Vào sinh nhật cuối cùng trước khi bước sang cột mốc 30 tuổi, Tú Uyên (SN 1994) - giáo viên tại Hà Nội - quyết định đi xăm lần đầu tiên: Một đóa linh lan nhỏ ở mạn sườn.
Đây là điều Uyên ấp ủ suốt 10 năm nhưng không dám thực hiện. Gần đây, nhìn nhiều bạn bè xung quanh có hình xăm, thấy phản ứng của mọi người cũng bình thường, cô mới có đủ can đảm.
Với Tú Uyên, hình xăm giúp lưu lại kỷ niệm hay đơn giản là điều gì đó có ý nghĩa với bản thân, không phải để thể hiện sự "hổ báo". Vì thế, cô xăm ở vị trí kín đáo và chỉ tiết lộ với vài người bạn thân thiết.
"Tôi nghĩ việc chia sẻ về hình xăm khi bố mẹ không thích là không cần thiết. Tôi chỉ cần lưu giữ điều ý nghĩa với riêng mình là được", nữ giáo viên nói.
Thể hiện cá tính qua hình xăm
Ngọc Linh (SN 1998, Hà Nội) có hình xăm đầu tiên vào năm 2020, sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Khi đó, cô bị kẹt tại TPHCM một mình, trải qua khoảng thời gian rất khó khăn vì lần đầu xa nhà và mắc Covid-19 khiến tinh thần khá suy sụp.
"Sau khi vượt qua tất cả, tôi nghĩ mình nên có một thứ gì đó để lưu lại kỷ niệm, đánh dấu sự chuyển mình nên quyết định đi xăm hình đầu tiên. Tới nay, tôi đã có 5 hình xăm", cô gái làm việc trong ngành truyền thông kể.
Gia đình Linh không phản đối chuyện con gái có hình xăm, mọi người xung quanh cô cũng không có vấn đề gì với điều này.
Cô gái 25 tuổi cho rằng, các hình xăm mình lựa chọn nghiêng về chủ đề hoa lá, thú cưng, phụ nữ Việt truyền thống và có kích cỡ nhỏ nên khá dễ tiếp cận với số đông.
Nhưng dù có bị phản ứng hay không, là một người trẻ thuộc Gen Z (những người sinh năm 1997-2012), Ngọc Linh chưa từng ngại công khai việc có hình xăm trên người.
"Tôi nghĩ điều này một phần nằm ở tính cách cởi mở và tính cá nhân cao của Gen Z. Phần khác nằm ở việc phong cách xăm ngày nay đa dạng hơn trước, không chỉ dừng lại ở những hình bít lưng hay kín tay mà còn có các hình nhỏ, cách điệu", cô bày tỏ.
Ngoài ra, theo Linh, việc các tiệm xăm và thợ xăm sử dụng mạng xã hội để truyền thông cũng khá hiệu quả trong việc phá bỏ khuôn mẫu và định kiến về xăm hình.
Họ chia sẻ khá nhiều thông tin hữu ích về các trường phái xăm hình, cách đi xăm an toàn… nên mọi người cảm thấy an tâm hơn ngày trước.
Nguyễn Ngân - chủ một tiệm xăm ở Hà Nội - xác nhận điều này. Cô cho biết, khách hàng của mình 90% là các bạn trẻ trong độ tuổi 18-30, đặc biệt là Gen Z. Mục đích họ tìm đến xăm hình chủ yếu là để đánh dấu cột mốc có ý nghĩa trong cuộc đời.
Đó có thể là về tình yêu, công việc, gia đình, một chuyến đi hoặc đơn giản là ngày sinh nhật. Số khác xăm vì yêu thích một hình ảnh, con người hoặc một câu từ, triết lý sống nào đó. Họ chọn cách xăm hình để thể hiện quan điểm, phong cách riêng của mình.
"Hiện nay, việc xăm hình trở nên quá phổ biến với giới trẻ. Đi đến đâu, chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp đâu đó vài bạn trẻ có hình xăm. Điều này đang trở thành xu thế và trên đà vận động, phát triển như bao thứ khác trong cuộc sống", cô chia sẻ.
