Theo BBC, lính cứu hỏa đang vật lộn để cứu lấy công trình kiến trúc 850 năm tuổi, nhưng tòa tháp giữa và phần mái vòm của thánh đường đã bị sập.

Nhà thờ Đức Bà Paris cháy lớn
Tháp cao nhất và mái vòm của nhà thờ đã bị phá hủy. Ảnh: AP.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn hôm 15/4, nhưng rất có thể nó liên quan tới hoạt động trùng tu nhà thờ đang diễn ra.

Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa Paris, ông Jean-Claude Gallet cho biết cấu trúc chính của công trình đã được bảo toàn đã ngăn được ngọn lửa không cho lan tới tòa tháp chuông phía bắc.

Hiện cảnh sát Paris đã loại bỏ nguyên nhân khủng bố hoặc cố ý gây hỏa hoạn, và cho biết họ đang điều tra theo hướng đây là tai nạn liên quan tới dự án trùng tu nhà thờ trị giá 6,8 triệu USD đang diễn ra.

Nhà thờ Đức Bà Paris cháy lớn
Lính cứu hỏa đang cố gắng để ngăn ngọn lửa lan tới tòa tháp phía bắc, một trong những cấu trúc chính của nhà thờ. Ảnh: AP.

Người ta nghe thấy những tiếng nổ lớn khi ngọn lửa bùng lên qua phần mái, phá hủy các cửa số bằng kính màu của nhà thờ - một trong những công trình kiến trúc được tham quan nhiều nhất thế giới.

Hàng nghìn người tụ tập trên các đường phố xung quanh nhà thờ, lo lắng theo dõi vụ hỏa hoạn, một số người thậm chí đã không cầm được nước mắt và một số khác thì cùng nhau cầu nguyện. Các nhà thờ xung quanh thủ đô Paris đã rung chuông.

Nhà thờ Đức Bà Paris cháy lớn
Khu vực màu đỏ là phần đã bị phá hủy trong vụ hỏa hoạn. Đồ họa: BBC.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới hiện trường, nói rằng tâm trí ông ở bên "toàn bộ người Thiên Chúa giáo và toàn thể nhân dân Pháp". "Giống như tất cả đồng bào của tôi, đêm nay tôi hết sức đau buồn khi phải chứng kiến một phần này của chúng ta bị thiêu đốt".

Vì vụ hỏa hoạn nên ông Macron đã hủy bỏ một bài diễn văn quan trọng dự kiến phát trên truyền hình.

Nhà thờ Đức Bà Paris cháy lớn
Người dân Paris sững sờ khi thấy công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố bị ngọn lửa phá hủy. Ảnh: AP.

Sử gia Camille Pascal chia sẻ với đài BFMTV rằng trận hỏa hoạn đang phá hủy "những di sản vô giá".

"Trong suốt 800 năm, nhà thờ đã canh gác Paris. Các sự kiện vui buồn trong hàng thế kỷ đã được đánh dấu bằng những tiếng chuông của Nhà thờ Đức Bà. Chúng tôi thấy kinh hoàng với những gì mình đang chứng kiến", ông Pascal nói. 

Theo Zing