Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của tôi là chuyện tập đoàn tội ác Trương Văn Cam (tức Năm Cam) bị xóa sổ…
Những “bàn tay” phía sau Năm Cam
Năm 1995, nguồn tin của trinh sát đặc biệt bên Tổng cục 2 (Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng) được gửi tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt, báo cáo nhanh cho biết, tại TP HCM từ lâu đã hình thành những băng nhóm xã hội đen bảo kê cho các sòng bài, cho các phi vụ đâm thuê, chém mướn, đòi nợ... mà Năm Cam là một tay "trùm" khét tiếng.
Y tồn tại và ngày càng lộng hành là bởi phía sau y còn có những người đang trực tiếp thực thi pháp luật trợ sức. Cách đơn giản của họ là làm ngơ trước những việc mà băng nhóm y làm. Báo Thanh Niên lúc đó đã viết khoảng 10 kỳ nêu về vụ này.
Khi đó, trung tá Hữu Ngọc, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an là một nhân vật đầy bản lĩnh trước bọn tội phạm chuyên giết người, cướp của tàn bạo.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thấy dấu hiệu không bình thường nếu lực lượng trọng án của bộ "nhảy" vào vụ này sẽ vấp phải sự che đỡ của chính nội bộ ngành ở địa phương, ông Hữu Ngọc tìm đến báo Thanh Niên đề nghị phối hợp điều tra và khi nào có thể thì cung cấp dần thông tin lên báo để nghe ngóng thái độ phản ứng của nhiều phía khác nhau.
Anh Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh Niên lúc đó, hình dung ra sự đụng chạm nên đã quyết định đưa ông Hữu Ngọc tới báo cáo trực tiếp Thượng tướng Lê Khả Phiêu, khi ấy là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng nhưng trực tiếp phụ trách khối Nội chính của Đảng. Đây có thể sẽ bị coi là "vượt rào" nếu cấp trên của trung tá Hữu Ngọc biết được.
Sau khi được Trung tá Hữu Ngọc nêu những tình tiết vụ việc, ông Phiêu trầm ngâm: Thế này thì nguy hiểm quá, chúng ta phải quyết liệt và phải làm triệt để thôi.
Nếu không vậy, có ngày chúng ta sẽ mất hết cán bộ và cũng có nghĩa sẽ mất cả chế độ chứ chơi à! Việc này để tôi tính thêm rồi sẽ yêu cầu các đồng chí bên bộ Công an báo cáo theo đường chính tắc. Sau đó rồi chúng ta tính.
Ông trùm Năm Cam và đồng bọn trong phiên tòa
Thế rồi, sau một thời gian điều tra, Trung tá Hữu Ngọc đề xuất cấp trên và Bộ Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt tạm giam Trương Văn Cam để mở rộng điều tra.
Sau đó, trong một cuộc họp, thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, phó Tổng cục trưởng Cảnh sát đã trực tiếp trao cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến - báo Thanh Niên những tài liệu trinh sát về băng nhóm tội phạm Năm Cam có bút phê chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu bộ Công an khẩn trương điều tra, triệt phá băng nhóm này.
Ngày đó, sau khi viết loạt bài đầu tiên về vụ án trên, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đi đường thì bị xe máy của thanh niên nào đó phóng bạt mạng rồi va quệt mạnh một cách không bình thường. Lúc đó, toà soạn chúng tôi tại TP HCM cũng bị tay chân của Năm Cam gọi điện doạ sẽ đặt bom.
Tướng Trịnh Thanh Thiệp đã trực tiếp xuống báo chúng tôi thăm, động viên, và cử một nhóm trinh sát xuống báo hỗ trợ cả một thời gian dài để anh em yên tâm. Ngay sau đó, nhóm phóng viên ở TP.HCM được chỉ đạo thâm nhập những tụ điểm của băng nhóm Năm Cam như tài liệu của trinh sát cung cấp để viết, phản ánh trên mặt báo.
