Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 về việc Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, 52% người dân trong tổng số 46,5 triệu cử tri muốn nước này rời khối. Đây là cuộc trưng cầu vốn gây chia rẽ nước Anh trong suốt những tháng qua, trong khi cả thế giới và khối 28 nước thành viên phải nín thở.

Căng thẳng bao trùm

Ngân Lê, thạc sĩ tâm lý 28 tuổi, hiện sống tại thành phố Oxford cho biết, người Anh đã sống với tâm lý lo âu suốt một thời gian dài, từ khi họ phải đặt chuyện đi hay ở lại EU lên bàn cân. Càng đến gần thời điểm công bố kết quả, không khí càng căng thẳng. Những sự kiện diễn ra liên tiếp ngay sau thời điểm công bố khiến cô liên tưởng tới quả bóng thổi căng đến lúc nổ tung.

“Sáng hôm qua, khi tỉnh dậy, mình ngỡ như đang ở một thế giới khác. Người cười, kẻ khóc, giá dầu giảm, giá vàng tăng, chuyện chứng khoán, kinh tế, từ chức… mọi thứ xung quanh đều rất hỗn loạn. Trang đầu của tất cả các báo đều đăng tải về Brexit”, Ngân kể. Brexit là cụm từ chỉ Anh rời khỏi EU.

Nguoi Viet o chau Au nghi gi ve viec Anh roi EU? hinh anh 1
Cử tri Anh và người dân trên thế giới đã trải qua những giờ phút nghẹt thở trước khi cuộc trưng cầu dân ý về Brexit có kết quả. Ảnh: Independent

Cô gái 28 tuổi cho biết, đa số người lớn tuổi chọn rời EU trong khi giới trẻ muốn nước Anh tiếp tục ở lại. “Càng có tuổi, sức cạnh tranh lao động của người ta càng thấp, đặc biệt những người đã và sắp nghỉ hưu. Họ không muốn xã hội có nhiều biến động, không muốn cạnh tranh với lực lượng lao động mới hay chia sẻ phúc lợi xã hội".

Ngoài ra, sự quan ngại về khả năng phần tử khủng bố trà trộn trong số những người nhập cư cũng là vấn đề khiến cử tri lớn tuổi ở Anh quan tâm.

Hậu Brexit, cuộc sống vẫn bình thường

Đề cập đến những thay đổi sau cuộc trưng cầu, Ngân cho biết, do quyết định này chưa đi vào thực thi mà mới chỉ tác động đến tâm lý nên lĩnh vực tài chính chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Thời gian tới, cuộc sống của người Anh vẫn sẽ diễn ra như bình thường bởi chính thức rời khỏi EU là chuyện của 2 – 3 năm tới. “Nếu Anh thực sự tách khỏi EU, mình cũng không biết cuộc sống tương lai sẽ thế nào. Tuy nhiên, ít nhất, chuyện đi lại giữa Anh và các nước châu Âu sẽ khó khăn hơn”, Ngân nói.

Trong khi đó, theo bạn Vũ Hồng Ánh (28 tuổi) sống tại Đức, nếu nhìn trên phương diện thế giới thì mọi người đều muốn Anh ở lại EU bởi điều đó giúp bình ổn thị trường thương mại, chứng khoán.

Theo Ánh, những người ủng hộ Brexit có tư tưởng thiên về trách nhiệm nặng hơn so với quyền lợi. "Nếu vẫn ở trong khối, Anh phải chấp nhận những quy định, kế hoạch của EU, và còn chưa kể đến nhiều gánh nặng khác khi ở lại", Ánh nói.

Đề cập tới suy nghĩ chung của người dân Đức sau quyết định của Anh, Ánh cho rằng: "Đức là đầu tàu của EU nên dĩ nhiên họ không thích Anh rời khối. Bởi khi đó, trách nhiệm của Anh sẽ phải san bớt sang các nước. Ngoài ra, quyết định của xứ sở sương mù cũng ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ muốn rời EU của một vài nước thành viên".

Người Việt không bị ảnh hưởng

Nguyễn Khắc Thịnh, sống tại thành phố Huddersfield, cho rằng, du học sinh châu Á và các vùng khác có cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn sau khi Anh quyết định rời EU.