Vẫn còn định kiến
Nguyễn Ngân cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại có sự giao thoa văn hóa giữa nhiều thế hệ khác nhau nên không thể tránh khỏi những quan điểm trái chiều về việc xăm hình.
Đặc biệt là thời trước, mục đích xăm hình và thể loại xăm hình rất khác so với ngày nay.
Từ một người đi xăm để giải tỏa áp lực, Nguyễn Ngân quyết định bỏ công việc văn phòng ổn định để theo đuổi nghề xăm.
Điều nữ thợ xăm thấy đáng tiếc là nhiều cá nhân, nhất là những người thuộc thế hệ trước, vẫn giữ quan điểm, góc nhìn cũ để phán xét về việc xăm hình và những người xăm hình trong thời đại mới.
Song song với đó, một bộ phận giới trẻ chưa dám đối diện với sự khác biệt, vẫn để những định kiến làm ảnh hưởng đến quyết định và chất lượng cuộc sống của mình.
"Khi theo nghề, tôi thường xuyên gặp phải những bình luận tiêu cực, ánh mắt phán xét. Một số người cho rằng, xăm là giang hồ, đầu gấu, thậm chí nặng nề hơn là vô học", cô kể.
Thế nhưng, Ngân không buồn vì hiểu được giá trị của bản thân nằm ở đâu, mình là ai, đang làm gì. Bằng chứng là nhiều người thấy được những giá trị tích cực cô lan tỏa nên yêu quý, tìm đến để xăm.
Ngay cả bố mẹ và anh chị - những người từng ngăn cản Ngân từ bỏ công việc ổn định để làm thợ xăm và có định kiến về việc xăm hình - đến nay đều ủng hộ, cổ vũ khi nhìn thấy kết quả từ những nỗ lực của cô.
"Xăm hình không xấu, chỉ có cách nghĩ của chúng ta về việc xăm hình mới xấu. Thời đại ngày càng phát triển, tôi nghĩ những tư duy cũ cũng cần được cải tiến để phù hợp với thời đại", nữ thợ xăm nói.
Đặc biệt, tiệm của Ngân cũng không cung cấp dịch vụ xóa xăm.
"Tôi muốn khách hàng tìm đến mình là để có những hình xăm sẽ theo họ suốt đời mà không cần che giấu hay xóa đi. Ai cũng có quyền sống theo ý muốn của mình, miễn là không làm điều gì sai trái và ảnh hưởng đến người khác", cô bày tỏ.
Ngọc Linh cho rằng, định kiến với xăm hình tồn tại không chỉ ở thế hệ trước mà ngay cả ở một phần người trẻ đồng trang lứa với cô.
Điều này có khá nhiều lý do để giải thích: Xăm hình được gán nghĩa xấu là "ăn chơi", "đua đòi", "côn đồ". Trải qua khoảng thời gian giáo dục và tiếp xúc lâu dài với những thông tin đó, một số người trẻ tin vào khuôn mẫu này.
"Từ những khuôn mẫu đó, xã hội đặt ra chuẩn mực về "thế nào là đúng mực". Vì thế, một số người có hình xăm vẫn gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc hoặc bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc", cô nói.
Theo Linh, khuôn mẫu và định kiến có thể thay đổi bằng việc tiếp cận với xăm hình dưới góc nhìn tích cực hơn, cũng như tìm hiểu thông tin từ những nguồn uy tín, chính thống.
Nỗ lực thay đổi
Thuộc thế hệ đầu tiên của bộ môn xăm nghệ thuật ở Hà Nội với 14 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Anh Na Lee đã và đang nỗ lực thay đổi những định kiến về xăm hình tại Việt Nam trong khả năng của mình.
Anh là trưởng ban tổ chức Lễ hội xăm hình nghệ thuật Việt Nam (Vietnam Ink Festival) - chương trình lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, gồm có 20 quốc gia tham dự.
Hiện tại, Anh Na Lee chủ yếu thực hiện các sự kiện liên quan đến liên kết đào tạo, cũng như đưa thí sinh Việt Nam đi thi đấu tại các giải xăm quốc tế.
Anh cũng được mời làm giám khảo chấm thi cho nhiều cuộc thi xăm hình ở Việt Nam lẫn nước ngoài như Canada, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.
