“Đêm là khoảng thời gian khiến con người ta rơi vào trạng thái sâu lắng, và hay đi tìm hoài niệm”, ai đó đã từng nói thế. Nó bắt đầu ngẫm nghĩ và gật gù tán thưởng điều này.

Nó đến đây cũng đã lâu, một thành phố bận rộn và dường như không ngủ, công việc rồi học hành cũng cuốn nó theo vòng xoáy ấy. Nhiều lần trong cơn ngái ngủ, nó nghe tiếng xào xạc trong màn đêm tĩnh lặng, bất chợt nó lặng người đi và tỉnh ngủ.

Nó thường ví von với tụi bạn rằng: “Tiếng chổi của cô lao công đêm qua như cánh cửa đưa tao về tuổi thơ tụi bay ạ, chỉ cần nghe tiếng xào xạc ấy là tao hạnh phúc”, rồi bất giác nó cười, tụi bạn thì gào lên “Con này ngớ ngẩn”.

Nó là trẻ mồ côi. Năm lên bốn tuổi, bố mẹ nó qua đời bởi tai nạn, họ hàng nhìn nó thương xót, Nội nó nén tiếng thở dài, quệt vội dòng nước mắt ôm đứa cháu nhỏ vào lòng. Một nỗi đau, mất mát từ nhỏ, khiến nó trở nên mạnh mẽ, và có phần già hơn so với bạn cùng trang lứa.


Ngày ấy, nội nuôi nó từ thu nhập của việc quét dọn vệ sinh cho khu chợ trong xóm. Cứ chiều nào cũng vậy khi các cô bác ở chợ lục đục ra về, là công việc của nội bắt đầu. Người ta vẫn hay thường thấy bóng lưng còng xuống vì vất vả của cụ bà, và tiếng cười lanh lảnh của một con bé vang cả một góc khi chiều tà.

Tiếng chổi đêm nay làm nó thổn thức, tiếng xào xạc như gần như xa pha lẫn tạp âm, khi có khi không, nó lại thấy nụ cười của nội khi ẩn khi hiện theo từng tiếng va của chổi xuống lòng đường. Nó bất chợt cười, nhưng nước mắt chợt rơi. Nó buông tiếng thở dài, miệng lẩm bẩm: “Nội bỏ đi rồi còn đâu”.

Bóng cô lao công in dài trên mặt đường trong đêm tối tĩnh mịch, đâu đó trong đêm tối có con bé dõi theo, rồi bất chợt vui, một niềm vui mang tên nỗi nhớ. Cô ấy là nghệ sĩ, người sáng tác ra những nhịp điệu của đêm, khiến nó chợt thấy nắng sau những cơn bão của lòng người.

theo blog radio