Đây là nhận định của nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn (Hà Nội).
Phụ nữ đang tự “mua dây buộc mình”
Theo ông Nguyễn An Chất, trong cuộc sống của mỗi con người, kể cả thời xưa hay thời nay đều luôn có hỷ-nộ-ái-ố (vui, giận, yêu, ghét) đan xen. Do đó, không ai từ khi sinh ra đến khi mất đi đều sống trong sung sướng, hạnh phúc mà chưa một lần khổ đau hoặc ngược lại. Đây là một quy luật phát triển của nhân loại. Hay nói cách khác, sướng hay khổ đều là do mỗi người tự cảm nhận.
Nói về những nỗi khổ của phụ nữ, ông Chất cho rằng, phụ nữ từ xưa đến nay đều có nỗi khổ riêng. Dưới thời phong kiến xưa, người phụ nữ gần như bị coi là một nô lệ trong gia đình. Họ không được coi trọng, không được tham gia vào bất cứ việc lớn nào trong gia đình.
Còn với xã hội ngày nay, ông Chất cho biết, xã hội hiện đại, tư tưởng lạc hậu thời phong kiến đã phần nào được đẩy lùi, người phụ nữ đang được giải phóng, dần khẳng định được vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, họ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi.
Nhiều phụ nữ đang tự "mua dây buộc mình". Ảnh minh họa
Chẳng hạn, nhiều phụ nữ vẫn phải sống với người chồng gia trưởng hoặc gánh chịu những trận bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ vẫn đi làm kiếm tiền như những người đàn ông nhưng phải gánh thêm trách nhiệm đảm bảo chu toàn và vun vén hạnh phúc cho tổ ấm nhỏ.
Mặt khác, mặc dù, xã hội tiến bộ, quan niệm về “mẹ chồng - nàng dâu” không còn nặng nề như trước; nhiều bà mẹ chồng đã có tư tưởng thoáng hơn, biết thông cảm và yêu thương con dâu nhiều hơn nhưng số lượng này lại không chiếm phần nhiều trong xã hội.
Tuy nhiên, bỏ qua tất cả những nỗi khổ trên, theo ông Nguyễn An Chất, nỗi khổ đáng sợ nhất đối với người phụ nữ chính là họ đang tự làm khổ mình, nghĩa là chẳng ai làm họ khổ mà nỗi khổ xuất phát từ chính trong suy nghĩ và cảm nhận của họ.
“Người phụ nữ lúc nào cũng nghĩ mình khổ thì không bao giờ có thể sướng được. Vì trong mắt họ, cuộc đời chỉ là bể khổ và họ sẽ luôn luẩn quẩn trong suy nghĩ đau khổ đó. Đây là nỗi khổ đáng sợ nhất”, ông Chất nhấn mạnh.
Thay đổi suy nghĩ, thay đổi cuộc đời
Theo ông Nguyễn An Chất, nguyên nhân dẫn đến nỗi khổ này xuất phát từ việc một số người phụ nữ luôn tự răn mình phải sống thế này hay phải sống thế kia để cho vừa lòng mọi người. Việc chạy theo mong muốn của người khác trong khi không để ý đến cảm nhận của chính mình thì chắc chắn đến một lúc nào đó, họ sẽ thấy mệt mỏi và kiệt sức. Đây được xem là một cách tự hành hạ bản thân của không ít chị em phụ nữ. Việc này hay xảy ra đối với những nàng dâu mới về nhà chồng.
Các chuyên gia cho rằng, sướng hay khổ là từ suy nghĩ mà ra. Phải biết bằng lòng với thực tại và giữ tâm luôn thanh thản. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, ông Chất cũng chỉ ra rằng, nỗi khổ này cũng xuất phát từ lòng tham của một số phụ nữ. “Cái tham nhất của con người không phải là tham tiền, tham của mà là tự cho mình là đúng và bắt những người khác phải nghe theo ý mình.
Chẳng hạn, nếu người vợ suốt ngày bắt chồng phải thế này, thế kia hoặc con cái phải răm rắp nghe theo những gì người đó nói, đến khi, gặp phải sự ‘phản kháng” của đối phương, họ sẽ cảm thấy bất lực. Từ đó sinh ra than vãn, đay nghiến chồng con. Lúc này, tâm của họ cũng sẽ chẳng khi nào được yên, hay cáu gắt và đôi khi tạo sự bất hòa với những người xung quanh. Lâu dần, họ trở thành một người khác so với ban đầu. Điều này chẳng khác nào việc họ đang tự mua thuốc độc để uống”, ông Chất phân tích.
Với những người phụ nữ đang vướng trong vòng luẩn quẩn tự "mua dây buộc mình", ông Nguyễn An Chất khuyên rằng, trước hết, họ phải thay đổi suy nghĩ và biết yêu thương nhiều hơn. "Tất nhiên, lo cho chồng, cho con là đức tính tốt của người phụ nữ nhưng để lo cho mọi người phải tự lo cho mình trước đã. Nghĩa là, phải giữ tinh thần luôn được vui vẻ, thoải mái và nhìn cuộc sống đơn giản hơn, đừng quá nặng nề. Sướng hay khổ là từ trong suy nghĩ mà ra, chẳng ở đâu xa", ông Nguyễn An Chất tư vấn
Theo vị chuyên gia tâm lý này, trên đời, không có ai là hoàn hảo cả, do đó, không nên so sánh vì mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Hãy biết bằng lòng với những gì mình đang có. Không ham muốn quá cao sang để tâm luôn bình yên và thanh thản.
Theo GĐ&XH