Người trẻ chạy deadline tới đổ bệnh, nhập viện cấp cứu vì kiệt sức-1

Với nỗi sợ thua kém bạn bè xung quanh, Diệu Hiền (SN 2000, Hà Nội) từng nhận tới 4-5 dự án lớn, nhỏ mỗi tháng trong một năm đầu làm freelancer (công việc tự do) ở lĩnh vực quảng cáo.

Ôm đồm nhiều việc mang lại cho Hiền thu nhập tương đối cao. Tháng 10/2022, cô kiếm hơn 30 triệu đồng từ 5 dự án khác nhau. Đây là số tiền đáng mơ ước của nhiều người trẻ mới ra trường như cô thời điểm đó.

Tuy nhiên, cũng trong tháng cao điểm này, Hiền mắc chứng mất ngủ triền miên do lạm dụng cà phê khi làm việc vào buổi tối. Có quá nhiều deadline phải hoàn thành, cô bỏ quên việc chăm sóc cho bữa ăn và giấc ngủ của mình.

Bào mòn sức khỏe

Sau hơn 3 tuần ngủ 3-5 tiếng mỗi ngày và hầu như chỉ ăn đồ ăn nhanh, Diệu Hiền ngất xỉu, phải nhập viện vì làm việc quá sức. Đó không phải lần vào viện duy nhất của cô gái 23 tuổi do quá tải deadline. Đầu năm nay, cô một lần nữa phải vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, buồn nôn.

"Đó là thời điểm trước Tết, vì tham việc nên tôi lại nhận liền lúc 3 dự án lớn. Suốt gần 8 ngày, tôi chỉ uống cà phê và ăn một bữa mỗi ngày. Không như vậy, tôi sợ sẽ không kịp deadline", cô nàng SN 2000 nhớ lại.

Áp lực từ những deadline gấp không những bào mòn sức khỏe của Hiền, mà còn khiến cô không thể hoàn thành công việc hiệu quả. Nhiều sản phẩm của cô khi đó bị chậm tiến độ tới 2-3 ngày.

Người trẻ chạy deadline tới đổ bệnh, nhập viện cấp cứu vì kiệt sức-2
Sức khỏe của Diệu Hiền lao dốc khi phải gồng gánh quá nhiều deadline trong công việc (Ảnh: NVCC).

Nguyễn Tiến Đạt - sinh viên năm 2, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - cũng thường xuyên phải đối mặt với số lượng lớn deadline trong học tập và công việc làm thêm.

Mới vào đại học, Đạt tích cực tham dự nhiều hoạt động ngoại khóa và đi dạy thêm để có thu nhập như nhiều người bạn bè đồng trang lứa.

Tuy nhiên, chỉ sau kỳ học đầu tiên, nam sinh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và hoang mang khi có quá nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành.

Cuối học kỳ 1 năm nhất, Tiến Đạt từng sốt cao suốt gần một tuần do vừa phải ôn thi, vừa đảm nhận quá nhiều công việc bên ngoài. Chính trận ốm đó đã giúp chàng trai nhận ra sự mất cân bằng của bản thân và bắt đầu ưu tiên sức khỏe lên hàng đầu.

"Càng vào những lúc bận rộn nhất, tôi càng phải chú ý giữ gìn sức khỏe của mình. Tôi thường uống thêm các thực phẩm bổ sung như vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng. Phải khỏe, tôi mới có sức để chinh chiến với các deadline", Đạt cho hay.

Nhanh chân "chạy trước" deadline

Thùy Linh - sinh viên năm 3, Học viện Ngoại giao - cho biết, bản thân từng là người học tập và làm việc theo cảm hứng. Hậu quả là hầu hết deadline của cô đều bị trì hoãn đến sát hạn nộp, ảnh hưởng tới chất lượng và kết quả công việc.

"Ngày trước, tôi thường đợi tới 1-2 ngày trước hạn nộp báo cáo mới bắt đầu làm. Có lần, tôi hoàn thành bài vội vàng trong 2 tiếng trước deadline.

Khi đó, tôi nghĩ chỉ cần có bài nộp để qua môn là được. Tới cuối học kỳ 2 năm nhất, tôi thi trượt liên tiếp 2 môn cũng vì thói quen xấu này", nữ sinh chia sẻ.

Thùy Linh tâm sự, việc liên tục trì hoãn khiến cô cảm thấy mình như bị động trước các deadline và luôn trong tâm thế lo sợ sẽ bị chúng "dí".

Để đối phó với tình trạng này, từ năm 2, Linh tập cho mình thói quen sắp xếp lịch trình mỗi tuần. Cách làm này đã giúp cô nàng vừa hoàn thành các đầu việc một cách gọn gàng, năng suất, vừa có thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Người trẻ chạy deadline tới đổ bệnh, nhập viện cấp cứu vì kiệt sức-3
Phương pháp lập kế hoạch "chạy trước" deadline giúp Thùy Linh chuyển từ thế bị động sang chủ động trong học tập (Ảnh: NVCC).

"Ngay khi nhận được một nhiệm vụ, tôi luôn cố gắng đưa công việc đó lên thời gian biểu càng sớm càng tốt. Thời gian biểu càng chi tiết sẽ càng hiệu quả", nữ sinh tiết lộ.

