôm cả đội tuyển leo núi, nhỏ luôn là người đi chót nên tôi cũng lảng vảng kế bên, vừa trông chừng vừa chọc ghẹo tạo không khí:
- Đi gì mà lạch bà lạch bạch? Đi cho xứng đáng với lượng kalo nộp vào tui coi.
Nhỏ nhăn nhó, mồ hôi bắt đầu túa ra, thế mà vẫn không quên ngước mặt lên, lườm tôi một cái rõ cay cú. Thừa thế, tôi chêm thêm:
- Nhắm đi không nổi nữa thì quay lại giữ xe đi ha! Khỏi ảnh hưởng đến cả đội!
- Ông bớt lải nhải dùm tui được không? Lên đằng trước với mấy đứa đi! Thấy mà bực!
Khó chịu vứt ba lô vào đám lá khô bên đường và ngồi bệt xuống, một lần nữa, nhỏ ném ánh mắt khao khát bắn tôi ra xa. Nhìn điệu bộ của nhỏ, tôi phần nào đoán được lí do nhỏ có biệt danh Cách Cách. Có lẽ, nhỏ chưa từng đi như thế này. Tôi lo lắng nán lại, nhỏ to vài chuyện vặt vãnh giúp cô tiểu thư hạ hỏa.
- Ê, ê, ông nhìn kìa, hoa gì ấy nhỉ?
- Đâu, bà?
- Hoa đỏ đỏ bên bờ kia kìa!
- Chỗ nào!
- Mệt ông ghê đó, đã mở mắt ra chưa? Đằng kiaaa!
Tôi dõi theo hướng tay nhỏ chỉ, một vài bông hoa đỏ rực, tựa như ngọn đuốc đang nhóm lên giữa cây lá um tùm.
- À, chẳng rõ nữa!
- Ừ, đẹp thật! Mà này, ông đi đâu vậy?
- Bà ngồi yên đó, chờ tôi xíu!
- Này, này, thôi đi nhá.
Đưa tay rẽ những thân cây nhỏ đang cố đánh vào bắp chân của mình để mở ra lối đi, băng đến nơi những bông hoa bắt mắt nhất đang nở rộ. Hoa nằm trên sườn dốc nên khá khó khăn mới hái được. Nhưng nhìn nhỏ mân mê bông hoa xinh đẹp trên tay, xem như tôi chẳng phí công sức, tự cảm thấy mình đã làm được điều gì đó lớn lao cho nhỏ.
Kỉ niệm giữa tôi và nhỏ hai bàn tay không sao đếm xuể. Có hôm đi học cùng nhau, thấy nhỏ dừng ánh nhìn khá lâu vào những tượng gốm đủ kiểu dáng đang được bày bán trên vỉa hè. Tôi liền tranh thủ giờ ra chơi hì hục đạp xe quay lại đó mua cho bằng được. Mặc dù mồ hôi nhỡ nhại chảy thành dòng dưới lớp áo học trò tinh khôi, tôi vẫn cảm thấy rất dễ chịu. Hôm đó, riêng lớp nhỏ học tăng tiết, tôi sẵn sàng đợi gần cả tiếng đồng hồ giữa sân trường vắng tanh – nơi chỉ có những lá phượng vàng bé xíu phảng phất xung quanh. Vậy mà, cầm chưa ấm tượng gốm, nhỏ chua ngoa bảo:
- Ông rảnh quá, tự dưng tặng tui chi ông!
Tôi thoáng buồn. Nhưng nỗi buồn có tên ấy trôi qua chóng vánh vì tôi được cùng nhỏ sánh bước trên suốt đoạn đường về. Thong thả và bình yên. Tự hỏi, tại sao tôi dễ dàng hài lòng đến vậy? Và rồi, tôi lại ném câu hỏi vào khoảng không vô hình, để mặc cho mọi thứ diễn ra. Tôi muốn nhỏ cảm thấy hạnh phúc khi có tôi là bạn thân.
