Với những người tôn thờ chủ nghĩa độc thân cả đời, họ phải chấp nhận tình cảnh thất thu sau những lần gửi phong bì mừng đám cưới bạn bè, và cả nhiều sự kiện sau đó như sinh nhật con của các bạn.
Theo Korea Times, tại Hàn Quốc, nhiều cặp đôi cho hay bố mẹ chồng và cả họ đều có thói quen ghi chép lại số tiền mà khách đã gửi tặng trong những dịp đặc biệt như đám cưới hay đám tang.
Sau này khi phải dự những sự kiện tương tự như vậy, điều đầu tiên họ làm là xem lại sổ sách để biết được khách từng mừng bao nhiêu và nay đi “trả nợ”.
Tiền mừng trở thành món quà cưới truyền thống tại Hàn Quốc. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, nếu một người đi mừng lại số tiền cao hơn so với khoản tiền được nhận trước đây, chuyện này là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu không muốn bẽ mặt, tốt hơn hết là không nên “trả nợ” bằng số tiền thấp hơn khoản đã nhận.
Tiền mừng đám cưới hay các dịp quan trọng khác ở Hàn Quốc được xem là vấn đề khá phức tạp. Tiêu chí đầu tiên để quyết định số tiền bỏ vào phong bì là mối quan hệ giữa người mời và người được mời, cũng như sự kiện đó đặc biệt tới mức nào.
Trên mạng xã hội, nhiều câu hỏi thẳng thắn được những người giấu tên đặt ra như “Tôi nên chi bao nhiêu và tôi có nên tính tới vấn đề lạm phát khi cho tiền vào phong bì hay không?, hay “Tôi có nên tới dự đám cưới hay không, bởi nếu không đi, tôi có thể để phong bì ít tiền hơn? Phương án nào là tốt hơn?”.
Một câu hỏi nhận được sự quan tâm nhiều nhất chính là “Khách mời sẽ tặng phong bì bao nhiêu trong lễ cưới của bạn?”. Câu trả lời thường tập trung vào tiêu chí “Sự kiện được tổ chức ở đâu?”.
Nếu như lễ cưới diễn ra ở một khách sạn sang trọng, khách khứa sẽ cân nhắc chuyện có nên để thêm tiền vào phong bì mừng hay không, do thực đơn ở những nơi này có giá đắt đỏ.
Một yếu tố khác là chi phí dành cho đi lại. Nếu như đám cưới được tổ chức ở một nơi cách xa vị trí của khách mời và họ phải dùng máy bay để di chuyển, người được mời có xu hướng cân nhắc giảm bớt tiền để trong phong bì để bù cho khoản chi phí đi lại.
Toàn bộ những vấn đề nêu trên biến tiền mừng đám cưới hay mừng những sự kiện quan trọng khác ở Hàn Quốc trở thành một dạng bảo hiểm thay vì đơn thuần là chúc mừng hay tặng quà.
Nhưng một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, vai trò bảo hiểm của khoản tiền mừng đang mất dần do quan niệm của cộng đồng và văn hóa cưới đang thay đổi.
Theo đó, ngày càng nhiều người quyết định sống cuộc đời độc thân và mối liên kết của họ với cộng đồng cũng lỏng lẻo hơn. Điều này dẫn tới suy nghĩ “Liệu tôi có thể thu hồi vốn?” trong nhóm độc thân.
Cuộc khảo sát gần đây do công ty mai mối Duo thực hiện trên 300 người độc thân ở Hàn Quốc cho thấy, 66% nữ giới và 48% nam giới cho biết họ cảm thấy “gánh nặng” khi nhận được thiệp mời đám cưới. Khi được hỏi tại sao, đầu tiên họ nói về mối quan hệ chưa tới mức thân thiết để được nhận thiệp mời, và số còn lại nói về sức ép tài chính.
Về sức ép tài chính, theo Korea JoongAng Daily, sau dịch bệnh Covid-19, nhiều người Hàn Quốc đang ở trong trạng thái kiệt quệ kinh tế, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu để chi trả mức sinh hoạt phí bị tác động từ lạm phát gia tăng.
Do đó, khi được mời đám cưới, không ít người thân hay bạn bè của cô dâu chú rể lại đau đầu về vấn đề tiền mừng. Bởi theo truyền thống Hàn Quốc, tiền mừng được xem là lời chúc phúc gửi tới cặp đôi trẻ.
Để đối phó với khó khăn này, gần đây, nhiều người quyết định không tới dự đám cưới trực tiếp mà thay vào đó chuyển khoản cho cô dâu chú rể để bớt được một phần tiền mừng.
Theo Infonet