Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo. Cái nghèo một phần đeo bám gia đình tôi. Có lẽ vì chúng tôi không có một người đàn ông trụ cột trong nhà. Ba tôi mất sớm, để lại mẹ tôi chăm lo cho 4 đứa con nhỏ. Nhiều bữa ăn, chúng tôi không có nổi một bữa cơm trắng như nhiều người, mà thường xuyên ăn cơm độn sắn. Tôi lại là chị cả nên tuổi thơ của tôi đầy cơ cực, phải sớm bươn trải phụ mẹ kiếm tiền nuôi em. Vì thế, tôi chỉ học hết lớp 9 rồi rẽ ngang làm công nhân trong sự tiếc nuối của thầy cô, bạn bè.
Tôi nhớ, có một người thầy thương yêu tôi còn định nhận tôi làm con nuôi, lo chi phí cho tôi ăn học. Nhưng tôi không đồng ý, bởi nếu tôi tiếp tục học, dù có người khác giúp đỡ thì các em tôi vẫn phải nghỉ học vì túng thiếu tiền. Do đó, tôi không thể để chuyện đó xảy ra.
Rồi tôi gặp chồng tôi khi tôi tròn 22 tuổi. Khi đó, anh là tổng quản lí mới được chuyển vào quản lí cơ sở sản xuất do tôi làm tổ trưởng. Hôm ấy, vì làm việc quá độ lại lo cho em thi đại học nên tôi ngất xỉu. Chính anh đã đưa tôi lên phòng y tế rồi chăm sóc chu đáo cho tôi. Chúng tôi yêu nhau từ đó.
Khi về làm dâu nhà anh, tôi càng cảm thấy lựa chọn của mình là sáng suốt (Ảnh minh họa)
1 năm sau, anh chính thức dẫn tôi về ra mắt gia đình. Trong buổi tiệc hôm ấy, tôi ấn tượng nhất với ba anh. Ông là bác sĩ đã về hưu, nhìn ông hiền hậu, lại nhẹ nhàng, ứng xử lịch sự, dễ mến vô cùng. Tuy nhiên, trên cánh tay ông lại xăm một hàng chữ khá to. Sau này tôi hỏi anh thì mới biết đó là tên người chị gái của anh, mất khi tròn 3 tuổi. Vì quá thương con gái nên ông xăm tên con lên cánh tay như nhắc mình con gái vẫn còn sống trong máu thịt ông. Nghe như vậy, tôi càng thấy khâm phục và yêu mến ông hơn - một người cha quá yêu thương con mình. Còn tôi, tôi thèm tình yêu ấy biết bao mà không có được.
Khi về làm dâu nhà anh, tôi càng cảm thấy lựa chọn của mình là sáng suốt. Bởi gia đình chồng tôi rất hiền lành, đặc biệt là bố chồng. Nhớ tối đầu tiên ở nhà chồng, khi tôi còn bỡ ngỡ trong căn nhà rộng lớn thì bố chồng gọi tôi đến nói chuyện. Vừa nhấp nước trà, ông vừa nói “ba biết con không có cha từ nhỏ. Còn ba, con gái ba cũng mất rồi, nên ba sẽ thương yêu con như con gái ruột của ba. Con cũng đừng có suy nghĩ mình là dâu thì phải khép nép, sợ sệt, hãy cứ sống tự nhiên như ở nhà mình. Bây giờ, nhà này cũng là nhà con rồi, đúng không con gái?”. Ông nói và nhìn tôi trìu mến, khiến tôi yêu tâm hơn.
Cuộc sống làm dâu, làm vợ của tôi những ngày sau nhẹ tựa lông hồng bởi tôi luôn có bố chồng ở bên giúp đỡ, bao bọc. Nhiều khi, tôi còn nghĩ, ông chẳng khác nào cha đẻ của tôi cả.
Chủ nhật, tôi tranh thủ dậy sớm nấu ăn sáng thì ông đã đẩy tôi lên lại phòng. Ông còn nói tôi ngủ thêm chút nữa cho khỏe, chứ đi làm cả tuần mệt mỏi rồi. Những việc này, cứ để ông lo là được. Những ngày khác, vợ chồng tôi đi làm cả ngày, chiều về là có cơm ngon canh ngọt để ăn chứ chẳng phải làm gì. Có khi, ông còn bắt chồng đưa tôi ra ngoài ăn để đổi vị và hâm nóng tình cảm vợ chồng.