"Khi đó, cuộc cạnh tranh việc làm sẽ sòng phẳng hơn với những người tới từ EU. Trước kia, thứ tự ưu tiên việc làm thường là người Anh, người EU rồi mới tới những nước khác", Thịnh giải thích.

Điều mà Thịnh băn khoăn và buồn đôi chút là hậu Brexit, nếu ai đó muốn nhập cư vào Anh cũng khó bởi tư tưởng của chiến dịch này là siết chặt nhập cư.

Nguoi Viet o chau Au nghi gi ve viec Anh roi EU? hinh anh 2
Những người ủng hộ Liên minh châu Âu tập trung bên ngoài Phố Downing, Whitehall, nhằm phản đối kết quả trưng cầu. Ảnh: AAP


Chia sẻ về cuộc sống của người Việt tại Đức sau sự kiện Brexit, anh Tuấn Dũng ở Berlin, cho biết, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường bởi phần lớn đều buôn bán nhỏ. “Sang tuần chính phủ các nước mới bắt đầu họp bàn về quyết định của người Anh. Sau đó, tình hình xã hội có thể biến động. Tuy nhiên, trước mắt, cuộc sống của người Đức nói chung và người Việt ở Đức nói riêng vẫn ổn định”, anh nói.

Một số người Việt ở các nước thuộc EU lại không quan tâm nhiều tới sự kiện chính trị "nóng bỏng" nhất tại châu Âu những ngày qua. Hien Tang tại Paris (Pháp), thẳng thắn chia sẻ: "Việc Anh đi hay ở Liên minh châu Âu không ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày nên mình cũng không nghĩ nhiều về nó".

Không tin Anh sẽ rời EU

Dù kết quả trưng cầu đã được công bố hôm 24/6, một số người Việt tại châu Âu như anh Tuấn Dũng vẫn không tin Anh sẽ rời EU.

“Tỷ lệ quyết định này trở thành sự thật chỉ khoảng 60%. Nếu Anh thực sự ra đi, kinh tế sẽ mất thăng bằng. Đức không ngại chuyện này bởi họ mạnh về kinh tế. Tuy nhiên, họ cũng không muốn điều đó xảy ra. Trong thời gian đàm phán, Đức và Pháp có thể cố thuyết phục Anh ở lại, tránh bước đầu của hiệu ứng domino. Tình trạng Hy Lạp tồi tệ như vậy mà họ vẫn giữ ở lại EU”, anh Dũng nhận định.

Theo thông tin mới nhất từ Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Uỷ ban châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP) gồm các ông Donald Tusk, Jean-Claude Juncker và Martin Schulz, cùng chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu là hiện là Mark Rutte (thủ tướng Hà Lan), kêu gọi Anh sớm tiến hành quy trình để rời khỏi EU “càng sớm càng tốt”.

“Bộ Tứ” khẳng định sau cuộc họp khẩn ở Brussels rằng, sẽ không có đàm phán lại và nói rằng Anh cần thực hiện đúng kết quả cuộc trưng cầu dân ý để tránh giai đoạn rủi ro kéo dài.

Trong khi đó, tính tới ngày 25/6, đơn thỉnh nguyện kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về vai trò thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu đã thu được 2,5 triệu chữ ký. Theo quy định, Quốc hội Anh sẽ xem xét một thỉnh nguyện thư nếu nó thu thập được tối thiểu 100.000 chữ ký. Người phát ngôn Hạ viện Anh cho biết, đơn kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 sẽ được đưa ra thảo luận tại một ủy ban chuyên trách vào ngày 28/6.

Ngày 23/6, đông đảo người dân Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc “rời bỏ” hay “ở lại” với Liên minh châu Âu. Các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu cho thấy phe ủng hộ ở lại chiếm đa số nhưng kết quả kiểm phiếu nói lên điều ngược lại. Với 52% cử tri ủng hộ Brexit, nước Anh đã có quyết định cuối cùng cho cuộc hôn nhân với EU. Kết quả Anh rời EU được cho là một cú sốc lớn và có thể gây ra những hậu quả chưa thể lường trước.

Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.

Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).

Theo Zing