Onika và Yaqub tình cờ gặp nhau tại một trung tâm thương mại ở Anh. Cả 2 đã hẹn hò 5 năm và đang lên kế hoạch cho đám cưới.

Thế nhưng cha mẹ Onika ở Bangladesh không mấy ủng hộ. Lý do là bởi trong tình hình dịch bệnh hiện tại, gia đình cô không thể nào tổ chức đám cưới linh đình như dự kiến. Tại quê hương Pakistan của Yaqub, tình hình cũng tương tự, muốn mời khách khứa đông đủ, trọng thể không hề dễ.

Người trẻ châu Á né đám cưới nghìn khách nhờ Covid-19-1
Các đám cưới ở châu Á không được mời đông khách như trước đây. Ảnh: Outlook India.

Nhưng đôi trẻ vẫn quyết định làm tiệc cưới ở Anh vào tháng 9 tới. Họ dự kiến mời 200 khách bao gồm họ hàng và bạn bè thân thiết. Số khách mời này cao hơn gấp đôi so với quy định phòng dịch tại Anh (82 người), nhưng vẫn kém xa so với con số mà gia đình Onika kỳ vọng.

Vào năm 2016 trong đám cưới của anh trai Onika, bố mẹ cô đã mời đến 1.000 người.

Cơ hội để người trẻ có đám cưới riêng tư hơn

Tuy nhiên Onika không hề thất vọng. Chia sẻ trên Independent, cô cho biết đây chính là cơ hội để mình và bạn trai có thể tổ chức một đám cưới khiêm tốn theo ý muốn.

"Trong văn hóa quê hương tôi, các bậc phụ huynh thích mời rất nhiều khách đến đám cưới của con. Cha tôi muốn tất cả bạn bè và gia đình đến dự. Ông giải thích rằng điều đó thể hiện sự tôn trọng và đó là tập quán cộng đồng.

Nhưng tôi không thực sự biết hết về hàng nghìn khách mời đó. Tôi cảm thấy không thoải mái lắm khi họ hiện diện", cô nói.

Rất nhiều cô dâu khác cũng như Onika, lấy quy định phòng dịch làm lý do chính đáng để xin phép cha mẹ giảm phần lớn số lượng khách mời trong đám cưới của mình.

Người trẻ châu Á né đám cưới nghìn khách nhờ Covid-19-2
Cô dâu, chú rể đeo khẩu trang trong một đám cưới ở Ấn Độ. Ảnh: Outlook India.

LaToya Patel, Giám đốc điều hành dịch vụ tổ chức đám cưới SW Events, cho biết một đám cưới châu Á thường có quy mô khoảng 300 - 600 người.

Hiện tại, các yêu cầu tổ chức tiệc cưới cho năm 2021 và 2022 chỉ chủ yếu dao động từ 100 đến 150 khách.

"Danh sách khách mời luôn là một cuộc thương lượng giữa con cái và cha mẹ. Nhiều người trẻ không muốn có một đám cưới linh đình với quá nhiều người không thực sự quen biết. Trước đây họ không thể thoả hiệp với gia đình", cô nói.

Ít khách mời không có nghĩa là kém hoành tráng

Theo Independent, đại dịch đã làm thay đổi suy nghĩ của các gia đình về số lượng khách mời. Tuy nhiên ít khách không có nghĩa là sẽ tiết kiệm.

Asian Wedding Insurance, một hãng bảo hiểm trong lĩnh vực cưới hỏi, cho biết các cặp vợ chồng châu Á chi trung bình khoảng 50.000 bảng cho lễ cưới của mình. Trong số đó, chi phí phục vụ cho khách mời không phải là tốn kém nhất.

Tùy thuộc vào phong tục tập quán, các lễ cưới có thể kéo dài đến vài ngày. Chi phí tốn kém nhất có thể kể đến là trang phục cưới truyền thống với những họa tiết tinh xảo, đồ trang sức bằng vàng và không gian tổ chức tiệc được trang hoàng lộng lẫy. Ngoài ra, số tiền mời các chuyên gia làm tóc, trang điểm và vẽ henna cũng khá cao.

Còn theo Rohita Pabla, chủ sở hữu của một trung tâm tổ chức tiệc cưới mang tên mình, nhiều đôi trẻ còn đưa ra tiêu chuẩn khắt khe hơn về thực đơn và dịch vụ giải trí trong lễ cưới giai đoạn Covid-19.

Người trẻ châu Á né đám cưới nghìn khách nhờ Covid-19-3
Tiệc cưới ít người nhưng sang trọng là sự lựa chọn của nhiều người trẻ châu Á. Ảnh: Belle The Magazine.

"Họ yêu cầu cao hơn về những món ăn bởi họ có ít khách hơn. Một số cặp không muốn chơi trống dhol truyền thống trong đám cưới mà muốn có một ban nhạc sống.

Họ mời ít khách hơn nhưng chi phí tổ chức không hề giảm, lễ cưới cũng không kém xa hoa. Họ tiêu tiền theo một cách khác", cô nói với Independent.

Như cô dâu Rima, hiện sinh sống tại Anh, là một ví dụ. Khi còn bé Rima ước có được một đám cưới hoành tráng và lộng lẫy như truyền thống quê hương mình. Giờ đây, cô chỉ muốn một buổi tiệc cưới nhỏ, ít khách mời nhưng phải sang trọng.

"Tôi muốn được ngày cưới trọng đại bên những người thực sự thân thiết với mình. Tôi và chồng sắp cưới sẽ tổ chức một đám cưới nhỏ thôi nhưng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng", cô nói.

Theo Zing