***
Tôi của tuổi mười tám…
Mười tám tuổi, tôi trầm tính hơn và thích kiếm tìm bóng hình mình trong vài câu chuyện lượm lặt nơi cô gái ấy. Cậu chàng mười tám tuổi bắt đầu nhận ra nét xinh xắn của cô bạn thân. Bạn tôi có đôi mắt to tròn, long lanh, hồn nhiên. Còn mái tóc dài đen huyền, bồng bềnh đến mê hoặc mỗi lần dây buộc tóc bung ra. Cô bạn có nụ cười rạng rỡ mà dịu dàng, tươi như hoa sen – loài hoa mà cô ấy rất thích. Mười tám tuổi, tôi bất chợt nhận ra tôi muốn sánh bước cùng nhỏ trên sân trường đầy nắng ấm, trên con phố trải dài sắc hoa sưa, trên bờ biển có con sóng bạc đầu miên man vỗ vào bờ.
Mười tám tuổi, cô gái xinh xắn ấy được lớp trưởng lớp tôi để ý. Minh - anh chàng cao ráo có thành tích học tập nhất nhì toàn trường này chính là nỗi tự ti của riêng tôi. Minh nhờ tôi chuyển giúp hắn lá thư học trò. Cánh thư hồng nhạt thơm phức – đúng màu nhỏ thích – bất chợt khiến tôi khó chịu. Ai bảo hắn quá tinh tế! Dù vậy, tôi vẫn không tránh khỏi vai trò người đưa thư.
- Cái gì thế?
- Thư tình của bà đó!
- Thư tình sao? Ông thích tui khi nào thế? Nhỏ cười nắc nẻ.
- Mơ đi bà, của tên đầu sỏ lớp tui!
- Của Minh? Đưa tuii.
Cướp vội mảnh giấy nhỏ trong tay tôi, nhỏ thẹn thùng, đưa tay vén vội lọn tóc rối trước làn gió thổi. Mỗi lần vô tình vô tình chạm mặt, hai má nhỏ ưng ửng đỏ khi bắt gặp ánh nhìn thiện cảm nơi hắn. Trước khoảnh khắc ấy, tôi thường chen ngang nhã hứng, bởi tôi sợ rằng sẽ phải nhường nhỏ cho một người khác. Tôi luôn để mắt đến nhỏ từng li từng tí, chỉ có nhỏ là chưa một lần hiểu tôi. Thấy lá thư, nhỏ nhanh như chớp giành lấy nó, khéo léo xé một cạnh của bức thư, nụ cười tủm tỉm ánh lên dưới ráng chiều. Cánh phượng nở sớm bất chợt rơi trên mái đầu của nhỏ. Đưa tay định lấy xuống hộ nhưng có gì đó như muốn ngăn bàn tay ngượng ngùng của tôi, thằng con trai mười tám - đủ biết yêu thương - bối rối quay mặt trở về lớp.
Từ dạo ấy, trên con phố quen ngày ngày tôi cùng nhỏ đến trường, có ba dáng hình học trò sánh bước bên nhau. Nơi quán quen ngày ngày tôi cùng nhỏ ăn kem uống nước, có ba dáng hình học trò ngồi cạnh bên nhau. Góc học tập ở thư viện ngày ngày tôi cùng nhỏ ôn bài, giờ đây cũng có đến ba dáng hình. Tim đau nhói như có ai đó bóp nghẹt. Tuy nhiên, tôi thoáng mừng vì nếu một ngày không có tôi, cô gái ấy sẽ không phải buồn tẻ.
