"Nhiều em đi cách ly không có quần áo hay đôi dép"
22h đêm 19/5, anh Lò Thuận, Bí thư đoàn xã Mường Pồn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nhận tin một giáo viên trên địa bàn mắc Covid-19, các em học sinh trở thành F1. Các nhân viên y tế gọi điện đến từng nhà, vận động bà con đưa con em đến trạm y tế xã. Nhưng trời khuya, người dân đều đã đi ngủ, cán bộ buộc phải đến tận nhà.
Anh Thuận cùng các đồng nghiệp vội vàng mặc bộ quần áo bảo hộ, nhanh chóng lên xe ô tô đón các em đến khu cách ly tập trung.
Chiều hôm đó trời mưa lớn, khiến con đường trơn trượt. Đường vào bản người Mông nhỏ hẹp, khó đi, trời đã khuya càng thêm khó khăn. Xe ô tô phải dừng ở đường quốc lộ. Gần 10 cán bộ, nhân viên y tế đi bộ trên con đường bùn lầy vào trong bản. Cùng một bản, nhưng nhiều nhà cách xa nhau, có khi cả một quả núi. Công việc truy vết vô cùng gian nan.
F1 chủ yếu là các em mầm non, nhiều gia đình không đồng ý "giao con". Được nhân viên y tế giải thích, phụ huynh sau đó chấp thuận để con đi cách ly tập trung.
"Rút kinh nghiệm đợt trước nhiều em đi cách ly không có quần áo hay đôi dép. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn quần áo, nhưng hạn chế, không đủ cho tất cả", anh Thuận nói.
Bữa cơm cách ly đạm bạc của các em nhỏ ở Điện Biên
Theo lời cán bộ xã, đêm truy vết hôm đó nhà học sinh xa nhất cách nơi cách ly tập trung chừng 10km. Đến 2h sáng 20/5, các anh mới đón được 27 em, còn một số ít theo bố mẹ lên nương, bắt buộc phải chờ đến sáng.
Tính đến tối 22/5, xã Mường Pồn đã truy vết được 76 F1 là học sinh, trong đó có 34 trẻ mầm non. Các em được sắp xếp ở cùng phòng cách ly với các cô giáo trong diện F1 để tiện chăm sóc.
"Do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cung cấp thêm đồ dùng", anh Thuận nói.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc các cháu nhỏ, nhất là trẻ mầm non, cũng gặp nhiều vất vả. Xa bố mẹ, các em quấy khóc, không chịu ăn uống. Tính đến ngày 22/5, qua 3 ngày cách ly tập trung, nhưng nhiều em vẫn chưa quen, thỉnh thoảng khóc đêm.
"Nhìn cảnh các cháu nhỏ nằm ngủ trên tấm chiếu mỏng sao thể cầm lòng…"
Chị Nguyễn Thị Tuấn, cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên ngày 22/5, cho biết toàn tỉnh có đến 1.000 học sinh các cấp là F1 phải đi cách ly tập trung. Đặc biệt trên địa bàn có 2 điểm dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn là huyện Nậm Pồ và xã Mường Pồn.
"Các cháu đi cách ly chủ yếu từ 4-12 tuổi, đều là con em dân tộc Mông, Thái và một số ít là người Kinh. Các em thiếu thốn rất nhiều thứ từ quần áo, khẩu trang cho đến đồ ăn, thậm chí nhiều em chỉ có một bộ quần áo mặc trên người từ hôm đi cách ly", chị Tuấn nói.
Đêm 20/5, chị Tuấn nhắn tin cho kĩ sư Phạm Đình Quý (Hà Nội), người có nhiều năm kinh nghiệm gây quỹ, xây hàng trăm ngôi trường cho trẻ em vùng cao. Chị viết, "tình hình Điện Biên đang rất cần quần áo cũ cho các cháu học sinh từ mẫu giáo đến 10 tuổi. Các bé đi cách ly chỉ có mỗi bộ quần áo trên người!", kèm theo đó là những bức ảnh các em nhỏ, các y bác sĩ đang ở khu cách ly tại điểm dịch huyện Nậm Pồ và xã Mường Pồn.
