Nguyễn Thị Huyền quyết định giải nghệ ở tuổi 30, sau khi lập kỳ tích cho thể thao Việt Nam với 13 huy chương vàng (HCV) ở SEA Games, 10 HCV ở giải vô địch quốc gia và 3 tấm HCV châu Á.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với nữ vận động viên (VĐV) được xem là huyền thoại ở nội dung 400m vượt rào nữ tại ngôi nhà nhỏ của cô ở thành phố Nam Định.
Tập luyện trở lại khi con mới được 3 tháng tuổi
- Vì sao Huyền lại quyết định giải nghệ ở tuổi 30?
Tôi quyết định giải nghệ là có hai lý do lớn. Một là ở thời điểm này, tôi không còn trẻ nữa và không thể hoàn thành được trọn vẹn giáo án như yêu cầu của huấn luyện viên (HLV) đề ra. Nội dung chạy 400m đòi hỏi khá nhiều sức mạnh thể chất, nhưng giờ tôi hay bị sốc, thậm chí bị nôn mửa khi cố thực hiện trọn vẹn giáo án.
Nguyễn Thị Huyền đã có những chia sẻ với Dân trí về những khó khăn trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao (Ảnh: Mạnh Quân).
Thứ hai là tôi đã lập gia đình được 6 năm, sinh con được 5 năm rồi và đó là quãng thời gian mà tôi thường xuyên phải xa gia đình. Khi con mới được 3 tháng tuổi, tôi đã cho con cai sữa để bắt đầu tập luyện trở lại.
Người mẹ nào cũng luôn muốn được ở cạnh con, chăm sóc cho gia đình, cho những người mình thương yêu nhưng bản thân tôi thì đã phải hi sinh rất nhiều. Vì vậy tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để giải nghệ.
- Quyết định giải nghệ của Huyền ở thời điểm này được nhiều người cảm thấy tiếc nuối, vì cô là VĐV điền kinh Việt Nam giành được HCV ở SEA Games nhiều nhất lịch sử giải đấu. Giới chuyên môn cho rằng Huyền vẫn đủ khả năng tranh chấp huy chương ở SEA Games 2025, vì sao Huyền không cố thêm một kỳ SEA Games nữa trước khi giải nghệ?
Mọi người cứ nghĩ như thế thôi, chứ hai năm là quãng thời gian rất dài và tôi đã bước vào tuổi 30. Ở tuổi này, thể lực và sức khỏe sẽ giảm sút rất nhanh theo thời gian. Như ở SEA Games 32 vừa rồi, sức khỏe của tôi lúc đầu năm với cuối năm đã khác đi rất nhiều rồi.
Nếu tôi còn trẻ thì càng tập luyện sức khỏe càng tốt hơn, nhưng khi đã có tuổi rồi, sức khỏe lao dốc nhanh lắm. Tôi biết rằng để đảm bảo thành tích, giành được huy chương ở tuổi này là rất khó, nên dừng lại là tốt hơn cả.
Nguyễn Thị Huyền đã giành tổng cộng 13 HCV cho điền kinh Việt Nam ở các kỳ SEA Games (Ảnh: Mạnh Quân).
- Ở thời điểm Huyền lập gia đình, sinh em bé, đã có nhiều người nghĩ là Huyền sẽ chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Thế nhưng Huyền vẫn trở lại và tỏa sáng ở đấu trường khu vực và châu lục. Lúc đó liệu Huyền có nghĩ mình có thể thành công không khi đã là bà mẹ một con?
Đúng là bản thân tôi cũng từng không nghĩ sẽ quay trở lại thi đấu đỉnh cao. Hầu như các VĐV Việt Nam khi đã lập gia đình và có con, đặc biệt là ở môn điền kinh thì hầu như nghỉ hết. Từ ngày xưa tới giờ hình như chỉ có cô Vũ Bích Hường, VĐV ở nội dung 100m vượt rào là có thể quay trở lại, còn hầu hết là không.
Tôi cũng từng nghĩ không đủ sức để quay trở lại. Nhưng hồi tháng 12/2018, sau khi sinh con được 3 tháng, khi nhìn các em VĐV trẻ thi đấu, tôi cảm thấy thèm, khát khao được thi đấu như các em nên quyết tâm trở lại.
Lúc đó tôi cũng không nghĩ rằng mình có thể tiếp tục giành được nhiều thành tích đến thế, đặc biệt là giành được HCV SEA Games 30 chỉ sau hơn một năm có con nhỏ.
Lúc mới quay trở lại, tôi cũng chỉ hi vọng giành được suất vào đội hình tiếp sức 4x400m rào nữ, vì khi đó có những nữ VĐV rất mạnh như Nguyễn Thị Hằng, Quách Thị Lan.