Chấp nhận để Minh chen vào tình bạn giữa hai đứa là nhiều đêm, cái tôi trong tôi trách mình ngu ngốc và ngớ ngẩn. Tôi bần thần, ủ dột, và tự AQ (tinh thần AQ) với chính mình: “Mặc kệ, tôi chỉ cần cô ấy cho phép tôi ở bên cạnh…”
***
Tôi của tuổi hai mươi…
Theo ý gia đình, tôi học đại học tại một trường trong tỉnh. Còn nhỏ theo đuổi ước mơ gõ đầu trẻ nơi thành phố mộng mơ. Những ngày đầu nhập học, cô ấy thường cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa môi trường mới. Mỗi lần nghe tiếng thút thít nhớ nhà của nhỏ qua điện thoại, tim tôi lại thổn thức. Những cuộc gọi và những bài hát cho nhỏ nghe, làm trò cho nhỏ cười hay đọc những câu trắc nghiệm vui trên tờ Hoa học trò mà thời phổ thông nhỏ thích, vẫn chưa đủ làm tôi khá hơn. Tôi cứ mãi trách mình vì đã không thể ở cạnh nhỏ. Nếu phải lựa chọn, hoặc nhỏ chịu cảnh ấy, hoặc tôi phải vui vẻ đồng ý để Minh kề cận chia sẻ cùng nhỏ, đương nhiên, vì nhỏ, tôi sẽ gượng cười chấp nhận Minh. Tiếc rằng, Minh cũng giống như tôi, cậu ấy đang xây dựng tương lai ở một nơi xa xôi khác.
Thời gian đi qua, cô gái của tôi có thêm nhiều bạn mới, hoài bão giúp cô ấy dành nhiều thời gian cho việc học. Điều đó làm tôi an tâm hơn. Tôi vẫn ngày ngày dõi theo tâm trạng của nhỏ, khi vui, tôi trả nhỏ về bên bạn bè, bên những cuộc hội họp sôi nổi, riêng lúc buồn, tôi lặng lẽ lắng nghe những mệt mỏi của cô ấy. Không biết nhỏ đã bao giờ nhận ra sự âm thầm của tôi – một người luôn đón đợi nhỏ sau những chuyến đi xa. Cô gái của tôi thường về thăm nhà vào kì nghỉ, mỗi lần như thế, tôi nhận thấy nhỏ xinh lên rất nhiều. Nhịp sống đô hội luôn trả lại tôi cô bé dung dị và mặn mà hôm nào. Thi thoảng, nhỏ rủ tôi đi gặp Minh, cốt là để ôn lại vài kỉ niệm xưa cũ:
- Bà định biến tui thành kì đà cản mũi sao?
- Nhà tụi tui xa quá, tui không nỡ để Minh đến đón, do you understand, ok?
- Á à, ra thế! Bà lo cho cậu ta quá nhỉ?
- Ông có đi không thì bảo?
- Ờ thì… đi cũng được, tui sẽ chọn món đắt tiền nhất đó!
- Haizzzz,tùy ông…!
Cuộc nói chuyện giữa ba đứa đơn thuần và chân thành, tôi không nhận ra sự chuyển tải tình tứ nào khác giữa nhỏ và Minh. Có lẽ, cả hai ngại ngùng khi hiện diện tên kì đà này, tôi tự ti hối lỗi. Lạ thay, mùa hè năm ấy, tôi nhận tin nhắn từ Minh: “Ông thay tôi chăm sóc Q nhé, cô ấy cần ông!”. Lời nhắn nhủ súc tích khiến tôi hết sức ngỡ ngàng. Thế rồi, Minh nhập học sớm hơn dự định, để lại câu hỏi lớn cho tất cả mọi chuyện.
Trong những câu chuyện nhỏ kể về các anh chàng theo đuổi mình, tôi tự hỏi, tại sao nhỏ lại loại trừ chuyện của Minh? Không biết cô ấy có cảm thấy trống vắng khi Minh bước ra khỏi cuộc đời của mình không? Liệu nhỏ có trách tôi, giận tôi, vì đã không giữ Minh lại cho cô ấy? Có quá nhiều câu hỏi bất chợt ùa đến làm tôi lo lắng, song tôi lại bắt đầu một niềm tin trong mình… Tôi vẫn còn thời gian đóng vai bạn chí cốt, lặng nghe nhịp đời xoay quanh nhỏ mà không phải lo ngày nào đó sẽ nhường cô ấy cho một người khác. Thế thôi!
