Trước đó, ngày 22/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ban hành công văn khẩn về Kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm trong giai đoạn thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch từ 23/8 đến 6/9.

Cụ thể, tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện, công an, quân đội sẽ thực hiện "đi chợ hộ" cho người dân với tần suất 1 lần/tuần và phân phối trực tiếp đến người dân (người dân trả tiền).

Tại phường Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM không áp dụng mua hàng theo combo mà cho người dân đặt sản phẩm mình mong muốn nên đội "đi chợ hộ" phải phải liên tục canh chừng điện thoại để tránh bị sót đơn yêu cầu.

Tuy nhiên, do mới triển khai mô hình "đi chợ hộ" nên còn nhiều lúng túng và phát sinh nhiều tình huống khiến cán bộ đi mua hàng lẫn người dân không mong muốn. Đáng chú ý là việc một vài người dân đặt hàng nhưng đến khi cán bộ tình nguyện, bộ đội giao đến thì lại "bom" hàng, điều này khiến dư luận vô cùng bức xúc. 

Nhiều cán bộ chiến sĩ đi chợ hộ bị người dân TP HCM bom hàng-1
Các chiến sĩ bộ đội cùng tình nguyện viên "đi chợ hộ" giúp người dân. Ảnh Zing

Theo VnExpress đăng tải, chiều 23/8, sau khi nhận được đơn mua thuốc gấp từ một phụ huynh có con bị đau bụng dữ dội, chị An (thành viên đội đi chợ hộ phường Bình Trưng Đông) đã lập tức đi đến nhiều nhà thuốc hỏi mua nhưng không có loại thuốc như yêu cầu. 

Đến khi tìm đúng được loại thuốc đó, đang trên đường đi giao thì chị An nhận được một cuộc gọi từ người đặt thuốc báo không cần mua nữa vì họ đã tìm được. 

Bên cạnh đó, một đội "đi chợ hộ" khác cũng gặp trường hợp tương tự. Cán bộ phụ trách đã cầm đồ đứng trước cổng chung cư người đặt mua, gọi điện thoại hàng chục cuộc nhưng vẫn không được phản hồi. Mãi đến chiều cùng ngày, người đặt đơn mới nhắn tin xin lỗi với lý do "đặt thử xem có được đi chợ hộ thật không", chứ không muốn mua hàng. Đơn hàng có giá trị hơn 400.000 đồng.

Nhiều chiến sĩ, tình nguyện viên đi chợ hộ người dân bị "bom hàng", người dân khi được hỏi được nói là "đặt cho vui" và "tưởng miễn phí chứ lấy tiền thì thôi". 

Nhiều cán bộ chiến sĩ đi chợ hộ bị người dân TP HCM bom hàng-2
Các thành viên đội hình đi chợ hộ phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) thống kê đơn hàng của người dân. Ảnh: Vnexpress

Được biết, khi nhận đi chợ hộ, cán bộ phụ trách sẽ tự trả tiền trước cho các đơn hàng, sau khi người dân nhận được, họ sẽ chuyển khoản trả. Hơn nữa, các đơn hàng thường có giá trị cao như tại phường Bình Trưng Đông, đa số các từ 500.000 - 700.000 đồng, với những hộ có nhiều thành viên thì đơn hàng có thể lên đến hai triệu đồng nên việc bị "bom" hàng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến những cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên "đi chợ hộ". 

Thực tế, những người "bom" hàng họ có thể không biết được rằng có rất nhiều người đang khổ sở, chờ từng bữa ăn qua ngày ở ngoài kia, có những gia đình họ mong muốn được nhận lương thực, thực phẩm đến mức nào. 

Ghi nhận của Zing, sau 4 ngày TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, thực phẩm dự trữ của người dân cạn dần khiến nhu cầu mua sắm tăng vọt trở lại, số lượng đơn hàng "đi chợ hộ" liên tục quá tải. Các hệ thống đặt hàng của phường, siêu thị bắt đầu có tình trạng quá tải.

Dù các lực lượng phụ trách "đi chợ hộ" giúp người dân đã tăng cường thời gian làm việc ngày, đêm xử lý đơn hàng, đến ngày 26/8, việc mua bán liên tục bị gián đoạn.

Nhiều cán bộ chiến sĩ đi chợ hộ bị người dân TP HCM bom hàng-3
Số lượng đơn hàng "đi chợ hộ" ngày càng nhiều, các cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên được tăng cường để hỗ trợ người dân

Sau khi sự việc "đi chợ hộ" bị bom hàng được chia sẻ lên MXH đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Hầu hết mọi người đều vô cùng phẫn nộ trước thái độ thiếu ý thức, trêu đùa cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên, làm mất thời gian, tiền bạc, công sức của họ. 

Một vài bình luận của cư dân mạng: 

- "Người nào bom thi lần sau cho nó nhịn không mua cho nó nữa cho nó vêu mõm luôn, các chiến sĩ nhiệt tình đi chợ rồi còn không biết điều".

- " Thứ này cần truy cứu trách nhiệm, Nhiều nhà còn không có đồ để mà ăn mà lại chơi trò không có suy nghĩ.

- "Mang tội lừa đảo gây hậu quả rồi, truy tố thôi. Số điện thoại bây giờ hầu hết đều đăng ký chính chủ, thêm địa chỉ giao hàng, chạy đâu cho thoát".

- "Lên mạng thì chê kiểu hỗ trợ bao cấp, nhưng lại muốn đc miễn phí khư thời bao cấp".

- " Tới hồi không mua được thì giãy đạch đạch cho xem nè. Nhiều người lạ lẫm ghê".

HT (t/h)
Theo Vietnamnet