"Dâu trưởng", 2 từ có sức nặng "ngàn cân" đối với mỗi phụ nữ khi bước chân đi lấy chồng bởi những áp lực, trọng trách họ phải làm ở vị trí ấy. Mới đây trong group của hội chị em cũng có 1 nàng dâu vì quá ám ảnh với chức vị dâu trưởng mà chia sẻ câu chuyện bên nhà chồng mình.

Chuyện như sau: "Chồng em là con trưởng, lại còn là trưởng họ nên mỗi khi nhà có việc là em cứ quay cuồng lo cỗ bàn cơm nước. Anh chị em chồng cũng đông, nhà có 3 anh em trai, 2 người con gái, dâu rể đủ cả rồi thế mà ngày có công có việc tất cả mọi thứ cứ đổ dồn cho một mình em làm. 2 cô em dâu, 2 cô em chồng luôn sử dụng 'từ khóa' là 'việc ấy đã có dâu trưởng lo'.

Tính tới nay là em đã về làm dâu được 3 năm, mỗi năm 5, 6 đám giỗ lớn nhỏ, trung bình một đám giỗ cũng phải gần chục mâm cỗ, thế mà từ chợ búa tới cỗ bàn cứ mình em là chủ yếu.

Lần nào em cũng phải thức gần như trắng đêm lo thực phẩm nấu nướng, mẹ chồng em thì chỉ phụ thôi chứ bà cũng chậm, không làm được nhiều. Mấy cô em dâu, em chồng dù đã nhắn dặn các kiểu về sớm để làm cùng chị nhưng cũng chẳng về.

Nhà có giỗ, dâu trưởng được khoán trắng gần chục mâm cỗ và màn xử lý cao tay-1
Bài chia sẻ của nàng dâu

Tháng vừa rồi là giỗ bố chồng em, ông mất 6 năm rồi. Mỗi lần giỗ là con cháu tập trung đông đủ để thắp hương. Trước ngày giỗ, chị em nhà về góp giỗ, tùy từng năm, năm nào mở rộng làm nhiều mâm thì góp nhiều, năm nào làm đơn giản thì góp ít hơn. Đưa tiền cho vợ chồng em xong là họ coi như xong trách nhiệm. Hôm sau cỗ bàn ra sao chị dâu tự chịu trách nhiệm, tới bữa trai gái, dâu để đưa nhau về ăn.

Năm nay giỗ bố, mẹ chồng em nói làm 7 mâm mời thêm vài người trong họ. Thực sự là đợt này sức khỏe em cũng kém, vừa sốt vi rút dậy vẫn mệt nên nhắc các em chủ động về sớm làm cỗ cùng. Vậy mà tất cả họ đồng loạt đáp rằng: 'Việc ấy dâu trưởng lo là chủ yếu. Bọn em là phận gái, lại là em, sao lo được việc lớn'.

Nghe tới đây em nản hẳn. Có điều, lần này em không khách sáo, nghĩ nhịn nhiều chỉ mình là thiệt mà họ thì cứ mãi ích kỷ, sống thiếu trách nhiệm nên em tuyên bố thẳng: 'Thế cũng được, nếu như xưa nay các cô, các thím đã nói chị là dâu trưởng có quyền, có trách nhiệm lo mọi việc thì lần này giỗ bố tôi quyết định sẽ đặt cỗ người ta làm. Tôi cũng thuê luôn khâu rửa bát. Giá thị trường, rửa 1 mâm 20k, cỗ thì tùy mình chọn món tính tiền. Hết bao nhiêu, anh em trong nhà chia nhau góp vào.

Vợ chồng anh chị là trưởng sẽ bỏ phần hơn một chút, còn lại mọi người tự chia nhau. Chị cũng nói luôn, không chỉ giỗ bố mà sau này nhà có việc chúng ta cũng cứ làm thế cho tiện. Chị không có sức làm 1 mình hết'.

Nhà có giỗ, dâu trưởng được khoán trắng gần chục mâm cỗ và màn xử lý cao tay-2
Ảnh minh họa

Thêm mẹ chồng em tán thành nữa, mấy người đó không còn nói thêm gì được. Quả đúng như em suy đoán, trước giờ cả em dâu, em chồng em sống tính toán, chặt chẽ lắm nên nghe thấy bảo đặt cỗ nhà hàng là 'buốt ruột'. Sau vài phút đắn đo, họ liền xuống giọng bảo vợ chồng em là thôi đặt hàng làm gì, để hôm sau họ về sớm, mấy anh chị em tập trung nấu cỗ thắp hương bố cho đầm ấm.

Đến hôm giỗ em không cần gọi, họ tự giác kéo nhau về làm. Ăn xong bảo nhau rửa bát chứ không đùn hết lại cho em như trước nữa".

Câu chuyện của cô vợ trên chắc hẳn xuất hiện trong rất nhiều gia đình. Quả thật, cuộc sống làm dâu ai cũng từng phải chịu áp lực, vất vả nên lúc nào cũng mong nhận được sự quan tâm từ phía chị em nhà chồng.

Ai từng rơi vào hoàn cảnh giống nàng dâu trên cũng đều thấy mệt mỏi, do vậy hành xử của cô hầu như nhận được sự đồng tình, tán thành của mọi người. Đôi khi chúng ta cũng cần thẳng thắn thể hiện rõ quan điểm để chị em trong nhà hiểu nhau hơn.

Theo pháp luật và bạn đọc