***
Tôi của tuổi hai mươi hai…
Niềm hạnh phúc nhân đôi khi cả hai tốt nghiệp đại học với bảng điểm toàn khóa loại ưu. Ngày tốt nghiệp, tôi hân hoan ra mặt. Tôi mơ về cái ngày cô gái của tôi về quê làm việc. Tôi sẽ gặp người mình mong đợi mỗi ngày, mỗi giờ tan sở, được tám với nhỏ đủ thứ chuyện, rồi cười xòa khi nhìn lại đồng hồ và nhận ra hai đứa huyên thuyên mãi mà vẫn chưa ra hồi kết câu chuyện. Rồi thì… khi công việc ổn định, tuổi vừa cập kê, tôi sẽ tỏ tình. Liệu cô ấy có chấp nhận? Ý nghĩ đó như xâm chiếm cả con người tôi, xúc cảm lại nhen nhóm. Mãnh liệt. Da diết.
Có quá đáng hay không khi tôi thật sự thoải mái vì Minh đã chọn cách ra đi. Tự trong tâm, tôi rất muốn nói lời xin lỗi thay cho ý nghĩ xấu xa của mình. Vắng Minh, chúng tôi vẫn gặp nhau đều đặn, tối về lại online như đang hẹn hò, tôi vẫn dành trọn sự quan tâm đến nhỏ:
- Nè ông, tự dưng thèm sinh tố ghê!
Nhìn vào góc trái màn hình, tôi chau mày vì đồng hồ điểm 23h. Ngoái đầu nhìn qua khe hở cửa sổ, phố đã chìm vào đêm, tôi buộc miệng:
- Thích cũng nghiệt quá ha? Bà cứ ở yên đó, tiên ông sẽ mang đến cho bà!
- Tiên nào rảnh dữ ông?
- Tiên ông…
- Xạo vừa thôi! Nhỏ gửi kèm hình mặt cười dễ thương đang chu miệng thách thức.
- Bà nghiệm lại xem, tiên mà rảnh để ý đến bà thì còn ai ngoài tui, ăn ở như bà ai thèm ngó đến chứ! Tôi bông đùa.
- Có ông mới phải coi lại đường ăn ở đóooo! Ngủ điiiiii!
Chấm tròn xanh lá trong hộp thoại tắt ngấm. Cô ấy lúc nào cũng vậy, cả giận. Tôi vớ vội áo khoát, lật đật chạy xuống nhà, cố gắng đưa con ngựa chiến ra ngoài một cách nhẹ nhàng để khỏi đánh thức bố mẹ dậy.
Tôi tạt qua quán sinh tố quen. Thật may, quán vẫn còn mở cửa để phục vụ cho những đứa sành ăn như nhỏ. Cửa ngõ nhà nhỏ đã đóng kín lúc tôi đến, đèn trong nhà cũng tắt ngấm. Tôi réo rắt qua điện thoại:
- Bà xuống mở cửa tui nhờ chút chuyện. Tít, tít, tít.
Tiếng bước chân chưa tỉnh ngủ dội dần về phía cổng. Nhỏ vừa mở khóa vừa càu nhàu: “Cái ông tướng ấy giờ này mò đến đây làm gì không biết?”:
- E hèmm! Bà lúc nào cũng nói xấu tui được, tui đang đứng đây này!
Cánh cổng trắng toát mở toang, nhỏ nhìn tôi cười trừ, không quên đưa tay che ngang cái ngáp bất đắc dĩ. Nhìn điệu bộ của nhỏ, tôi không nhịn được cười:
- Này, ăn đi, kẻo tan đá! Tui về!
