Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ kể phút tháo chạy trận động đất 'như tận thế'
Những người Việt sống tại Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp hứng chịu trận động đất kinh hoàng, kể lại khoảnh khắc thoát chết, hành trình chạy nạn và nỗi lo lắng, bất an.
"Chạy nhanh ra khỏi chung cư"
Từ trong giấc ngủ rạng sáng 6/2, chị Phạm Hồng (28 tuổi) bị đánh thức bởi sự rung lắc của căn hộ chung cư tại huyện Besni, tỉnh Adıyaman (phía Trung Nam Thổ Nhĩ Kỳ). Mọi thứ trong nhà đổ sập ngay trước mắt cô dâu Việt vừa đặt chân đến đất nước này cách đây 10 tháng, chưa từng biết tới động đất.
Nhìn qua cửa sổ, chị thấy người dân bỏ chạy tán loạn. Cùng lúc đó, điện thoại khôi phục tín hiệu đường truyền. Một cuộc gọi bất ngờ, đầu dây bên kia truyền đi tiếng hét lớn: "Chạy nhanh ra khỏi chung cư".
Người phụ nữ lo lắng, bế con gái 4 tuổi, cùng mẹ chồng 57 tuổi và bà nội chồng hơn 90 tuổi, nhanh chóng chạy ra khỏi tòa nhà giữa lúc trời tuyết. Đối diện họ, một căn chung cư khác vừa bị "san phẳng". Xe cứu thương và xe cẩu tham gia cứu hộ, gây hỗn loạn giao thông trong khu vực.
Người bà được hàng xóm giúp đỡ, tạm lánh nạn bên trong một chiếc ô tô kiên cố. Chị Hồng cùng mẹ và con gái, cũng được một người tốt bụng cho lên xe ngồi nhờ.
Một phụ nữ đứng nhìn lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát sau trận động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ba tiếng sau trận động đất, chị quay về nhà, vội lấy một ít đồ đạc, đưa người thân chạy nạn về quê chồng ở làng Yayilik, cùng thuộc tỉnh Adıyaman. Họ đứng đợi giữa đường khoảng 2 tiếng, nhưng không có xe nào đi qua. Lúc sau, người thân gọi điện, nói sẽ tới đón gia đình về quê.
Vượt quãng đường với tâm thế bất an, đến tạm nhà một người thân, chị Hồng vừa ngồi xuống uống trà, thì một lần nữa động đất lại làm rung chuyển mọi thứ. Mọi người hô hoán chạy ra xe tránh trú, ngồi đợi đến 3h sáng hôm sau.
"Con gái không thể chịu được không gian chật chội, đông người bên trong xe, nên tôi quyết định đưa người thân về nhà. May mắn, căn nhà không sao, chúng tôi lánh nạn an toàn, được hàng xóm hỗ trợ bánh mì, sữa chua, phô mai,…", chị Hồng kể.
Con đường về quê lánh nạn của gia đình chị Hồng trở nên hỗn loạn sau trận động đất. (Ảnh: NVCC).
Dù ở vùng an toàn, nhưng thỉnh thoảng, mặt đất lại xuất hiện dư chấn, cô dâu Việt cùng người thân lại ôm chăn chạy ra đường. Ai có xe thì trèo lên trú ẩn, nếu không thì đắp chăn ngồi ngoài đường, chịu cảnh rét mướt.
Không còn bàng hoàng như thời khắc đầu tiên chứng kiến động đất, chị Hồng dần ổn định tinh thần và sức khỏe. Song hai cụ bà lớn tuổi vẫn rất lo lắng về thảm kịch, bé gái hoảng sợ mỗi lần dư chấn. Nhờ tình cảm và sự giúp đỡ của người dân làng quê, họ cũng vơi bớt đi phần nào nỗi nhọc nhằn.
"Nhiều anh chị người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, nhưng sau một ngày, tôi mới phản hồi được khi điện thoại bắt được sóng. Tôi cảm thấy ấm lòng khi đọc được những dòng tin sẵn sàng hỗ trợ đến từ đồng hương", chị Hồng xúc động nói.
Anh Mustafa (33 tuổi) hiện công tác ở Mỹ, vì một số lý do chưa thể về quê. Anh lo lắng, liên tục gọi điện cho vợ cập nhật tình hình. Anh cũng đã báo tin an toàn cho bố mẹ vợ tại Việt Nam.
"Tôi cầu mong người dân bình an vượt qua thảm kịch", anh nghẹn ngào.
Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát sau động đất ở Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Người như gió giật trong cơn lốc
Hai ngày sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ sáng 6/2, chị Ly Phương vẫn chưa thể trấn tĩnh. Bất cứ một chuyển động hay âm thanh rơi vỡ vô cớ nào cũng khiến chị giật mình. Ngay cả khi chiếc đèn trên trần nhà rung nhẹ, chị và người thân đều nghĩ tới nguy cơ động đất và sẵn sàng tháo chạy.
Trận động đất 7,8 độ richter không chỉ khiến người phụ nữ này cùng con trai ám ảnh, mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người thân bên nhà chồng. Họ đều đang vô cùng đau xót!
Chị Ly Phương sống tại Diyarbakir - một trong 10 thành phố gánh chịu 2 trận động đất liên tiếp ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhớ lại thời khắc kinh hoàng, giọng người phụ nữ run run: "Cơn địa chấn kéo dài khoảng 1 phút, giống như tiếng bom nổ. Tôi choáng váng không trụ nổi, người như gió giật trong cơn lốc".
Theo chị Phương, người chồng đi làm ở xa, trong nhà chỉ có chị và con nhỏ 3 tuổi. Khoảng 4h sáng 6/2, chị đang ôm con ngủ thì bị tỉnh giấc bởi âm thanh lớn như tiếng bom. Tòa nhà rung lắc dữ dội.
Kinh nghiệm của trận động đất 6,4 độ richter cách đó 3 năm khiến chị lập tức hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vơ vội chiếc áo ấm và ba lô luôn có sẵn hộ chiếu, chị ôm con lao ra khỏi nhà.
Nhà chị Phương ở tầng 1 của khu chung cư 13 tầng. Từ nhà xuống sảnh chỉ hơn 10 bậc thang nhưng vì hoảng loạn, chị ngã lên ngã xuống mấy lần. Bước chân ra đường, chị thấy người từ khắp các nơi đang túa ra, thi nhau tháo chạy.
Người có xe thì leo lên xe rời đi, người không có thì chạy bộ. Bố mẹ dắt díu con cái, người trẻ đỡ người già cố tìm cách tránh xa các khu nhà cao tầng.
Một người sống sót được khiêng trên cáng sau khi được giải cứu sau trận động đất ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thoát ra khỏi tòa nhà, chị Phương dừng lại ở một khoảng sân trống. Không biết đi đâu và làm gì lúc ấy, người phụ nữ và con nhỏ đứng tần ngần một chỗ. Người chị run bắn, phần vì lạnh, phần vì sợ hãi.
Đúng lúc ấy, một người hàng xóm đi qua nhìn thấy hai mẹ con chơ vơ giữa trời lạnh đã gọi chị lên xe. Không cần biết họ đi đâu, chị Phương liền đồng ý. Cả nhóm sau đó hối hả rời đi. Trên đường đi, họ thấy rất nhiều xe ô tô cũng tìm cách rời khỏi thành phố.
"Đầu óc tôi khi ấy vẫn trống rỗng, hoảng loạn nên khi hàng xóm hỏi muốn đến đâu, tôi nói bản thân không biết sẽ đi đâu. Một lúc sau, tôi nhận được điện thoại bên nhà chồng hỏi tình hình của hai mẹ con. Nghe đầu dây bên kia báo an toàn, tôi thở phào. Bố mẹ chồng khi ấy nói sẽ cho người đến đón, tôi mới trấn tĩnh lại một chút", chị Phương nhớ lại.
Hai mẹ con chị sau đó được đưa đến khu nhà của bố mẹ chồng cách đó khoảng 5km. Nhưng tới khu nhà rồi, chị Phương vẫn không dám lên trên căn hộ tầng 6 vì sợ động đất tiếp tục xảy ra.
Các phương tiện thông tin Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cập nhật về hoạt động cứu nạn. (Ảnh: NVCC).
Đứng dưới ki-ốt bảo vệ tòa nhà, chị xem được tin tức cập nhật trực tiếp về vụ động đất. Nhìn ti vi chiếu cảnh những khu nhà khác trong thành phố chỉ còn là đống đổ nát, chị bàng hoàng nhận ra mình vừa may mắn thoát khỏi đại nạn.
"Có lẽ, do khu nhà của tôi mới nên không bị đổ sập. Các khu khác trong thành phố có tuổi đời vài chục năm, chưa xây theo công nghệ chống động đất nên thiệt hại rất nặng, hầu hết đều đổ sập. Nghe ti vi nói có rất nhiều người chết, chân tay tôi bủn rủn", chị Phương kể lại.
