Phát sốt với quan niệm mới 'Đàn bà không nên biết nhiều, nhưng tiền nhất định phải biết kiếm'

Mới đây, quan điểm về "đàn bà biết lắm khổ nhiều, nhưng tiền nhất định phải biết kiếm" gây sốt mạng xã hội, đặc biệt nhận được sự đồng tình của hầu hết chị em.



Từ bao đời nay, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tần tảo, hy sinh cho chồng con đã trở nên quen thuộc trong tâm trí mỗi người. Tàn dư của tư tưởng tam tòng tứ đức xuất phát từ thời phong kiến vô hình trung vẫn trói buộc người phụ nữ Việt trong xã hội hiện đại. Nhờ mạng xã hội phát triển, giới trẻ ngày nay đã có thể nói lên tiếng nói của bản thân về những quan điểm xưa cũ.

Không khó để bắt gặp những tâm tư, chia sẻ và tư tưởng giải phóng của phụ nữ Việt Nam bây giờ trên các diễn đàn. Gần đây, một quan điểm về phụ nữ hiện đại cũng đang gây sốt mạng xã hội, được nhiều chị em Việt lan truyền nhanh chóng và gật gù tâm đắc.

Nguyên văn bài viết như sau:

"Là đàn bà thì nhất định phải yếu đuối, cái gì cũng không biết, nếu biết cũng phải tỏ ra không biết, phải lười, đừng cố cái gì cũng ôm vào thân, cũng không cần tỏ ra mạnh mẽ để làm gì. Thời nay còn phải chiến đấu với ai nữa? Làm mỏng ăn dày cái gì cũng tỏ ra thỏ non vào.

Đàn bà biết lắm thì khổ nhiều chứ sung sướng gì, từ sáng đến tối sấp mặt vào công việc, khi ngẩng đầu lên trông khác gì con quạ rụng lông. Việc trên việc dưới gì cũng đến tay, ôm hết vào người đến lúc mệt mỏi khóc lóc ai hộ không?

Em ngẩng đầu lên nhìn xã hội xem, nhiều đứa có cần làm đâu, lười thối thây ra, bát không biết rửa, nhà quét còn không sạch, nay vui chỗ nọ mai chơi chỗ kia, tối thì đi bar ban ngày thì ngủ, giận dỗi tý lại có trai nịnh bằng cách đi du lịch. Đói hay ốm đau đăng phát lên facebook là có cả tá trai nhao nhao đi mua đồ ăn mang đến tận giường.

Đàn ông ý chỉ thể hiện bản lĩnh đàn ông với mấy em thỏ non nai tơ mà thôi. Còn mấy chị em sành sỏi cái gì cũng biết thì đàn ông lấy đâu cơ hội để mà thể hiện nữa? Các chị cứ cười mấy em lười chảy thây không biết gì, nhưng lúc khó khăn mới biết các chị hay các em thỏ non ấy ai sướng hơn ai.

Thế nên làm được kiếm được thì cũng hưởng thụ được, biết nhiều khổ nhiều, giả ngu để hưởng thái bình. Sấp mặt từ sáng đến tối lúc ngẩng mặt lên thì chồng đang thể hiện bản lĩnh đàn ông với một em thỏ non khác rồi.

Mọi thứ có thể tỏ ra không biết nhưng phải biết kiếm tiền nhé. Kiếm tiền để sống, để làm đẹp, để báo hiếu cha mẹ, để nuôi con và để thuê giang hồ khi cần, đỡ phải lộ mặt khi đánh ghen rồi bàn dân thiên hạ xì xào cho rằng: "Xấu, béo thế kia chồng bỏ theo gái là đúng!".

Xây nhà cho to vào làm gì để rồi kiếm tiền chỉ để đi trả nợ, trả nợ xong đến lúc hưởng thụ thì bệnh tật bủa vây chết lúc nào không hay, rồi chồng lại rước nhân tình về. Nhà mình nó ở, chồng mình nó ngủ, con mình nó đánh,... đời còn đâu mà hưởng thụ?

Dành thời gian chịu khó làm đẹp vào, cho thiên hạ ngắm, cho bồ của chồng ngắm, cho chồng ngắm để mà tiếc nuối. Đàn bà đẹp thì đời mới nở hoa. Đàn bà xấu là không có quà....