- Ơ, ông mua thiệt đó à, tui đùa mà.
Tôi nổ máy, lên xe đi thẳng như cố tình giấu đi vẻ bối rối, tay quyến luyến vẫy chào:
- Về nhá!
Nhỏ gửi tin nhắn cho tôi, đơn giản thôi, vậy mà tim ấm áp đến lạ: "Cảm ơn ông nhiều, ông bạn lâu năm!". Tôi đánh một giấc ngon lành và khi tỉnh dậy vụng về nhớ về giấc mơ có nhỏ.
Thời gian được ở cạnh người mình yêu thương thật đáng quý, chẳng trách, ai ai cũng muốn nắm chặt khoảnh khắc này. Thế mà, tôi lại một lần nữa xa nhỏ. Cô gái của tôi quyết định theo đuổi con đường học tập, nên tôi đành an phận âm thầm dõi theo.
***
Tôi của tuổi hai mươi bốn…
Cuộc sống của tôi đương lặp lại. Tôi công tác ở quê, chờ đợi những kì nghỉ phép hiếm hoi của nhỏ. Chúng tôi chẳng khác hai đường thẳng song song, đi sát bên nhau, dõi theo và hỗ trợ nhau. Tôi vẫn chờ ngày nhỏ nhìn thấy tôi trên con đường đi của nhỏ. Một điểm giao nhau hạnh phúc!
Điện thoại vẫn là phương tiện truyền thông hữu hiệu giữa chúng tôi. Nhờ vậy, tôi biết sinh nhật lần thứ hai mươi bốn này, cô ấy phải ở lại trường hoàn thành cho xong luận văn. Nhằm tạo bất ngờ, tôi bắt xe từ chiều hôm trước cho kịp đến nơi lúc tờ mờ sáng, để nhỏ có một ngày sinh nhật trọn vẹn bên mình. Tôi gần như thức trắng đêm trên xe khách chỉ để nhìn ngắm con đường quen thuộc nhỏ thường ngang qua. Không biết nhỏ có bao giờ để ý ngôi nhà lộng lẫy kia, để ý ngọn đồi thoai thoải này, có thấy những con đường lung linh đủ màu, hay cây cầu xinh đẹp lấp lánh ánh điện bắt qua con sông có dòng nước yên ả trôi.
Tiếng bác tài cắt ngang dòng suy nghĩ miên man:
- Này, này… Đến nơi rồi em trai!
Tôi gượng cười, vội vàng xuống xe. Cảm giác bỡ ngỡ nhanh chóng ập đến, choáng ngợp và bủa vây. Tôi nhớ ra mình không có lấy một người quen giữa thành phố xa lạ. Thật không ngờ, một thằng con trai cẩn thận như tôi lại có lúc lâm vào cảnh này. Tôi chỉ lo nghĩ đến chuyện làm sao tổ chức cho nhỏ một bữa tiệc sinh nhật đáng nhớ, và cứ lâng lâng hạnh phúc vì sắp được gặp mặt. Nơi có dấu chân và hình bóng của người tôi yêu dấu làm tôi băn khoăn quá đỗi. Bắt xe ôm hỏi thăm địa chỉ trường sư phạm, tôi nhận được sự hướng dẫn thân tình của người dân nơi đây. Nhờ thế, tôi sớm yên vị trong một quán cà phê sang trọng gần trường của nhỏ, lòng khấp khởi mừng thầm. Đúng lúc ấy, nhỏ gọi đến.
- Nghe nè bà!
- Khoảng 5 phút nữa ông qua bến xe đón tui nha?
- Ủa, thế không phải bà đang ở đây à?
- Ở đây là ở đâu?
- Nghe nói tuần này bà ở lại trường mà?
- Ừ! Kế hoạch có chút thay đổi, để tui kể sau. Ông bận gì sao?