Bố chồng tôi cũng không cho phép mọi người, dù là họ hàng gọi tôi bằng từ “dâu”. Ông luôn nói rằng “Nhà này chỉ có con gái, con trai chứ không có dâu” . Tôi còn nhớ, có một bà chị họ không thích tôi, khi sang nhà chơi đã hỏi kiểu xỉa xói ba tôi rằng “Con dâu cậu đâu rồi, dâu gì mà không thấy ra chào chị em một tiếng. Đúng là mất dạy nhỉ”. Ngay tức thì ông trả lời “nhà này không có con dâu, con H giờ là con gái cậu. Con ăn nói lựa lờimột chút, không thì đừng đến nữa”. Tôi bưng đĩa trái cây đứng ở nhà dưới, nghe ông nói mà mát lòng mát dạ.
Đi đâu, ông cũng tự hào khoe tôi giỏi giang, nấu ăn ngon, ứng xử tốt vàyêu thương ông thế nào. Đến nỗi, nhiều khi tôi cảm thấy ông quá thương tôi nên nâng tôi lên cao quá, chứ thật ra, tôi đâu được như ông nói. Đến mẹ chồng tôi còn nói “từ ngày có con, ba con vui hẳn lên, mẹ rất mừng”. Chồng tôi thì hay đùa rằng: “Giờ em là con gái của ba, còn anh là con rể của ba mất rồi”. Tôi nghe mà vui, tự hào không thể tả. Đối với tôi, ba không còn là bố chồng, mà là ba ruột lâu rồi.
Khi vợ chồng tôi cãi nhau, ông lại là người đứng ra giảng hòa. Chồng tôi nóng tính nên khi bực tức nói rất to tiếng. Nhiều khi anh nạt nộ khiến tôi phát khóc. Những khi đó, ba tôi lại mắng anh một trận, bảo anh nói năng cho đàng hoàng, không thì đừng trách ông. Biết tính ba nhẹ nhàng nhưng cứng rắn, chồng tôi cũng chẳng dám ho he nữa.
Rồi ông mới hỏi tôi nguyên nhân cuộc cãi vã. Bố chồng tôi chẳng khi nào bênh con trai. Ông luôn khách quan trong mọi chuyện, phân tích cho chúng tôi đâu đúng, đâu sai để chúng tôi rút ra bài học trong cuộc sống vợ chồng. Vì thế, tôi không chỉ thương mà còn rất tôn trọng ba.
Cứ ngày lễ, chủ nhật,ông đều bắt chồng tôi đưa tôi về nhà ngoại chơi. Ba luôn căn dặn chồng tôi rằng nhà tôi thiếu bóng đàn ông nên mẹ vợ cần giúp gì thì không được từ chối. Vả lại phải đưa vợ về chơi thường xuyên để mẹ tôi không buồn. Không chỉ vậy, ông còn nói mẹ chồng tôi chuẩn bị một ít quà cho vợ chồng đem về nhà. Nhiều khi ngại quá, tôi không nhận còn bị ông mắng cho một trận.
Bố chồng tôi chẳng khi nào bênh con trai (Ảnh minh họa)
Ở sau nhà tôi có trồng vài cây bưởi ngon. Bố chồng tôi thỉnh thoảng lại ra thăm chừng và hái cho tôi một vài trái. Có khi, ông còn bảo mẹ chồng gọt sẵn, bỏ tủ lạnh đợi tôi về rồi bảo tôi ăn.
Ông cũng không như những người cha gia trưởng khác, bắt ép con cái phải nhanh có con nối dõi tông đường (chồng tôi là con trai một). Ông còn bảo vợ chồng tôi nên kế hoạch 1-2 năm, thứ nhất là tận hưởng cuộc sống vợ chồng son hạn phúc, thứ hai là đợi ổn định kinh tế để chăm nuôi con cho tốt nhất, không để đứa bé thiếu thốn hay thua thiệt bất cứ ai.
Nhiều khi tôi nghĩ, nếu chẳng may tôi làm dâu một gia đình khác, chắc bây giờ, tôi đã không được sung sướng thế này. Tôi thật may mắn khi có một người bố chồng tuyệt vời thế này phải không mọi người?
Theo Trí Thức Trẻ