Quan điểm này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dân mạng. Một facebooker bày tỏ: "Chỉ cần mạnh mẽ khi ở một mình, giỏi giang với bố mẹ thôi còn với trai phải tỏ ra ngu ngơ". Số khác tán thành ý kiến này và cho rằng phụ nữ Việt Nam cần giác ngộ tư tưởng này sớm hơn.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nghĩ là một chuyện còn làm được hay không lại là một chuyện khác, khi mà:

Sinh ra đã là phụ nữ Á Đông...

Có người cho rằng: "Sinh ra là phụ nữ đã khổ, là phụ nữ Á Đông còn khổ hơn bởi vốn dĩ bị trói buộc trong hệ tư tưởng tam tòng tứ đức"; mặc dù thời nay tư tưởng phong kiến ấy đã không còn tồn tại nhưng ai chắc chắn rằng tàn dư của nó đã chấm dứt? Ta vẫn bắt gặp trên báo đài, trong xóm làng/ khu phố nơi ta sống, thậm chí chính trong gia đình ta những vụ bạo hành gia đình mà phần nhiều phụ nữ là nạn nhân đó thôi.

Người Việt ta hay nói: "Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi", phải chăng tư tưởng con gái là con nhà người ta đã thấm nhuần trong suy nghĩ của người Việt Nam. Rồi lại sinh ra lắm câu chuyện bi hài xuất phát từ tư tưởng ấy, khổ cho chị em nào bước vào gia đình chồng mà không sinh nổi một mụn con trai.

Quan điểm lấy chồng như canh bạc, đem hạnh phúc ra cá cược với trò đỏ đen

Mà đã là trò đỏ đen thì mấy ai cầm chắc phần thắng trong tay?

Tự bao giờ mà hôn nhân được người ta ví như canh bạc? Bởi phụ nữ Việt Nam không tự chủ được cuộc sống và hạnh phúc của bản thân nên đành ném nó vào trò đỏ đen chăng? Sinh ra là phụ nữ đã khổ, chọn nhầm chồng còn khổ hơn. Đã làm dâu nhà người, phụ nữ Việt Nam lại phải làm dâu trăm họ. Lo sống cho vừa mắt chồng một, thì phải lo làm hài lòng bố mẹ chồng mười, rồi lại lo thuận mắt họ hàng chồng trăm.

Khi còn chưa cưới, chồng là một anh chàng thật tử tế, ga lăng. Nhưng khi kết hôn rồi, phụ nữ thường lại thất vọng khi thấy một con người hoàn toàn khác của chồng. Cứ mơ mộng như vậy, bảo sao phụ nữ hay khổ?

Nhiều người kết hôn với tư tưởng: "gia đình giục", "đến tuổi thì lấy chồng", "không ở được thì bỏ" mà nhắm mắt đưa chân cho có được một tấm chồng; nhưng đâu có ngờ để ra tòa, ký được vào tờ giấy ly hôn, giải thoát cho đôi bên đâu phải dễ dàng. Con cái, lời bàn ra nói vào của hàng xóm, thể diện của bố mẹ đâu phải dễ mà bước qua.

Rồi còn chưa bàn đến chuyện chồng ngoại tình. Nhiều chị em chưa rõ thực hư đã "vạch áo cho người xem lưng", hai người phụ nữ đánh trả nhau mà không hay nguyên do ở chính người đàn ông họ trao thân gửi phận. Một khi đàn ông đã muốn ngoại tình, đàn bà có muốn giữ họ ở lại cũng không được. Một khi họ đã muốn chung thủy, dù có bao cám dỗ bên ngoài họ cũng sẽ "một lòng một dạ" với bạn. Nếu chồng bạn ngoại tình với cô A, bạn cho rằng đi đánh ghen thế là mọi chuyện đã được giải quyết. Vậy thì bạn hãy xác định bạn sẽ còn phải đi đánh ghen với cô B, cô C trong nay mai nữa cho mà xem.

