Bức ảnh được tài khoản Erica Phan chia sẻ trên diễn đàn Subtle Asian Traits cho thấy một nhà hàng tại Sydney, Australia thời gian gần đây treo biển chấp nhận thanh toán bằng giấy vệ sinh.

"Khách hàng thân mến, chúng tôi chấp nhận thanh toán bằng giấy vệ sinh thay vì tiền. Xin cảm ơn", nhà hàng viết thông báo tại quầy tính tiền.

Tấm biển xuất hiện trong bối cảnh giấy vệ sinh trở nên khan hiếm tại Australia khi nhu cầu tăng đội biến vì những lo ngại về dịch Covid-19.

Nhà hàng nhận thanh toán bằng giấy vệ sinh giữa mùa dịch Covid-19-1
Nhà hàng ở Australia nhận thanh toán bằng giấy vệ sinh.

Tại Sydney và nhiều thành phố khác, các kệ hàng giấy vệ sinh trong mọi siêu thị đều trống trơn. Hình ảnh thường thấy là người mua xếp hàng rồng rắn, đẩy các xe hàng chất đầy mặt hàng này.

Theo Boomberg, không chỉ Australia, tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ... giấy vệ sinh giờ đây không khác gì đồ xa xỉ. Các công ty Hong Kong dùng giấy vệ sinh để tặng cho khách hàng hoặc làm phần thưởng cho lễ bốc thăm may mắn dành cho nhân viên.

Cuối tháng 2, một nhóm cướp trang bị vũ khí đã tấn công người giao hàng bên ngoài một siêu thị ở Hong Kong để cướp 600 bịch giấy vệ sinh trị giá 220 USD. Tại Mỹ, loại hàng hóa này bị người dân thi nhau vơ vét sạch.

Nhiều nhà vệ sinh công cộng ở Nhật phải dùng khóa để ngăn nạn trộm cắp giấy vệ sinh. Khung cảnh hỗn loạn, giành giật giữa những người mua hàng đã xuất hiện tại Nhật, Australia.

Nhà hàng nhận thanh toán bằng giấy vệ sinh giữa mùa dịch Covid-19-2
Giấy vệ sinh cháy hàng ở nhiều nước vì những tin đồn thất thiệt. 

Trên mạng xã hội, hashtag #toiletpapercrisis (tạm dịch: Khủng hoảng giấy vệ sinh) trở thành từ khóa được quan tâm hàng đầu.

Theo phó giáo sư Nitika Garg từ Đại học New South Wales (Australia), cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh có thể giải thích bằng hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out - tạm dịch: Hội chứng sợ bị bỏ lỡ).

“Người dân giữ suy nghĩ nếu hàng xóm tôi mua giấy vệ sinh, ai ai cũng mua mặt hàng đó về tích trữ, chẳng có lý do gì mà tôi lại không làm theo vậy”, Garg cho hay.

Trong khi đó, Tiến sĩ Rohan Miller từ Đại học Sydney tin rằng đó là sự phản ánh của một xã hội với lối sống đô thị hóa, nơi sự tiện nghi vốn luôn sẵn có.

"Chúng ta không quen với sự thiếu hụt và khan hiếm. Chúng ta đã quen với việc chọn mua bất kỳ thứ gì theo mong muốn. Việc vội vàng vơ vét giấy vệ sinh chỉ là để đề phòng”, ông Miller nói.

Theo Zing