Người phụ nữ quyết định tiếp tục hành trình tháo chạy. Từ trang trại ở ngoại ô, người anh chồng nghe tin tức đã tức tốc lái xe đón chị Phương và bố mẹ mình.
Sau khoảng 3 tiếng vượt qua dòng xe kẹt cứng trên đường quốc lộ, chị cùng người thân cũng tới được trang trại của người anh chồng. Tuy nhiên, ngồi trong căn nhà ngoại ô, họ vẫn không thể yên tâm khi liên tiếp xuất hiện các đợt rung lắc nhẹ.
"Trận động đất thứ hai còn kinh khủng hơn"
Đến khoảng 13h cùng ngày, sau khi thấy tình hình tạm yên ắng, chị Phương nhờ anh chồng đưa về nhà để lấy ít đồ đạc cá nhân với ý định sẽ ở lại nhà người anh này ít bữa. Chị không ngờ, lần quay trở lại này, lại một lần nữa trải qua cảm giác sợ hãi đến ám ảnh.
"Về đến nhà tôi thấy tường nhà nứt toác, nham nhở khắp nơi. Tôi nhanh chóng lấy thêm chút đồ đạc rồi chạy xuống ô tô. Vừa ngồi vào xe thì trận động đất thứ hai xảy ra, cả chiếc xe như nẩy khỏi mặt đất.
Cả hai anh em chỉ biết ngồi trong xe la hét. Cảm giác còn kinh khủng hơn lúc sáng. Lúc ấy hai anh em sợ các tòa nhà xung quanh sụp đổ, bãi đậu xe sẽ sụt xuống, nuốt trọn chiếc xe", chị Phương nói.
Lần động đất này diễn ra chừng 30 giây khiến nhiều khu nhà, công trình trong TP Diyarbakir tan hoang. Chị Phương may mắn thoát nạn một lần nữa. Người anh trai vội điều khiển xe chạy ra khỏi thành phố.
Đường sá đông đúc và hỗn loạn hơn lúc sáng. Những người dân Thổ Nhĩ Kỳ thường ngày tham gia giao thông rất trật tự nhưng lúc ấy ai cũng hối hả, bấm còi inh ỏi, những mong thoát khỏi trung tâm nhanh nhất có thể.
Do các ngả đường kẹt cứng, 4h chiều cả hai mới đến được vùng ngoại ô. Lo lắng sẽ có trận động đất thứ 3, cả gia đình chị Phương bàn nhau ra sảnh hồ bơi công cộng gần đó để trú ẩn.
"Nơi đây không có tầng lầu, chỉ có sảnh to nên nếu sự cố xảy ra thì sẽ không quá bị ảnh hưởng. Đến nơi, tôi thấy đã có rất đông người trú ngụ. Cả gia đình tôi đã qua đêm trong sự lo lắng, thấp thỏm", người phụ nữ này cho hay.
Sảnh của bể bơi công cộng nơi chị Phương cùng người thân tránh trú. (Ảnh: NVCC).
Hiện tại, sau khi nghe ngóng tình hình, chị Phương cùng bố mẹ chồng đã về lại căn hộ ở tầng 6 khu nhà của bố mẹ chồng. Tuy nhiên, nhiều người hàng xóm cùng khu vẫn còn đi tránh trú, chưa dám quay lại.
Chị Phương chia sẻ, hiện không khí trong gia đình đang rất nặng nề và buồn bã. Chị cùng con và bố mẹ chồng may mắn an toàn trong cơn địa chấn. Tuy nhiên, họ hàng bên gia đình chồng lại bị thiệt mạng.
Chị nghẹn ngào nói: "Có 1 người lớn và hai trẻ nhỏ đã bị vùi trong đống đổ nát của một khu nhà cũ. Tối 6/2 chúng tôi vẫn hy vọng người thân của mình không sao. Tuy nhiên, sáng 7/2 lực lượng cứu hộ đưa thi thể lên để nhận diện thì chúng tôi mới biết không còn cứu vãn được nữa. Đó là người thân bên nhà mẹ chồng tôi. Mẹ đã khóc rất nhiều".
Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ không dám ở trong nhà của mình sau khi động đất xảy ra. (Ảnh: NVCC).
Sốc nặng khi nghe tin 6 người thân vùi trong đống đổ nát
Trưa 6/2, anh Bayram Tozotoz bàng hoàng nhận tin ngôi làng nhỏ của đại gia đình tại TP Kahramanmaraş - gần tâm chấn thảm kịch động đất - gần như bị "hủy diệt".
"Nhà cửa đổ nát, khung cảnh tan hoang. 6 người thân thiệt mạng, 15 người bị vùi lấp, nhiều người chết chưa tìm thấy thi thể", anh Bayram đau buồn nói. Trong nhiều giờ sau thảm họa, anh không thể liên lạc với người nhà. Ngồi bên cạnh, chị Lê Thanh Hương liên tục an ủi chồng.
"Chúng tôi đã rất sốc. Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước phát triển, nhưng sau một khoảnh khắc đã sụp đổ hoàn toàn", cô dâu Việt nói. Trên tài khoản mạng xã hội, anh Bayram chuyển ảnh đại diện về màu đen, với biểu tượng cầu nguyện, hy vọng đất nước sớm mạnh mẽ đứng lên sau những tang thương.
Đến tối 6/2, vợ chồng chị Hương kết nối với người thân, được cho xem những thước phim, hình ảnh về trận động đất "như tận thế". Một lúc sau, hai bên bị cắt đứt liên lạc do vùng động đất mất điện, mất sóng điện thoại.
Đêm hôm đó, gia đình anh Bayram chịu cảnh màn trời chiếu đất, ngủ ngoài trời trong thời tiết khắc nghiệt. "Động đất bất ngờ lúc rạng sáng, giữa trời tuyết, khiến nhiều thành viên không kịp chạy thoát thân", chị Hương xót xa kể.
Người phụ nữ bật khóc khi ngồi cạnh khu vực một tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Kahramanmaraş, Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi thu xếp công việc, hai ngày sau, anh Bayram lên đường về Thổ Nhĩ Kỳ trong một tâm trạng nặng nề. Người đàn ông cho biết, cùng thời điểm, những người con xa xứ khác cũng đang tìm đường về "giải cứu" quê hương, nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân dưới đống đổ nát.
Chị Hương chưa từng cảm nhận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây 4 năm, chị kết hôn với anh Bayram (người gốc Kurd, một dân tộc tại vùng Trung Đông), sống trong đại gia đình đông thành viên vùng Kahramanmaraş, cách biên giới Syria một giờ đi xe.
Chị Hương là người Việt duy nhất tại đây. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chuyển đến Nhật Bản sống và lập nghiệp.
"Giữa Kahramanmaraş và Nhật Bản dễ dàng di chuyển. Chúng tôi thường xuyên về thăm gia đình, nhưng không ngờ lần này lại trong một hoàn cảnh tang thương như vậy", người phụ nữ Việt nói.
Chị Hương cho biết, nhà cháu trai chồng hứng chịu thiệt hại hàng chục tỷ đồng, sau khi căn nhà bị trận động đất "san phẳng". Trong các hội nhóm người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ, chị liên tục gửi lời kêu cứu, mong gia đình chồng nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Lực lượng cứu hộ di chuyển một thi thể được tìm thấy trong đống đổ nát ở TP Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Rạng sáng 6/2, trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã làm rung chuyển khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 7/2 đã ban bố tình trạng thảm họa ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi động đất, đồng thời áp tình trạng khẩn cấp ở các khu vực này trong vòng 3 tháng. Ankara kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ nỗ lực cứu hộ cũng như khắc phục hậu quả thảm họa. Tính đến tối 8/2 (giờ Việt Nam, số người chết do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên hơn 11.200 người. Các cơ quan cứu hộ nhận định, con số này có thể tiếp tục tăng lên do nhiều người vẫn còn mắc kẹt trong các đống đổ nát, trong khi nỗ lực cứu hộ bị cản trở bởi thời tiết băng giá. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến chiều 7/2, chưa ghi nhận trường hợp người Việt thiệt mạng, nhưng một vài người bị ảnh hưởng về mặt vật chất và hoảng loạn về tinh thần (như nhà cửa đổ nát, phải ôm con nhỏ tháo chạy ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm giữa trời tuyết,...). Đại sứ quán vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong trường hợp cần bất kỳ hỗ trợ nào, hay biết ai cần hỗ trợ tại khu vực gặp nạn, đồng bào cần liên hệ ngay tới ĐSQ thông qua hotline: 0545 785 85 48. Trong mấy ngày tới, Đại sứ quán sẽ cử cán bộ đến một số địa phương nơi có bà con bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình và kịp thời hỗ trợ. |
Theo Dân Trí
-
44 phút trướcDự báo thời tiết 23/12/2024, các tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, tiếp tục hứng chịu mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão đang hoạt động trên Biển Đông.