Và còn tư tưởng: "Lấy chồng để ổn định". Vậy thế nào là ổn định? Ổn định gia đình để khỏi phải nghe mọi người thúc giục chuyện kết hôn, kinh tế đã có chồng lo, con cái đủ nếp đủ tẻ. Nhiều phụ nữ sẵn sàng chấp nhận chịu đựng một cuộc hôn nhân nhàm chán, thậm chí không tình yêu, chưa kể đến những chịu đựng thể xác và tinh thần nếu bị bạo hành chỉ vì hai chữ "ổn định". Nếu đã chấp nhận một sự ổn định như vậy, cớ sao than khổ?

Vậy nên, là phụ nữ hay đàn ông, kết hôn hay không kết hôn, HẠNH PHÚC vẫn phải do mình cầm nắm

Nhiều người nói rằng: "Đừng trao hạnh phúc của bạn vào tay kẻ khác"; nghĩa là bạn là người duy nhất định đoạt và nắm giữ được hạnh phúc của bản thân. Phụ nữ khổ thường là bởi họ không tự chủ được cuộc sống, được hạnh phúc của bản thân. Đàn bà Việt Nam thường tự chọn lối sống "tầm gửi", kết hôn đồng thời tự nguyện cho đi hạnh phúc cá nhân, mặc định cuộc đời mình do người chồng nắm giữ. Thế nên, đàn bà khổ là đúng.

Tự chủ được cuộc đời mình trước hết đã là một loại hạnh phúc rồi. Có ai hạnh phúc khi sống một cuộc đời ký sinh, hạnh phúc trao cả cho vật chủ - thứ nuôi mình ăn hằng ngày mà không có nó mình sẽ chết?

Tình yêu cũng vậy...

Ngạn ngữ quốc tế có câu: "If you cannot love yourself, how in the hell you gonne love somebody else?" (tạm dịch là: "Nếu bạn không yêu lấy chính bạn, thì làm sao bạn có thể yêu người khác?". Và sao bạn có thể đòi hỏi tình yêu từ người khác khi bạn không thể yêu lấy chính mình?

Tình yêu đôi lứa như sợi dây chun mà đôi bên đều phải nắm giữ. Nếu bạn kéo quá căng, dây sẽ dễ đứt. Nhưng nếu một người buông tay, người kia sẽ đau. Tình yêu và hạnh phúc đôi lứa đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai bên. Nếu mọi sự cố gắng chỉ đến từ một phía của bạn, dù bạn có nỗ lực bao nhiêu đi nữa cũng không giữ được người đã muốn ra đi.

Chỉ có duy nhất thứ tình yêu bạn dành cho chính mình là bạn có thể nắm toàn phần quyết định. Vậy sao không dành thời gian yêu bản thân mình trước khi dốc toàn tâm toàn lực yêu một người khác?

Phụ nữ xưa muốn định đoạt cuộc đời của bản thân nhưng bị hệ tư tưởng cũ trói buộc; còn trong xã hội hiện đại hóa thời nay, phụ nữ thông minh hoàn toàn quyết định được cuộc đời, tự chủ được hạnh phúc của bản thân, buông những thứ không xứng đáng để nắm giữ những thứ tốt đẹp thật sự dành cho họ.

Hạnh phúc có thể ở ngay bên cạnh bất cứ ai, nhưng không phải cũng đủ tinh ý để nhận ra. Nhưng hạnh phúc cũng không phải thứ muốn là có được. Đôi khi hạnh phúc là thứ buộc con người ta phải đánh đổi. Giá cao hay thấp phụ thuộc vào cách mỗi người mặc cả với cuộc đời.
 

* Phần trích đoạn đã được biên tập lại cho phù hợp với tiêu chí 


LEO
Theo Vietnamnet

>>> Nếu chị em đang bất hạnh, đừng bỏ qua bài viết này để thay đổi cuộc đời của mình

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/giai-tri/showbizplus/phat-sot-voi-quan-niem-moi-dan-ba-khong-nen-biet-nhieu-nhung-tien-nhat-dinh-phai-biet-kiem-n-110291.html

quan điểm về phụ nữ tư tưởng tam tòng tứ đức Ngoại tình hôn nhân Mạng xã hội Tình yêu

Tin tức mới nhất