Anh Quý dừng lại rất lâu ở bức ảnh các cháu nằm ngủ trên tấm phản, chỉ có manh chiếu mỏng. "Tôi rất thương cảm, xót xa với những đứa trẻ. Các con có thể đói, có thể rét, nhưng ai đã làm các con phải ngủ trong giấc ngủ cách ly, thiếu vòng tay của mẹ cha như thế này", anh nói.
Những em bé mầm non ngủ trên tấm phản và manh chiếu mỏng
Năm 2017, anh Quý từng đi xây trường tại huyện Nậm Pồ. Cả quá trình, anh không thể nào quên, vì đây là huyện rất nghèo. Con đường từ thành phố dẫn vào huyện đầy trắc trở, những người thợ còn không dám quay lại lần 2. Người dân lạc hậu và nghèo đói.
Dịch bệnh Covid-19 bất ngờ ập đến, các làng xã thôn bản tuyên truyền vận động người dân tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi có thông báo, họ nghiêm chỉnh chấp hành. Khi lũ nhỏ phải đi cách ly, chúng rồng rắn, mỗi đứa một bộ quần áo, một túi xách, bố mẹ không được đi theo.
"Tôi hỏi chị Tuấn tình hình các cháu, được biết từ hôm đi cách ly chúng không có gì ăn, đều chỉ một bộ quần áo". Sáng hôm sau (21/5), anh Quý liên hệ với các nhà tài trợ, kêu gọi ủng hộ huyện Nậm Pồ và xã Mường Pồn.
Sau khi anh chia sẻ câu chuyện lên trang Facebook cá nhân, rất đông bạn bè, mạnh thường quân từ khắp mọi miền, đã chung tay giúp đỡ. Có người chuyển 500 thùng sữa, 250 bộ quần áo. Cũng có người gửi tiền qua quỹ "Những tấm lòng Nhân ái" của anh, nhờ gửi giúp lên Điện Biên.
"Ban đầu chị Tuấn nhắn có khoảng 120 em đi cách ly, nhưng cuối ngày tổng hợp đã gần 1.000 em", anh Quý nhớ lại.
Chị Tuấn chia sẻ thêm, do công tác truy vết thần tốc, nhiều em đến điểm cách ly ngay trong đêm, nhiều phụ huynh thậm chí còn không thể nắm được con mình đang ở điểm cách ly tập trung nào.
Các điểm cách ly thường được bố trí tại trường bán trú, đồ đạc gồm chăn màn, giường chiếu cơ bản đủ. Tuy nhiên, nhiều nơi thiếu thốn từ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, găng tay y tế, cốc uống nước.
"Thậm chí các cán bộ dưới địa bàn xã còn nhắn gửi chúng tôi 'chị xin được hỗ trợ giúp chúng em cái gì tốt cái đó vì ở đây cái gì cũng thiếu', nghe mà đau lòng lắm", chị Tuấn tâm sự.
Dù đã có những đồ hỗ trợ từ các mạnh thường quân nhưng nữ cán bộ vẫn lo lắng khi các em phải cách ly 21 ngày. Chị sợ đồ ăn, khẩu trang, vật dụng cá nhân không thể cung cấp đủ, nhất là khi số F1 ngày càng gia tăng.
Không có bố mẹ đi cùng, nhiều em chưa quen, hay quấy khóc
Một số ý kiến cho rằng không nên để trẻ con đi cách ly cực khổ như thế, nhưng theo anh Quý, để đảm bảo an toàn khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bất kỳ ai cũng phải tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế.
"Chúng ta quan tâm, mua quần áo, thức ăn, đồ dùng cho các cháu, thì sẽ cảm thấy ấm áp hơn. Dù trong hay sau dịch, Nậm Pồ và Mường Pồn cũng đều khó khăn. Ủng hộ cho bà con, tôi nghĩ không sợ thừa, vì họ quá nghèo khổ".
Anh cho biết, sẽ gửi số tiền ủng hộ của mọi người thông qua chị Tuấn và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Điện Biên. Hoặc khi dịch bệnh được khống chế, anh sẽ trực tiếp lên Điện Biên trao tận tay bà con những phần quà thiết thực.
Tính từ ngày 7/5 đến 22/5, tỉnh Điện Biên có 52 bệnh nhân Covid-19 tại 4 địa phương: thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Nậm Pồ và thị xã Mường Lay.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị