Từ xa xưa, dân gian đã chọn ngày Tết Trung thu vào Rằm tháng tám âm lịch - đây cũng là ngày lành tháng tốt để tiên đoán mùa màng và tổ chức vui chơi cho các em nhỏ.
Cũng chính vì tổ chức vào ngày Rằm nên biểu tượng của Tết gắn liền với hình ảnh vầng trăng - biểu tượng của sự sum họp.
Nguồn gốc Tết Trung thu
Nhiều người bảo rằng tết Trung Thu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng trên thực tế khi đi vào những giai thoại, người Việt Nam và Trung Quốc đều có những nguồn gốc về tết trung thu khác nhau.
Nếu như Trung Thu của người dân Trung Quốc nhắc đến chuyện tình của Hằng Nga và Hậu Nghệ thì ở Việt Nam lại thêu dệt nên câu chuyện về chú Cuội chị Hằng.
Hay từ câu chuyện lịch sử Trung Quốc thời nhà Đường, nguồn gốc của tết trung thu gắn liền với nàng Dương Qúy Phi. Nàng là một trong tứ đại mỹ nhân làm nên giai thoại đất nước Trung Hoa bấy giờ.
Cũng chính vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà bị triều thần cho rằng nàng mê hoặc nhà vua Đường Huyền Tông chìm đắm trong tửu sắc bỏ bê triều chính.
Đường Huyền Tông buộc phải ban phát cho sủng phi của mình dải lụa trắng để củng cố triều đình trong niềm tiếc thương vô hạn.
Vì niềm thương tiếc khôn nguôi ấy đã làm lay động các tiên nữ, vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu, vua đã được đưa lên trời gặp lại Dương Quý Phi.
Sau khi về trần gian ông đặt ra Tết Trung Thu để tưởng nhớ đến vị sủng phi của mình.
Còn ở Việt Nam, nhiều tài liệu ghi chép lại rằng, Tết Trung Thu được tổ chức dưới thời nhà Lý tại kinh thành Thăng Long, là dịp vua Lý muốn tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, cho con dân ấm no.
Ý nghĩa Tết Trung thu
Tết Trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên, vào ngày này mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ dâng lên cúng tổ tiên. Đến tối, các thành viên lớn nhỏ trong nhà sẽ ngồi quây quần bên nhau ngắm trăng, phá cỗ.
Mỗi dịp Tết trung thu câu chuyện Chị Hằng và Chú Cuội lại được dựng lại để tưởng nhớ về cung trăng. Nhiều em nhỏ vẫn luôn tin rằng, trên cung trăng vào ngày này đều có chú cuội ngồi dưới gốc cây đa đợi chị Hằng.
Ngoài dịp Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu cũng là ngày giành cho các em nhỏ. Mỗi vùng miền trên cả nước đều rước đèn, phá cỗ, xem múa lân, ngắm trăng… Trẻ em sẽ được giành tặng những món đồ chơi nhỏ hay mua cho đèn lồng, đầu lân.
Những em nhỏ trong xóm có dịp cùng nhau chơi những trò chơi múa lân, rước đèn ông sao,... hát những bài hát ý nghĩa về dịp Tết đặc biệt này.
Theo quan niệm dân gian, Tết Trung thu còn là dịp để mọi người ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia.
Nếu trăng thu có màu vàng, năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ; nếu trăng thu có màu xanh hay lục, năm đó đất nước sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì nhân dân sẽ ấm no, hạnh phúc.
Các hoạt động thường gặp trong Tết Trung Thu
Rước đèn
Tại một số vùng nông thôn, những nơi mà quan hệ hàng xóm láng giềng vẫn còn được bảo tồn và trân trọng, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung Thu.
Múa lân
Múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử mặc dù sư tử thì không có sừng) thường được tổ chức vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 15 và 16.
Phá cỗ
Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu của mỗi gia đình để bày tỏ lòng thành kính đến tổ tiên trong dịp này. Ở mỗi vùng miền sẽ có cách bày trí mâm ngũ quả khác nhau mang đậm màu sắc của vùng miền.
Mase (Tổng hợp)
Theo VietNamnet