- Ờ, thì...tui...tui bận.
- Vậy hở, chiều tui mang quà sang cho ông!
- Thôi, thôi, sáng mai tui qua nhà bà, đang đi chơi xa…!
- Oh, gặp ông sau.
Tôi lặng người trước bất ngờ đang diễn ra. Bỗng dưng thấy tủi thân vô ngần, tôi đang làm gì chẳng rõ. Một cái kết không thể ngờ cho bao hoạch định. Tôi không ở bên nhỏ, cũng không thể nói cho nhỏ biết mình đang ở đâu, chỉ vì sợ nhỏ lo lắng, sợ nhỏ bận tâm mà thành ra một ngày sinh nhật buồn. Dù gì buổi chiều mới có vé xe trở về và đến sáng mai tôi mới có mặt ở quê. Đành nán lại cả ngày nơi quán cà phê xứ người, gặm nhấm bao hụt hẫng bên tách cà phê đắng mà nghe vị nỗi buồn lan tỏa. Lần đầu tiên từ ngày quen nhau, tôi không đón sinh nhật bên nhỏ.
Nhiều lúc, tôi cứ tự trách mình tại sao không giải bày tình cảm với nhỏ, tại sao tôi cứ phải âm thầm chịu đựng. Nhưng rồi, tôi lại an phận. Tôi sợ nói ra, tôi sẽ vô tình đánh mất tình bạn bền vững này. Ngay cả khi, cô gái của tôi hoàn thành khóa học thạc sỹ, quay trở về quê làm việc, tôi vẫn chưa một lần ngỏ lời. Ở độ tuổi “trai lớn dựng vợ gái lớn gả chồng”. Tôi và nhỏ đều được bạn bè và bà con chòm xóm mặc định là một đôi. Tôi lấy đó làm hạnh phúc cho riêng mình.
***
Tôi của tuổi hai mươi bảy…
Hai bảy tuổi, tôi mạnh mẽ, rắn rỏi, có đủ tự tin, đủ điều kiện để thực hiện ước mơ ấp ủ là xây dựng gia đình với người tôi thương yêu và chờ đợi. Còn nhỏ, đối mặt với những va chạm trong cuộc sống, cũng trưởng thành và dạn dĩ hơn rất nhiều. Đi làm, đồng nghĩa với quỹ thời gian rảnh rỗi hạn hẹp, dù vậy, chúng tôi vẫn giữ thói quen cũ trước bao bộn bề hàng ngày.
Không hiểu sao, dạo gần đây, trong vài câu chuyện mà nhỏ tâm sự phảng phất bóng dáng của Minh – người mà tôi ngỡ sẽ không xuất hiện nữa. Đầu tôi lờ mờ nghĩ về những điều xa xôi. Lẽ nào nhỏ vẫn chưa thể quên Minh, quên những ký ức đẹp giữa hai người. Tôi tự vấn chính mình, tự trả lời, rồi lại trấn an mình. Tôi cho đó là sự hoài niệm về những cảm xúc thoáng qua, nhỏ sẽ lại quay về thực tại, thực tại là tôi.
Thân với nhau cả chục năm, tôi nắm trong lòng bàn tay tính cách cô gái của mình. Tôi hiểu những lăn tăn trong nhỏ, hiểu những cảm giác đang len lõi trong câu chuyện nhiều tâm trạng của cô ấy. Có một sự tiếc nuối, một sự lớn lên trong xúc cảm, một sự lo lắng, và hơn hết, đó là cả một sự kì vọng lớn mà nhỏ đang dành cho mối tình đầu. Tôi vô tư quá, hay khờ khạo đánh lừa cảm giác khi hiểu ra tình cảm nhỏ dành cho ai kia. Phải chăng, tôi vốn dĩ chấp nhận làm người tình không bao giờ cưới của nhỏ. Tôi cười khẩy với chính mình, tự nói với mình: “Cô gái của mày đang hạnh phúc, hạnh phúc thật sự đấy, mày biết không?”, và lại ngây ngô trong suy nghĩ ấy, xem đó làm niềm vui, niềm an ủi và cảm nhận sự hạnh phúc thầm lặng.
