Trong Y học cổ truyền dân gian, cây nhân trần còn có tên gọi là hoắc hương núi, họ hoa Mõm chó. Thân cây nhỏ, màu tím, có lông trắng mịn. Lá mọc đối, hình trứng, đầu lá dài và nhọn, mép có răng cưa, hai mặt lá có nhiều lông mịn, toàn thân và lá có mùi thơm. Hoa mọc thành chùm dạng bông ở kẽ lá, tràng hoa màu tím xanh, môi trên hình lưỡi, môi dưới xẻ thành năm thùy đều nhau. Qủa nang có nhiều hạt nhỏ.

Nhân trần mọc ở đồi núi, bờ ruộng, bãi trống vùng trung du… và cũng được nhân dân trồng để làm thuốc. Nhân trần ra hoa và đậu quả từ tháng 4 đến tháng 7. Cây được phơi khô cả thân trừ rễ. Khi được phơi khô, nhân trần có chứa tinh dầu nên bảo quản đơn giản và dễ.

Nhân trần vị đắng, tính bình, hơi hàn. Đông y dùng để chữa bệnh vàng da, bệnh gan mật, lợi tiểu. Là vị thuốc quý giúp phụ nữ sau sinh sức khỏe nhanh hồi phục. Nhân trần tính mát nên giúp giải độc, trị phong thấp đau xương, đau bụng đầy hơi, ghẻ lở, tiểu tiện ít, nước tiểu vàng đục.

Nhân trần có tác dụng lợi mật, bảo vệ tế bào gan, hạ huyết áp, làm giãn động mạch vành. Vào mùa hè, nhân trần là thức uống khoái khẩu của nhiều người bởi khi uống không bị sôi hay lạnh bụng, lại ngủ ngon.

nhan-tran-khong-chi-dung-de-thanh-nhiet_281053218

Cách dùng trà nhân trần

– Với những người uống rượu, bia nhiều mỗi ngày uống một chai nước nhân trần sẽ giảm phần nào tác hại của rượu đến gan: Nhân trần, hạt muồng sao, cam thảo sống, rau má khô sắc lên uống hàng ngày.

– Viêm gan kèm theo sốt, vàng da, ra nhiều mồ hôi ở đầu, miệng khô, bụng đầy, tiểu tiện khó. Dùng nhân trần, chi tử, đại hoàng sắc lấy nước uống chia làm 3 lần trong ngày.

– Chữa viêm túi mật hiệu quả dùng nhân trần, bồ công anh, nghệ vàng sắc uống hàng ngày.

– Khi bị say nắng, đau đầu, sốt nóng dùng nhân trần, hành tăm sắc lên để nguội uống.

– Mắt bị sưng, đỏ, đau lấy nhân trần, mã đề mỗi thứ một nắm sắc uống cho tới khi hết đau.

– Mát gan lợi mật, thanh nhiệt dùng nhân trần, bông mã đề, bán biên liên sấy hoặc phơi khô, tán vụn. Mỗi ngày dùng 50g hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.

– Khi bị viêm gan đến giai đoạn di chứng có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng khó tiêu: Mạch nha, nhân trần, quất bì, sấy khô tán vụn uống thay trà trong ngày.

Lưu ý không nên dùng nhân trần:

Nhân trần rất tốt cho chị em phụ nữ sau sinh, tuy nhiên trong khi mang thai không nên dùng vì có thể làm thai suy dinh dưỡng, chết lưu. Uống nhân trần nhiều khi sinh xong bà mẹ dễ bị mất sữa hoặc có ít sữa.

Khi sắc trà nhân trần mọi người thường cho cam thảo đun cùng để có vị thơm, ngọt dễ uống. Đây là sai lầm bởi cam thảo có tính giữ nước, nhân trần lại giúp đào thải hai vị thuốc trái ngược nhau khi sử dụng không có lợi cho cơ thể.

Theo Sức khỏe gia đình