Nhưng may mắn trong quá trình tập luyện và thi đấu, tôi giành được những thành tích tốt để được dự những nội dung cá nhân tại kỳ SEA Games diễn ra ở Philippines năm 2019.
Nguyễn Thị Huyền khẳng định gia đình là chỗ dựa để cô có được nhiều thành công (Ảnh: Hải Long).
Trong quá trình tập luyện, tôi luôn đặt cho bản thân những mục tiêu rõ ràng. Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng, bởi các VĐV trẻ chưa có gia đình nỗ lực một thì mình phải nỗ lực gấp hai ba lần.
Có nhiều giai đoạn tôi cảm thấy rất mệt, gặp những chấn thương tưởng như phải bỏ cuộc nhưng rồi bằng cách nào đó mà tôi cũng vượt qua được.
Có những ngày đau quá tôi phải ngâm chân trong xô đá, vừa ngâm vừa khóc. Mẹ chồng cũng thương lắm bảo hay là thôi con nghỉ thi đấu đi, nhưng tôi vẫn tự nhủ phải cố gắng và quyết không bỏ cuộc vì niềm đam mê của mình.
- Như vậy thì Huyền làm thế nào để cân bằng giữa thi đấu và chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình?
Cá nhân tôi cảm thấy thật may mắn khi có một gia đình làm chỗ dựa, luôn thấu hiểu và động viên tôi theo đuổi sự nghiệp. Gia đình luôn cảm thông, hỗ trợ cho tôi. Mẹ chồng của tôi rất tốt và thương con dâu.
May mắn hơn nữa với tôi là chồng cũng từng là một VĐV thể thao, từng thi đấu đỉnh cao nên anh rất thấu hiểu, động viên, sẻ chia với vợ. Anh ấy không chỉ giúp tôi chăm con mà còn thường xuyên động viên, là chỗ dựa tinh thần mọi lúc mọi nơi để tôi theo đuổi sự nghiệp.
- Trải qua rất nhiều khó khăn vất vả trong 15 năm thi đấu đỉnh cao trên đường chạy, có bao giờ Huyền muốn con gái mình nối nghiệp mẹ?
Tôi muốn lắm chứ. Nhiều người nghĩ con đường thể thao rất vất vả, tôi cũng biết điều đó nhưng đó là lựa chọn mà tôi không hề hối tiếc.
Tôi sinh ra trong một gia đình rất nghèo, nhưng thể thao đã giúp tôi thay đổi và có cuộc sống tốt hơn như ngày hôm nay. Nếu con gái cũng có đam mê và tiếp nối được thì tôi luôn ủng hộ hết mình.
Không kìm được những giọt nước mắt trong ngày giải nghệ
- Trong 15 năm thi đấu đỉnh cao, đâu là thời điểm Huyền cảm thấy khó khăn nhất và Huyền đã vượt qua bằng cách nào?
Đó là năm 2016, khoảng thời gian tôi gặp rất nhiều chấn thương. Trước đó, tôi thành công rất rực rỡ trong năm 2015 khi giành 3 HCV SEA Games, phá 2 kỷ lục SEA Games và đạt chuẩn Olympic để được có mặt tại Olympic Rio 2016 diễn ra tại Brazil.
Tuy nhiên chấn thương liên miên trong năm 2016 khiến tôi không có phong độ tốt, bị loại ngay từ vòng loại và kém xa thành tích đã từng lập được ở SEA Games trước đó.
Tôi còn xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm với HLV và mọi người lúc đó nghĩ chắc là tôi thành tích đi xuống rồi, không còn có thể lấy lại phong độ được. Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng, nỗ lực tập luyện và mối quan hệ với HLV trở nên tốt hơn trước.
Ngay sau đó tôi giành 2 HCV châu Á vào năm 2017, giành 3 HCV SEA Games cũng như phá một kỷ lục SEA Games. Điều đó thật tuyệt vời.
- Giới chuyên môn từng nhận xét Huyền làm được những điều rất phi thường ở môn điền kinh, chưa từng có ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Huyền nghĩ sao về sự ca ngợi này của mọi người?
Đấy là mọi người đã dành tình cảm quá ưu ái cho tôi. Tôi xem đó là những lời động viên, khích lệ cho bản thân. Là một VĐV, khi khoác lên mình lá cờ tổ quốc trên đấu trường quốc tế, tôi luôn nỗ lực với tất cả những gì có thể.
Nguyễn Thị Huyền luôn nỗ lực vượt qua chính mình trong những thời điểm khó khăn nhất (Ảnh: Mạnh Quân).
- Sau khi kết thúc giải vô địch điền kinh quốc gia 2023 vào ngày 28/10 vừa qua, mọi người đã thấy Huyền bật khóc. Huyền có thể chia sẻ về cảm xúc của mình lúc đó?