-
2 giờ trướcDự báo thời tiết dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch 2025, miền Bắc đêm và sáng trời rét, ngày nắng nhẹ; trong khi miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ khả năng có mưa lớn.
-
12 giờ trướcSau khi tránh va chạm với xe máy đang sang đường, chiếc ô tô đã lao thẳng vào nhà dân khiến 1 người tử vong.
-
17 giờ trướcĐám cháy bùng phát tại tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) khiến bối cảnh phim truyền hình "Donggung" bị thiêu rụi. Đây là phim có Nam Joo Hyuk đóng chính.
-
21 giờ trướcSáng 22-12, trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 4 ô tô, một chiếc lao vào nhà dân
-
21 giờ trướcDự báo thời tiết 22/12/2024, khác với nắng vàng rực rỡ của ngày 21/12, Hà Nội ngày 22/12 sẽ khoác lên mình chiếc áo mây dày, điểm xuyết những hạt mưa lất phất, tạo nên một khung cảnh lãng mạn, thơ mộng.
-
21 giờ trướcÁp thấp nhiệt đới hình thành trên khu vực Nam Biển Đông được dự báo sẽ tiến gần về đất liền khu vực Nam Trung Bộ, đồng thời gây mưa lớn cho khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
-
1 ngày trướcSau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức khai thác, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông và đô thị ở TPHCM.
-
1 ngày trướcHĐND tỉnh Quảng Bình vừa có nghị quyết chi ngân sách, trong đó dành kinh phí 4,5 tỷ đồng làm hàng rào bảo vệ tang vật vụ án là 7 con hổ Đông Dương.
-
1 ngày trướcQua kiểm tra và sàng lọc đối tượng nghi vấn, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng xác định 2 thiếu niên 13 tuổi là nghi phạm sát hại cụ bà 70 tuổi.
-
1 ngày trướcTrong khi người bố đi vào nhà lấy dao, đi tìm đồng hương để “nói chuyện”, hai cậu con trai cố chạy theo can ngăn nhưng không được.
-
1 ngày trướcNhiều ngân hàng đã triển khai định danh điện tử qua VNeID, người dùng có thể xác thực sinh trắc học thay vì tới trực tiếp quầy giao dịch.
-
1 ngày trướcTheo bảng giá đất mới, khu vực đắt đỏ nhất Hà Nội là quận Hoàn Kiếm với 695,3 triệu đồng/m2.
-
1 ngày trướcNhiều xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Bình Dương được huy động mở đường cho ô tô vận chuyển tạng hiến đến các bệnh viện, sân bay ở TPHCM.
-
1 ngày trướcCông an TP Hà Nội thông tin về 21 trang web, 7 số tài khoản ngân hàng mà các đối tượng trong đường dây lừa đảo do Phó Đức Nam - Mr Pips cầm đầu sử dụng. Cơ quan điều tra đề nghị những người bị dụ dỗ đầu tư vào các tài khoản và trang web này liên hệ để phối hợp giải quyết.
-
1 ngày trướcBác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thông tin tình hình sức khoẻ các nạn nhân vụ cháy quán cà phê 11 người tử vong ở Hà Nội.
-
1 ngày trướcGiá vàng hôm nay 21/12/2024 trên thị trường quốc tế tăng nhẹ sau phiên giảm sâu. Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn ngày càng rời xa mốc 90 triệu đồng/lượng và chỉ quanh 81-83 triệu đồng/lượng.
-
1 ngày trướcDự báo thời tiết 21/12/2024, miền Bắc rét, trời có mây, đêm không mưa, ngày nắng. Trong khi đó, Nam Bộ tiếp tục nắng với nhiệt độ cao nhất 29-32 độ.
-
2 ngày trướcCho rằng, vì ông T. mà mình bị cho thôi việc nên tài xế taxi đã nảy sinh ý định đến nhà ông T. để nói chuyện. Cuối cùng anh ta đã sát hại nạn nhân bằng nhát dao chí mạng.
-
2 ngày trướcLê Danh Tạo là cựu phóng viên của tờ báo chuyên ngành pháp luật, cùng vợ là Hồ Thị Hải và em vợ là Hồ Kim Cường đã nhận hơn 1,5 tỷ đồng của các tài xế xe đường dài để bảo kê các lỗi vi phạm.
Tin tức mới nhất
-
2 giờ trước