Trang The Paper đưa tin bộ phim Thỉnh Quân do Nhậm Gia Luân và Lý Thấm đóng chính vốn được mong đợi do có cốt truyện xuyên không qua nhiều thời đại hấp dẫn, cách xây dựng nhân vật mới mẻ. Tuy nhiên, thành tích phim đạt được chỉ ở mức trung bình.

Bên cạnh đó, việc nam diễn viên Nhậm Gia Luân sử dụng giọng gốc trong phim không được đánh giá cao. Tài tử sinh năm 1989 lộ sự yếu kém trong khả năng lồng tiếng cho nhân vật của mình.

Ngoài ra, trong thời đại phim công nghiệp, nghệ sĩ nhận một lúc 2-3 phim, đã hình thành thói ỷ lại và lười học thuộc lời thoại. Việc lạm dụng diễn viên lồng tiếng dẫn đến các nhân vật của Địch Lệ Nhiệt Ba, Triệu Lệ Dĩnh, Đường Yên trong những phim riêng biệt lại có giọng nói giống nhau.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cũng đề cập đến trường hợp của Nhậm Gia Luân và các diễn viên thần tượng như Dương Mịch, Lưu Thi Thi, Thành Nghị, Cung Tuấn, Vương Hạc Đệ... với khả năng lồng tiếng kém.

Dương Mịch, Nhậm Gia Luân có điểm yếu

Theo The Paper, điểm yếu lớn nhất trong giọng thoại của các diễn viên Hoa ngữ là hụt hơi và nói tiếng địa phương. Trong trường hợp của Nhậm Gia Luân, giọng thật của nam diễn viên cột hơi yếu, không thể thể hiện được tính cách mạnh mẽ, cương trực của các nhân vật.

"Dù nhân vật trải qua sóng gió, tức giận hay đau thương, giọng thoại của Nhậm Gia Luân vẫn đều đều, khó nghe và bị hụt hơi về cuối", The Paper phân tích.

Nhậm Gia Luân là trường hợp mà khán giả bày tỏ thất vọng đến mức không muốn xem phim khi nghe giọng thật của diễn viên. Trước đó, anh được yêu thích trong dự án Châu sinh như cố. Trong phim này, nhân vật nam chính Châu Sinh được thể hiện bởi nghệ sĩ lồng tiếng chuyên nghiệp.

Nhiều diễn viên Hoa ngữ bị chê đài từ-1Nhiều diễn viên Hoa ngữ bị chê đài từ-2Nhiều diễn viên Hoa ngữ bị chê đài từ-3Nhiều diễn viên Hoa ngữ bị chê đài từ-4
Nhậm Gia Luân, Dương Mịch, Cúc Tịnh Y, Thành Nghị thuộc nhóm diễn viên không có chất giọng tốt khi đóng phim.

Tương tự, Dương Mịch cũng ít khi sử dụng giọng thật trong quá trình đóng phim. Chất giọng của Dương Mịch bị đánh giá chói tai, âm sắc giống trẻ con.

Cúc Tịnh Y lạm dụng diễn viên lồng tiếng. Theo Sina, nữ thần tượng đã quay hơn 10 tác phẩm phim truyền hình nhưng chưa có dự án nào cô dùng giọng thật. Những ngôi sao không thể tự lồng tiếng cho nhân vật của mình thường bị khán giả ví là "diễn viên kịch câm".

Mặt khác, nhiều diễn viên Trung Quốc mắc lỗi khẩu âm như Chung Hán Lương, Hứa Khải, Vương Hạc Đệ. Lưu Diệc Phi hay Cung Tuấn lại bị đánh giá là đọc thoại như trả bài, thiếu sự linh hoạt, dính thoại dẫn đến khó nghe.

Thế khó của các ngôi sao

Vào tháng 5, Nhật báo Nhân dân đưa tin Liên đoàn phát thanh và truyền hình Trung Quốc (thuộc Tổng cục phát thanh truyền hình Trung Quốc), Hiệp hội dịch vụ truyền thông mạng Trung Quốc (tổ chức ngành nghề cấp quốc gia) phối hợp phát hành văn bản mẫu của hợp đồng tuyển dụng diễn viên, áp dụng thử trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, web drama.

Văn bản nêu rõ trong hợp đồng sử dụng lao động, diễn viên dựa theo quy ước về thời gian, địa điểm với nhà sản xuất để hoàn thành công tác hậu kỳ lồng tiếng cho phim.

Nếu các ngôi sao không thể hoàn thành yêu cầu thu âm cho nhân vật họ đảm nhiệm (lồng tiếng kém hoặc thời gian không đúng), nhà sản xuất có quyền thuê diễn viên lồng tiếng thay thế. Chi phí phát sinh như thù lao lồng tiếng, tiền đi lại, ăn ở sẽ do phía diễn viên chi trả hoặc trừ vào tiền thù lao.

Theo Sina, quy định mới của các cơ quan quản lý nghệ thuật nhận được sự đồng thuận của công chúng. Họ cho rằng diễn viên nhận được mức thù lao khổng lồ thì phải có trách nhiệm với nhân vật của mình. Việc trau dồi diễn xuất, khả năng thoại là yêu cầu bắt buộc.

Nhiều diễn viên Hoa ngữ bị chê đài từ-5
Nhiều nghệ sĩ Hoa ngữ đang cố gắng tự lồng tiếng dù còn điểm yếu.

Hiện tại, các giải thưởng phim ảnh của Trung Quốc đưa ra tiêu chí chỉ xét duyệt những phim mà diễn viên dùng giọng thật. Do đó, nhiều nghệ sĩ dù chất giọng chưa thực sự tốt như Thành Nghị, Nhậm Gia Luân, Dương Mịch vẫn phải tự thực hiện việc lồng tiếng cho nhân vật.

Đài CCTV cho rằng việc các nghệ sĩ tích cực thay đổi, cải thiện khả năng đọc thoại là đáng khen ngợi. Dưới sự theo dõi của khán giả cùng với quyết tâm của diễn viên, chắc chắn đài từ của các ngôi sao sẽ tốt hơn.

Trên mạng xã hội Weibo, nhiều ý kiến nhận xét khả năng đọc thoại tốt là yêu cầu tối thiểu đối với nghệ sĩ và khán giả xem phim không chấp nhận diễn viên có thù lao cao nhưng kỹ năng yếu kém.

Mặt khác, các đạo diễn lại cho rằng quyết định lồng tiếng phụ thuộc vào việc diễn viên có thực sự phù hợp với nhân vật họ thể hiện hay không. Ví dụ, Tôn Lệ và Thái Thiếu Phân trong phim cung đấu kinh điển Chân Hoàn truyện đã sử dụng lồng tiếng.

Đạo diễn Trịnh Hiểu Long giải thích giọng Tôn Lệ không đủ tốt để thể hiện các cung bậc cảm xúc của nhân vật, còn Thái Thiếu Phân không biết nói tiếng phổ thông nên phải lồng tiếng để đảm bảo chất lượng tác phẩm.

Theo Zing