Thật sự lúc đó bao nhiêu cảm xúc vỡ òa khiến tôi không thể kìm được. Mặc dù trước đó tôi đã xác định rõ sẽ giải nghệ sau khi giải đấu kết thúc, nhưng cảm xúc ùa đến quá bất ngờ.
Bao nhiêu thành công đã qua, bao nhiêu khó khăn đã từng nếm trải, đặc biệt phải chia tay HLV Vũ Ngọc Lợi, người thầy mà tôi kính trọng, xem thầy như cha của mình, nên tôi cứ thế khóc. Quá nhiều kỷ niệm cộng thêm việc thầy ôm mình khóc khiến cảm xúc của tôi dâng trào.
Thầy Vũ Ngọc Lợi nhiều khi còn hơn người cha của tôi, bởi thầy là người lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ, chăm sóc tôi mỗi khi ốm đau trong suốt 15 năm thi đấu đỉnh cao.
Có những vấn đề gì trong cuộc sống thì tôi cũng thường xuyên tâm sự với thầy, lắng nghe thầy chỉ bảo, động viên. Nên khi thầy ôm mình ở cuối đường chạy, tôi xúc động lắm.
Nguyễn Thị Huyền tin tưởng điền kinh Việt Nam sẽ có nhiều vận động viên sáng giá trong tương lai (Ảnh: Tiến Tuấn).
- Trải qua 15 năm thi đấu đỉnh cao với vô số thành tích đạt được, Huyền có thể nói gì với các VĐV trẻ sẽ kế tiếp mình trong tương lai?
Tôi chỉ muốn chia sẻ các em hãy luôn nỗ lực, bởi trong quá trình theo đuổi đam mê, các em sẽ gặp rất nhiều vấn đề như chấn thương, mỏi mệt, áp lực khiến mình cảm thấy nản, thậm chí từ bỏ.
Nhưng các em hãy ý chí hơn, nỗ lực hơn, cố gắng hơn thì tất cả đều sẽ vượt qua được hết để giành lấy thành công cho bản thân.
- Sau khi giải nghệ, liệu Huyền có ý định trở thành HLV để dìu dắt các VĐV trẻ trong tương lai?
Chắc chắn rồi. Tôi hi vọng những gì mình làm được sẽ ít nhiều truyền được kinh nghiệm cho các VĐV trẻ, tìm kiếm được những gương mặt trẻ kế cận để giúp thể thao Việt Nam nói chung, điền kinh Việt Nam nói riêng tiếp tục tỏa sáng trên đấu trường khu vực cũng như châu lục.
- Huyền có thể gửi gắm thông điệp gì ở cuộc trò chuyện này?
Tôi chỉ xin được nói lời cảm ơn sâu sắc tới người hâm mộ, những người yêu thể thao quan tâm đến những VĐV điền kinh như tôi. Hi vọng rằng tất cả người hâm mộ, đặc biệt là bạn đọc Dân trí sẽ luôn sát cánh và cổ vũ cho thể thao Việt Nam tiếp tục vươn tầm quốc tế thời gian tới.
Sự cổ vũ của mọi người chính là động lực to lớn để tôi có thể đạt được những thành công trong sự nghiệp đã qua.
Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1993, vận động viên người Nam Định là kỷ lục gia của điền kinh Việt Nam. Tại các kỳ SEA Games, Nguyễn Thị Huyền đang giữ kỷ lục đoạt nhiều huy chương vàng (HCV) nhất tại sân chơi Đông Nam Á với 13 HCV. Cô chính thức giải nghệ ngày 28/10 vừa qua, sau khi kết thúc giải điền kinh vô địch quốc gia 2023.
Ở SEA Games 28 năm 2015, cô xuất sắc lập hat-trick HCV ở các nội dung 400m, 400m vượt rào, 4x400m. Đến SEA Games 29 năm 2017, cô bảo vệ thành công 3 HCV. Nguyễn Thị Huyền còn đoạt thêm 2 HCV SEA Games 30 năm 2019, 2 HCV SEA Games 31 năm 2022. Ở kỳ SEA Games 32 (năm 2023) cuối cùng trong sự nghiệp, cô tỏa sáng với 3 HCV. Ở đấu trường lớn hơn là giải vô địch châu Á, "bà mẹ một con" Nguyễn Thị Huyền cũng xuất sắc đoạt 3 HCV, gồm 2 HCV nội dung 400m vượt rào, 4x400m tiếp sức năm 2017 và 1 HCV nội dung 4x400m tiếp sức năm 2023. Ngoài ra, Nguyễn Thị Huyền còn vinh dự được tranh tài ở Olympic Brazil năm 2016. |
Theo Dân Trí