Thành phố biển nơi chúng tôi sinh sống khá yên bình. Tôi thích cùng nhỏ dạo bờ biển, lắng nghe tiếng sóng rì rào, tận hưởng cảm giác những con sóng mơn trớn, vuốt ve bàn chân. Tôi sẽ bước bên cạnh, cầm hộ nhỏ đôi giày búp bê xinh xắn, ngắm gương mặt rạng ngời ấy dưới ánh điện leo loét hắt ra từ một bóng điện đường gần đó:
- Này, cuối năm nay tui chống lầy!
- Bà nói sao, thật hay đùa vậy? Lấy ai?
Bất chợt chông chênh trước câu nói của nhỏ, tôi nghe có gì đó đè nặng tâm hồn, gắng gượng buông một câu nói đùa mà tâm trạng như vụn vỡ:
- Không lẽ có người chịu rước bà sao?
- Ông đừng đùa nữa, tui nói thật đó! Khối anh theo mà tui hông chịu à nha!
Nhỏ cười hàm tiếu, cho đến khi bắt gặp ánh nhìn ủ rủ của tôi:
- Ông còn nhớ Minh chứ? Cậu ấy học cao học cùng tui. Minh học quản lý. Xin lỗi vì đã không kể với ông chuyện này. Vì trong mắt ông, tui lúc nào cũng như một đứa trẻ con, tui muốn ông luôn nhìn tui như vậy…
Tôi quay nhìn về phía biển, nơi ánh điện những con tàu lung linh trên mặt nước. Màn đêm tối đen như mực, ánh sáng từ tàu đánh cá không đủ sáng bừng một không gian:
- Bà nhìn kìa, những con thuyền cô độc giữa màn đêm. Nhìn vẫn đẹp bà nhỉ? Hì hì, bà lấy chồng thì tui có thêm một đứa bạn thân nữa!
- Tui đi lấy chồng rồi, ông có buồn không?
- Sao phải buồn, tui vui chứ, may quá… Tôi sợ đến ba mươi tuổi, bà không có ai rước lại qua nhà hỏi tui làm chồng. Ha ha!
Tôi chạy về phía trước, quay người cười thật to, cố giải phóng giọng cười để che đậy niềm riêng.
- Sao ông dám nói tui như vậy chứ! Nè, đứng lại coi, tui mà bắt được ông thì biết tay tui!
Nhỏ chạy đằng sau, gọi với theo, tiếng cười không ngớt. Có lẽ, đó là nụ cười hạnh phúc nhất của nhỏ. Bỗng dưng, tôi thấy mình thật nhỏ bé trước hạnh phúc lớn lao của người con gái ấy. Tình yêu của họ thật đẹp, dù có cách xa nhau, họ vẫn quay về bên nhau.
Tôi giờ đây có thể an tâm đi xây dựng hoạch phúc cho mình – một hạnh phúc muộn nhưng không phải vướng bận hay lo lắng gì cả, một hạnh phúc muộn không có nhỏ bên cạnh. Tôi viết lại những hoạch định dở dang phía trước, ngẩng cao đầu và vui vẻ bước tiếp cuộc hành trình của mình. Tôi sẽ tìm cho mình một cô dâu xinh đẹp, chở che và bảo bọc cô ấy. Còn nhỏ, sẽ là một góc trong trái tim tôi.
Suốt một thời gian dài, hạnh phúc của tôi là được dõi theo người mình yêu thương. Suốt một thời gian dài, tôi độc thân nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn.
Tôi và em, những người thương ngược lối.
Tạm biệt em, người chưa một lần làm tôi phải cô đơn.
Theo Blog Radio