Chiều 10/9, Công an Hà Nội cho biết, Công an phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân đang lập hồ sơ, xử lý vụ việc cháu bé 10 tuổi tử vong theo quy định của pháp luật.
Khoảng 11h cùng ngày, Công an phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân nhận tin báo tại số 43 ngõ 475/20/63 đường Nguyễn Trãi, Hạ Đình xảy ra vụ việc điện giật chết người.
Nạn nhân là cháu H. H. D. sinh năm 2011, học sinh lớp 5 trường tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: CACC.
Theo Công an Hà Nội, nguyên nhân tử vong xác định do cháu D dùng que ngoáy tai bằng sắt chọc một đầu vào dây nguồn của laptop rồi cầm chọc vào ổ điện, dẫn đến điện giật tử vong.
Phát hiện sự việc, gia đình lập tức đưa cháu D vào cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa nhưng cháu không qua khỏi.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, theo báo cáo ban đầu khi xảy ra sự việc, cháu D. ở nhà cùng em gái, bố vừa đi ra ngoài có việc riêng. Bé đã dùng vật dụng bằng kim loại chọc vào ổ điện dẫn đến hậu quả đau lòng.
Từ sự việc này, Công an Hà Nội khuyến cáo, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, học sinh, trẻ nhỏ phải học online tại nhà, nhiều gia đình đã để trẻ nhỏ tự quản, tự sinh hoạt tại nhà mà không có sự kèm cặp của người lớn, hoặc có nhiều gia đình cho con nhỏ tự do chơi tại khuôn viên nhà.
Khi trẻ nhỏ ở nhà, sự sơ ý và lơ là của người lớn có thể khiến trẻ em gặp hiểm họa, tiềm ẩn xảy ra tai nạn cho chính các cháu hoặc cho cả người xung quanh.
Đã có nhiều vụ cháy, vụ tai nạn do trẻ nhỏ gây ra, khi người lớn vắng nhà, trẻ nhỏ thường tò mò, bắt chước sử dụng ngọn lửa trần, nghịch các thiết bị điện gây cháy, hoặc đôi lúc do hiếu động nên trẻ còn tự làm bị thương mình để bị bỏng, chảy máu chân tay.
Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, Công an Hà Nội khuyên cần đảm bảo rằng bé đã có khả năng tự chăm sóc cơ bản cho bản thân, người lớn cũng chú ý một số nội dung như:
1, Cần có biện pháp giới hạn không gian vui chơi, hoặc phải giáo dục trẻ nhỏ tránh xa khu vực cầu thang bộ, cửa sổ, ban công khi vui chơi đề phòng ngã từ trên cao. Để, đặt các loại đồ chơi của trẻ tại các khu vực thấp, trên mặt sàn, hạn chế cất giấu những đồ chơi thường dùng của trẻ ở các vị trí cao như nóc tủ, kệ để đồ... vượt tầm cao của trẻ nhỏ gây sự tò mò, hiếu kỳ và leo trèo làm đổ các vật dụng gây tai nạn, thương tích.
2, Luôn chuẩn bị đồ ăn cho con trước khi bạn ra khỏi nhà và dặn con giờ ăn, ngủ, đồng thời bố mẹ cũng cần gọi điện về cho con ít nhất 2 tiếng một lần.
3, Khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà. Dạy bé nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm bé không được sờ vào.
4, Tuyệt đối không được khóa cửa nhốt con ở trong nhà mà không để lại chìa khóa cho con. Vì nếu lỡ trong nhà có hỏa hoạn hoặc mối nguy hiểm thì bé sẽ không thể thoát ra được và người khác cũng không thể cứu giúp kịp thời.
5, Dặn con tuyệt đối không được bước chân ra khu vực ban công.
6, Chuẩn bị cho con sách, truyện mà bé muốn đọc hoặc đồ chơi mà bé yêu thích. Cho phép bé xem tivi, chơi máy tính, điện thoại nhưng cần đặt giới hạn các chương trình mà bé được phép xem; hướng dẫn con cách tự cầm máu và chuẩn bị sẵn băng, gạc… hướng dẫn con cách xử lý khi có người bấm chuông, gọi cửa. Tuyệt đối không được tự ý ra khỏi nhà khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ.
Ngoài ra, phải thực hiện những công việc tích cực cùng chơi với con trong mùa dịch, hướng dẫn con trẻ thực hiện tốt đảm bảo an toàn cho chính bạn và gia đình…
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị