Báo cáo - được thực hiện bởi Momentum Works và qlub - cho thấy ngành trà sữa trân châu của Indonesia đứng đầu về quy mô thị trường trong số tất cả các quốc gia Đông Nam Á, với doanh thu hằng năm lên tới 1,6 tỷ đô la Mỹ (khoảng 37.400 tỷ đồng).
Đứng thứ 2 là Thái Lan với 749 triệu đô la Mỹ (17.500 tỷ đồng) thu về từ hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác.
Việt Nam đứng thứ 3 với 362 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng), cao hơn Singapore (đứng thứ 4) với 342 triệu đô la (khoảng 8.000 tỷ đồng).
Dù là quốc gia nhỏ nhất trong khu vực, nhưng người tiêu dùng Singapore lại có sức mua mạnh nhất vì giá trung bình của một đơn hàng trà sữa ở nước này cao gấp gần 2 lần các quốc gia khác trong khu vực.
Điều này khiến Singapore trở thành điểm đến tuyệt vời cho các thương hiệu trà sữa cao cấp, theo các nhà nghiên cứu. Hiện tại có hơn 60 thương hiệu trà sữa với mức giá và phục vụ thị hiếu khác nhau ở Singapore.
Ngành trà sữa ở Trung Quốc ước tính thu về khoảng 20 tỷ đô la Mỹ/năm
Mặc dù ngành trà sữa ở Đông Nam Á từ lâu đã bị thống trị bởi các thương hiệu nội địa hoặc thương hiệu Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi khi một loạt các thương hiệu Trung Quốc đại lục bắt đầu tiến vào thị trường Đông Nam Á.
Ông Sik Hoe Yong, Giám đốc điều hành của qlub, cho biết: "Nhiều người trẻ ở Đông Nam Á muốn tự mở cửa hàng trà sữa. Mặc dù có tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng trà sữa vẫn là một ngành hàng khó cạnh tranh do các sản phẩm dễ sao chép và các vấn đề về chuỗi cung ứng".
Tuy nhiên, ông tin rằng tình yêu của người tiêu dùng đối với trà sữa trân châu là điều khó có thể thay đổi trong tương lai gần, dù mọi người thường có xu hướng chọn lựa thương hiệu yêu thích theo túi tiền.
Theo Tiền Phong