Cụ thể, cô không chỉ đánh dấu thời hạn hoàn thành các đầu việc lên bảng lịch trình, mà còn vạch ra những khung giờ làm việc cho từng deadline và khối lượng công việc phải làm xong sau mỗi khung giờ đó.

Một điểm quan trọng trong phương pháp lên kế hoạch của Linh chính là phải đặt ra "deadline trước deadline". Cô luôn cố gắng hoàn thiện các nhiệm vụ trước hạn chót 1-2 ngày để có thời gian duyệt và sửa chữa nếu cần. 

Nhờ phân bổ thời gian hợp lý, nữ sinh SN 2003 vừa có thể học tập hiệu quả, vừa thoải mái thư giãn trong thời gian rảnh. Sang năm 3, cô còn vươn lên giành học bổng loại giỏi của khoa.

Không riêng Thùy Linh, lên kế hoạch làm việc cũng là cách chàng trai 19 tuổi Tiến Đạt áp dụng để quản lý deadline. Với những sinh viên vừa học, vừa làm như Đạt, sắp xếp các đầu việc theo thứ tự ưu tiên là nhiệm vụ tương đối khó nhằn.

Nam sinh thường đặt những deadline bắt buộc từ nhà trường lên hàng đầu, sau đó là deadline tự nguyện của các dự án làm thêm.

Sau khi sắp xếp các đầu việc quan trọng lên trước, Đạt sẽ tập trung hoàn thành những nhiệm vụ cần thiết đó rồi mới chuyển sang việc khác, tránh để việc nọ chồng chéo việc kia.

"Dù là việc gì, chỉ khi hoàn thành một cách chỉn chu và thu về kết quả tốt, tôi mới thấy thời gian vật lộn với những deadline đó không bị vô nghĩa", nam sinh bày tỏ.

Deadline không đáng sợ

Tâm lý hoảng loạn và mất bình tĩnh khi số lượng deadline bắt đầu gia tăng là tình trạng thường thấy ở nhiều bạn trẻ. Sự lo lắng đó có thể khiến họ mất đi động lực để làm việc và rơi vào vòng lặp trì hoãn.

Về vấn đề này, Tiến Đạt cho biết: "Khi mới được giao thêm việc, tôi thường cảm thấy lo sợ, thậm chí là chán nản. Sau một thời gian, tôi học được cách dùng hành động để lấn át những suy nghĩ tiêu cực đó.

Thay vì than phiền, tôi sẽ lập tức bắt tay vào làm việc để giải quyết các deadline càng sớm càng tốt".

Người trẻ chạy deadline tới đổ bệnh, nhập viện cấp cứu vì kiệt sức-4
Hành động thay vì lo lắng là phương pháp giúp Tiến Đạt vượt qua nỗi sợ deadline (Ảnh: NVCC).

Đạt cũng cho hay, để xử lý công việc nhanh chóng, cậu thường áp dụng "quy tắc 2 phút" trong cuốn sách Getting things done (tạm dịch: Hoàn thành mọi việc) của tác giả David Ailen.

Theo quy tắc này, nếu một công việc có thể được hoàn thành trong vòng 2 phút hoặc ít hơn, chúng ta phải ngay lập tức thực hiện nó. Chiến lược đó giúp nam sinh dần thoát khỏi sự trì hoãn và lười biếng.

Theo chàng sinh viên năm 2, deadline không hẳn là một cụm từ tiêu cực như nhiều người trẻ nghĩ. Ngược lại, nó là công cụ hữu ích để quản lý và theo dõi tiến độ công việc.

Về phần Diệu Hiền, sau lần nhập viện đầu năm nay, cô gái 23 tuổi đã điều chỉnh lại số lượng công việc và chế độ sinh hoạt.

Cô thay thế cà phê bằng các loại trà thảo mộc hoặc nước trái cây. Mỗi tháng, cô cố gắng hạn chế số đầu việc và không nhận trên 2 dự án lớn cùng lúc.

Đồng thời, Hiền thay đổi giờ làm việc sang buổi sáng và chiều, dành buổi tối cho việc thư giãn. Nhờ vậy, trong nửa năm trở lại đây, tinh thần của cô trở nên thoải mái hơn, thời gian ngủ mỗi ngày cũng cải thiện lên 6-7 tiếng.

"Khi ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ, tôi mới thấy tâm trí mình tỉnh táo để làm việc hiệu quả hơn. Công việc không còn là mối đe dọa tới sức khỏe của tôi như trước", cô nàng chia sẻ.

Việc phát triển kỹ năng chuyên môn cũng giúp Hiền dần nắm quyền kiểm soát trước các deadline. Cô tận dụng những công việc mình làm để học hỏi và nâng cao giá trị bản thân, từ đó cải thiện tốc độ và hiệu quả làm việc.

Thay vì phải ôm đồm nhiều dự án, giờ đây, Hiền có quyền lựa chọn những đầu việc chất lượng và trả công cao hơn. Cô không còn ôm nỗi lo phải đánh đổi sức khỏe để kiếm tiền nữa.

"Tôi nhận ra bản thân bị deadline vắt kiệt sức cũng chỉ vì mong muốn có được thu nhập cao trong khi khả năng lại chưa cân xứng", Hiền tâm sự.

Theo Dân Trí