Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được quan tâm hiện nay. Và cách để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tuyên truyền là “ăn chín, uống sôi”. Tuy nhiên, đâu phải cứ “ăn chín uống sôi” là đảm bảo và an tâm bởi ngay cả thịt lợn luộc chín cũng chuyển màu bất thường sau khi để qua đêm.

Cách đây không lâu, chị Quách Lan (Hưng Yên) có gặp phải trường hợp thịt lợn luộc chuyển sang màu đỏ sau một đêm. Chia sẻ với phóng viên, chị Lan cho biết, chị mua thịt lợn ở chợ gần chùa Cót (Hà Nội) luộc lên ăn tối. Sau khi luộc xong thịt vẫn chín trắng bình thường. Chị ăn một phần còn một phần đậy lồng bàn phần bạn. Thế nhưng sáng hôm sau chị và bạn cùng phòng hoang mang, lo sợ khi những miếng thịt lợn thừa trên đĩa xuất hiện màu đỏ.

Thịt lợn tôi mua để qua đêm tới hôm sau vẫn không thấy mùi thiu nhưng lại đốm đốm hồng. Lật miếng thịt lên mặt sau cũng bị vậy luôn. Tôi ở trọ không có tủ lạnh nên để ngoài, có đậy lồng bàn. Nhìn thấy miếng thịt bị vậy tôi cũng lo sợ lắm, lên mạng hỏi mọi người. Trong người tôi không thấy gì bất thường lúc đó nên cũng đỡ lo lắng phần nào. Đĩa thịt thừa ý tôi phải đổ đi hết”, chị Lan chia sẻ.

Miếng thịt xuất hiện những đốm màu đỏ sau một đêm.

Cũng chia sẻ thêm, chị Lan cho biết: “Giờ thực phẩm bẩn tràn lan cũng khó tránh mua phải thịt kém chất lượng lắm. Kể từ đó tôi thấy hàng nào thịt tươi thì mua hoặc hay vào siêu thị mua vì mua thịt qua kiểm dịch ở đó an tâm hơn”.

Được biết, vào năm 2014, ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, hộ dân tại đây cũng “tá hỏa” khi gặp hiện tượng thịt luộc để qua đêm chuyển thành màu đỏ. Trong đó, ở Hà Tĩnh, thịt lợn luộc được bảo quản để trong tủ lạnh nhưng sau một đêm vẫn chuyển sang màu đỏ bất thường. Đây là hiện tượng chưa từng thấy.

Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến thịt lợn luộc chuyển màu bất thường như vậy sau một đêm, PV đã có cuộc trao đổi với Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết nguyên nhân thịt lợn luộc chín chuyển thành màu đỏ tươi là vi khuẩn Serratia marcescens. Sắc tố gây ra màu đỏ tươi là Prodigiosin. Vi khuẩn này có thể phát triển và khiến thực phẩm đổi màu đỏ nếu việc bảo quản không tốt.

Quá trình sinh sắc tố có liên quan mật thiết đến nhiệt độ và quá trình này bị ức chế tại nhiệt độ lớn hơn 37 độ C.

Vi khuẩn Serratia marcescens là một trực khuẩn hình que Gram âm, kỵ khí tùy nghi, thuộc họ Enterobacteriaceae. Loại vi khuẩn này thường được tìm thấy trong đất, nước, thực vật và động vật. Serratia marcescens có thể gây nên bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và áp xe não, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng mắt”, đại diện Cục An toàn thực phẩm  - Bộ Y tế cho hay.

Chia sẻ thêm về vi khuẩn Serratia marcescens, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết vi khuẩn này xâm nhập vào thức ăn từ môi trường không khí và nước. Phương thức lây truyền của chúng bằng cách trực tiếp hoặc bằng ống thông. Cách nhận biết được thực phẩm nhiễm vi khuẩn này bằng mắt thường là thực phẩm chuyển màu đỏ bất thường.

Nếu ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Do vi khuẩn có ở thức ăn đã luộc chín, vì vậy người dân cần phòng tránh vi khuẩn bằng cách thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm theo đúng quy định, vệ sinh cá nhân, thực hiện ăn chín, uống sôi.

Để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn, cần phải chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách. Thực phẩm đã chế biến nên ăn ngay”, đại diện đại diện Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý mọi người về quy trình bảo quản thực phẩm đúng cách:
- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.
- Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ chứa đựng riêng biệt có nắp đậy hoặc túi nilon dùng cho thực phẩm.
- Thực phẩm sống để riêng ngăn với thực phẩm chín.
- Các loại thực phẩm sống khi chế biến ngay trong ngày thì nên để ở ngăn mát còn muốn để lâu hơn thì phải bảo quản trong ngăn đá hoặc tủ đông.
- Các thực phẩm khi để trong ngăn đá nên dán nhãn tên thực phẩm, ngày bảo quản để dễ quản lý thời gian.
- Thực phẩm để trong ngăn đá hoặc tủ đông khi muốn rã đông để chế biến nếu có thời gian nên để xuống ngăn mát sau đó để ra ngoài nhiệt độ thường. Nếu muốn chế biến ngay thì có thể sử dụng chế độ ra đông của lò vi sóng.
- Không nên để thức ăn sống quá lâu trong tủ lạnh.

Theo Khám phá