Những tưởng sẽ có được kết luận điều tra thuận lợi cho việc truy tố sau này với Năm Cam, nào ngờ chứng cứ vụ việc vẫn không đủ để đi tới mục đích đề ra. Vậy là Năm Cam, dù đã bị bắt nhưng cũng chỉ bị đưa đi cải tạo lao động mà không tài nào kết án nổi y dù đàn em thì cũng đã bị tóm và kết án không hề ít.
“Lộ sáng”
Vì thế, vào khoảng năm 1997, Năm Cam đã được trở về địa phương. Sau này, khi Bộ Công an quyết định bắt y lần thứ hai (2001) chúng ta mới hiểu ra nhiều điều, vì sao y không bị tù mà còn được thả sớm là có những ai đứng phía sau giúp y. Đó chính là hàng loạt cán bộ nhà nước, trong đó có ngành pháp luật.
Với 21 bài đăng trên Thanh Niên dịp đó, chân tướng trùm Năm Cam và tay chân dần lộ diện sau khi được ra khỏi trại cải tạo.
Điều đáng mừng nhất là những người có thế lực trong bộ máy nhà nước đứng phía sau y đã bị cơ quan điều tra bóc gỡ và đã "lộ sáng" nhờ vào chính những người chỉ huy trung kiên, tận tuỵ vì dân trong ngành Kiểm tra Đảng, Nội chính, công an trên tinh thần bất luận họ là ai, ở cấp nào cũng đều phải truy xét, luận tội phân minh.
Và dịp đó, Báo Thanh Niên (trong năm 2002) đã đăng tiếp tục 65 bài viết, một con số rất lớn về một vụ án được đăng tải trên 1 tờ báo!
Nhờ có chứng cứ Năm Cam sai khiến đàn em sát hại cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn cũng như đã chỉ đạo đàn em bắn chết trùm xã hội đen Dung Hà, các cơ quan tố tụng khép tội nặng nhất với Năm Cam: tử hình y và nhiều đồng bọn với mức án cực kỳ nghiêm khắc.
Một phiên toà hình sự xét xử bọn tội phạm giang hồ bảo kê nhà hàng, sòng bạc và đâm thuê chém mướn mà có đến 155 bị can phải ra hầu toà vào năm 2003. Trong đó cả đến cấp uỷ viên trung ương Đảng, cấp thứ trưởng Công an và phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao và nhiều cán bộ công an, kiểm sát viên trung, cao cấp khác cũng bị vướng vòng lao lý.
Với hệ thống chính trị của chúng ta, đó cũng là một tổn thất hết sức lớn, đầy đau xót vì mất quá nhiều cán bộ, thậm chí cả những anh hùng LLVT đã một thời với thành tích lẫy lừng trong đấu tranh với tội phạm. Đó là cái mất rất đáng tiếc, nhưng về đại cục, nó chẳng là gì nếu điều đó làm cho chế độ xã hội này ngày một tốt đẹp lên, vững chắc hơn.
Chúng tôi thực hiện tiếp 35 bài trong thời gian xét xử Năm Cam và đồng bọn. Như vậy, để đi tới cùng một vụ đại án, từ năm 1995-2003, chúng tôi đã đăng cả thảy 133 bài viết trong 4 đợt.
Có thời điểm, chúng tôi còn bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc vì để lộ bí mật chuyện nội bộ Đảng khi cho đăng bài liên quan đến một cán bộ cấp cao của Đảng. Cuối cùng, tập thể chi uỷ của báo chúng tôi cũng đã bị UBKTTƯ "phê bình nghiêm khắc", "rút kinh nghiệm sâu sắc"...
Nhưng kết quả thì cũng đáng tự hào dù có lúc bị phê bình như vậy chứ không đến mức nặng như chúng tôi đã chủ động lường trước. Đó cũng là sự nhìn nhận công minh, sáng suốt của Đảng đối với những gì chúng tôi làm.
Theo Vietnamnet