Người tuyên án tử hình kẻ giết 4 người nói gì khi có kháng cáo?

25 năm công tác trong ngành tòa án, nhưng đây là lần đầu tiên ông Sơn tuyên tử hình đối với một án giết người.

Như tin đã đưa về vụ thảm án giết 4 người ở Nghệ An, bị cáo Vi Văn Hai (SN 1995, trú bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm xin giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân.

 Người tuyên án tử hình kẻ giết 4 người nói gì khi có kháng cáo? - 1
Vi Văn Hai bình thản khi nghe tòa tuyên tử hình.

Trước diễn biến này, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã ghi nhận phản ứng của ông Trần Ngọc Sơn - Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An, chủ tọa phiên tòa xét xử Vi Văn Hai và tuyên án bị cáo này hình phạt cao nhất.

Ông Sơn cho biết, ngay sau khi được giao làm chủ tọa phiên tòa, ông đã phải tự đặt ra rất nhiều câu hỏi cho mình từ việc Hai có bị tâm thần hay không cho đến còn có đồng phạm nào khác trợ giúp mà Hai có thể giết 4 người cùng một lúc một cách lạnh lùng và chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.

 Người tuyên án tử hình kẻ giết 4 người nói gì khi có kháng cáo? - 2
Ông Sơn - Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An chia sẻ về bản án mình vừa tuyên
sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm.

Ngay từ khi bước xuống xe tù cho đến suốt quá trình xét xử vụ án dưới hàng ngàn con mắt theo dõi nhưng Hai vẫn luôn tỏ ra lạnh lùng, bình thản và thậm chí còn nở nụ cười khiến những người theo dõi phiên xét xử không khỏi bức xúc vì cho rằng y quá coi thường pháp luật.

Mặc dù bình thản và trả lời một cách nhát gừng trong phiên tòa nhưng khi ngoảnh lại nhìn nước mắt người thân, Hai đã xin tòa được chịu mọi trách nhiệm cho những gì mình đã gây ra chứ không liên quan đến gia đình của mình.

Khi xét xử hai, ông Sơn đã phải cẩn thận đặt các câu hỏi để xem xét diễn biến tâm lý của bị cáo, có những lúc Hai định không khai, chắp tay nhìn lên trời thì ông Sơn đã phải đưa ra cách hỏi và động viên bị cáo.

“Tôi cho bị cáo đứng trả lời tự nhiên, thoải mái nhất để nếu có gì còn uẩn khúc thì sẽ tự thốt khai ra”, ông Sơn cho biết.

Hai là người dân tộc thiểu số, do hoàn cảnh khó khăn nên chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ học bám vào nương rẫy làm ăn nuôi thân. Do trình độ nhận thức còn hạn chế nên ngay cả khi tòa cho y được nói lời cuối cùng thì Hai vẫn thản nhiên trả lời “bị cáo không có gì để nói”.

Ngay cả khi kết thúc phiên tòa với bản án tử hình thì Hai vẫn chưa biết là mình sẽ phải chết, chỉ đến khi thấy người thân khóc van thảm thiết, nhiều người tới hỏi thì Hai mới tá hỏa nhận biết được bản án mà mình sắp phải chịu.

“Do hạn chế về nhận thức, nhưng không thể vì trình độ thấp mà giết người như vậy được. Hiện còn nhiều người dân tộc thiểu số cũng ít học, nhiều người thậm chí còn chưa biết chữ nhưng đâu có phạm tội”, ông Sơn nói.

Ngay sau khi nghe HĐXX tuyên tử hình đối với chồng của mình, chị Vi Thị Nguyệt như ngất lịm khi biết mẹ con mình sắp mất đi người đàn ông trụ cột trong gia đình.

Theo chị Nguyệt, bình thường Hai là một người rất hiền lành, chăm chỉ làm ăn và thương yêu vợ con hết mực. Chỉ vì một phút không kìm chế được bản thân nên đã gây ra chuyện đau lòng như vậy.

“Tôi biết là tội của anh ấy rất lớn, nhưng mong Nhà nước đừng giết anh ấy mà cho anh ấy ngồi tù suốt đời cũng được để anh ấy có thể nhận ra lỗi lầm của mình”, chị Nguyệt nấc nghẹn trong phiên tòa sơ thẩm.

Theo cáo trạng, trưa 2.7, Hai đi bộ đến gần lán của vợ chồng anh Lo Văn Thọ (SN 1987 tuổi) và chị Lê Thị Yến (SN 1989, ngụ cùng bản) để hái chanh rồi vào lán xin muối.

Tại đây, giữa anh Thọ và Hai xảy ra cự cãi. Hai lấy con dao trong lán của gia đình anh Thọ chém anh Thọ tử vong. Chị Yến thấy vậy địu con trai là cháu Lo Việt Chung (11 tháng tuổi) bỏ chạy.

Hai rượt theo và gặp bà Viêng Thị Dương (SN 1952, mẹ anh Thọ) đang tắm ở suối liền dùng dao sát hại bà Dương rồi tiếp tục đuổi theo chém chị Yến và cháu Chung tử vong.

Sau khi gây án, Hai vứt con dao cách hiện trường khoảng 500m rồi về lán và 17 ngày sau thì bị bắt giữ.

Theo Gia đình & Xã hội


Tin tức mới nhất