Anh Na Lee nhớ lại khoảng năm 2009-2010, khi anh mới bước chân vào nghề, mọi người đều có định kiến khá nặng nề về xăm hình. Những người theo đuổi ngành khá vất vả để giữ được đam mê.
Theo giời gian, ngày càng có nhiều người công nhận xăm nghệ thuật hơn và sẵn sàng khoe sở thích cá nhân. Cách nhìn nhận của xã hội về hình xăm cũng đã cởi mở hơn rất nhiều so với trước đây.
Anh Na Lee từng thực hiện hình xăm cho nhiều người làm công việc khác nhau như nhân viên văn phòng, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư…
Tuy vậy, anh không phủ nhận rằng, đến bây giờ, vẫn có không ít bạn trẻ rất thích xăm nhưng chỉ dám thực hiện ở chỗ kín đáo vì sợ bị đánh giá ở nhà hay môi trường làm việc. Người có hình xăm cũng có thể bị phân biệt đối xử trong nhiều trường hợp.
Theo Anh Na Lee, định kiến về hình xăm được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác nên không thể một sớm một chiều là có thể thay đổi.
"Tôi không cổ xúy mọi người là 'cứ xăm đi, không sao cả'. Tôi chỉ nghĩ nếu ai đó đam mê mà thấy môi trường làm việc của mình chưa phù hợp, người thợ xăm có thể tư vấn cho họ những hình xăm nhỏ, kín đáo.
Đôi khi, người ta sở hữu hình xăm chỉ vì thích, không cần cho ai nhìn thấy", anh bày tỏ.
Với những người đang có định kiến về ngành nghề xăm, Anh Na Lee mong họ nhìn cởi mở hơn một chút. Bởi lẽ, hình xăm không phản ánh sự tốt, xấu của con người, mà chỉ là đam mê của người sở hữu đối với tác phẩm đó.
Gần đây, trong một buổi thi tại Lễ hội xăm hình nghệ thuật Việt Nam 2023, Anh Na Lee rất xúc động khi chứng kiến cảnh một ông bố đưa con trai còn rất trẻ đi thi và luôn túc trực bên cạnh để hỗ trợ từ cái khăn, miếng giấy đến bữa ăn, nước uống.
Khi được hỏi chuyện, người bố tâm sự, từ bé con trai đã thích hội họa, nhưng lớn lên lại chọn xăm hình. Ban đầu, anh phản đối gay gắt, nhưng quan sát con trong quá trình làm việc có sự nghiêm túc với nghề.
"Tôi cảm giác, nếu mình còn cản trở sẽ rất tội cho đam mê của con. Nên sau đó, tôi quyết định ủng hộ để con được thỏa đam mê của mình", người bố chia sẻ.
Nhưng không phải ai cũng được may mắn như vậy. Anh Na Lee từng biết có nhiều người trẻ rất đam mê nhưng phải nói dối, không dám cho gia đình biết mình làm nghề xăm hình.
Theo Anh Na Lee, bộ môn xăm nghệ thuật của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á còn non trẻ, nhưng tay nghề của các nghệ sĩ xăm hình nước ta đã được thế giới công nhận rất rõ trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Bởi vậy, điều anh mong mỏi nhất ở hiện tại là cộng đồng thế giới công nhận kỹ thuật của các nghệ sĩ xăm hình Việt Nam và dành cho họ sự tôn trọng.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt cũng nhìn nhận đúng giá trị của xăm nghệ thuật là một bộ môn hội họa, được gọi là họa bì (tức vẽ trên da).
Về phần Tú Uyên, cô vẫn sẽ tiếp tục có thêm những hình xăm trên cơ thể trong tương lai. Khi đứng trên bục giảng,
Uyên sẽ giữ đúng chuẩn mực của người giáo viên, nhưng rời lớp học, cô có thể tự hào khoe hình xăm với đồng nghiệp, bạn bè và người thân mà không sợ bị ai đánh giá.
"Thế giới này có biết bao nhiêu người, mỗi cá nhân một quan điểm, chúng ta không thể bắt ai theo suy nghĩ của mình. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, tôi tin dần dần, mọi người sẽ có những quan điểm khác, tích cực hơn về hình xăm", cô nói.
Theo Dân trí