Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ở Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi may mắn được nhận vào một công ty lớn với vị trí nhân viên sáng tạo nội dung. Nhiều tháng liền tôi đạt 200% KPI; các ý tưởng mà tôi đề xuất đều mang lại doanh thu lớn cho công ty, chính vì thế tôi nhanh chóng được thăng chức làm quản lý.

Đây là một cơ hội lớn đối với tôi, một người trẻ thuộc thế hệ Z luôn khao khát thử thách và khẳng định bản thân trong môi trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, niềm vui chẳng kéo dài khi tôi bắt đầu đối mặt với những áp lực từ chính đội ngũ nhân viên dưới quyền mình, có những người đáng tuổi cha mẹ tôi. Họ khó chịu vì tôi vừa quá ít tuổi vừa là người mới nhưng đã thành cấp trên của họ.

Nhóm mà tôi quản lý có 8 người, trong đó có chỉ một người kém tuổi tôi, còn lại đều thuộc lứa U40, U30, có một chị nhân viên chỉ kém mẹ tôi 1 tuổi. Một trong những thách thức đầu tiên tôi gặp phải là sự khác biệt về phong cách làm việc. Nhân viên lớn tuổi thường có xu hướng kiên định với cách làm truyền thống, trong khi tôi, với tư duy đổi mới của gen Z, luôn hướng tới những phương thức làm việc khác biệt, sáng tạo hơn.

Việc thuyết phục họ thử nghiệm những ý tưởng mới đối với tôi là vô cùng khó khăn. Họ không đưa ra đề xuất thay thế nào khả thi, nhưng lại không ủng hộ và hợp tác với những gì tôi đưa ra. Những nhân viên lớn tuổi này thậm chí còn nói "cùn" rằng ý tưởng của tôi thì tự tôi phải triển khai, họ không muốn nhúng tay vào làm cùng vì không chung quan điểm.

Tôi đã dùng đủ mọi cách để thuyết phục họ từ mềm dẻo đến cương quyết nhưng đều không ăn thua. Một mình tôi không thể "gánh team", làm thay cho gần chục người. Kết quả là tháng đó nhóm tôi đạt KPI thấp nhất công ty.

Nhân viên già bằng bố mẹ, gen Z làm sếp 3 tháng đã bỏ việc vì bị chống đối-1
Bị nhân viên đang tuổi bố mẹ coi thường, tôi xin nghỉ sau 3 tháng làm quản lý. (Ảnh minh họa AI)

Họ cũng rất chậm chạp trong việc sử dụng các công cụ tuyệt vời mà công nghệ mang lại dù chúng giúp tăng năng suất lao động gấp nhiều lần, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Tôi đã hướng dẫn và làm thử, nhưng rồi sau đó họ lại không sử dụng, cứ làm theo cách cũ vừa vất vả vừa chậm như rùa bò.

Sự khác biệt trong cách giao tiếp cũng là vấn đề lớn. Gen Z như tôi quen với cách giao tiếp mở, đưa ra thông điệp một cách trực tiếp và sử dụng công nghệ như một công cụ đắc lực. Tuy nhiên, một số nhân viên không thoải mái với các cuộc họp trực tuyến, không theo kịp nhịp độ trao đổi ở các nhóm chat nội bộ.

Nhiều lần tôi tag tên những nhân viên U40, họ còn không thèm xem và phản hồi lại, hoặc cả nửa ngày mới lên tiếng, viện đủ lý do. Vì nhắc tên trong nhóm không thấy trả lời, tôi hay phải ra tận nơi họ ngồi để giao việc. Có thể họ đã nhìn thấy tôi tag tên trong nhóm nhưng cố tình không xem và không trả lời tin nhắn. Tôi cảm thấy rất bức xúc vì thái độ làm việc không tập trung và thiếu chuyên nghiệp này.

Không ít lần, tôi cảm nhận được thái độ coi thường từ một số nhân viên lớn tuổi, đôi khi đến từ những câu nói mang hàm ý chê bai như “trẻ người non dạ” hay “chưa trải sự đời”; "ngựa non háu đá"... Thái độ trước mặt đã gay gắt như vậy, sau lưng họ càng chẳng coi tôi ra gì.

Trong một lần ngồi trong nhà vệ sinh, tôi nghe được cuộc nói chuyện của hai nhân viên trong nhóm. Họ nói tôi không có kinh nghiệm, cả IQ và EQ đều thấp mà đòi làm sếp, rằng chắc chắn tôi không trụ lại vị trí này được lâu. Những lời nhận xét này không chỉ gây tổn thương mà còn làm giảm động lực làm việc của tôi.

Khi biết về tình trạng chống đối này, phó giám đốc bộ phận đã nói chuyện với một số nhân viên trong nhóm tôi. Anh khuyên họ nên hợp tác làm việc để đôi bên đều có lợi, không nên gây khó dễ cho tôi trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, sự can thiệp của anh dường như càng phản tác dụng. Các nhân viên già cho rằng tôi mách lẻo, có việc lớn bé gì cũng đi "tâu" với sếp. Thực sự, tôi muốn sếp trao đổi với họ chỉ để giải quyết vấn đề chứ không hề có ý nói xấu hay làm hại ai cả. Nhưng họ chỉ nghĩ theo quan điểm của mình.

Ngày nào tôi cũng rời công ty lúc 21h, cuối tuần cũng vẫn phải tăng ca mới kịp đủ KPI cho cả nhóm. Người tôi gầy rộc đi, lúc nào cũng căng thẳng. Tôi luôn luôn muốn mọi sự vuông tròn nên cố gắng với 300% sức lực. Nhưng cảm giác không được tôn trọng và sự căng thẳng kéo dài đã khiến tôi quyết định xin nghỉ việc chỉ sau 3 tháng làm quản lý. Đây là một quyết định khó khăn nhưng tôi thấy là cần thiết để bảo vệ bản thân và định hướng lại sự nghiệp của mình.

Cấp trên thấy tiếc năng lực của tôi nên đề nghị tôi chuyển sang chi nhánh khác. Sau nhiều suy nghĩ, tôi đồng ý nhưng không làm quản lý nữa. Tôi nói với anh rằng không phải mình thấy khó mà lui. Thất bại vừa rồi khiến tôi nhận ra những non yếu của mình. Làm sếp không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn phải khéo léo và đầy bản lĩnh trong giao tiếp và quản lý con người, đặc biệt khi làm việc với những người có tuổi đời và kinh nghiệm sống phong phú hơn.

Tôi làm sếp được một thời gian ngắn đã thất bại vì đã vội vàng khi nhận vị trí mới khi năng lực quản trị lẫn khả năng chịu áp lực đều chưa đủ. Trong thời gian tới tôi sẽ nỗ lực học hỏi để bù đắp những thiếu sót này, hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo của mình và sẵn sàng cho những vị trí mới cao hơn trong tương lai. 

Theo VTC News