Bị lừa hơn 4,5 triệu đồng đặt tour tham quan 

Ngày 13/5, nhóm 5 thành viên của Thảo Dương (Hà Nội) tới du lịch đảo Cô Tô (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). 9h sáng hôm sau, Dương lên các hội nhóm tìm hiểu tour tham quan ba đảo. Một đối tượng với tài khoản Facebook cá nhân tên TrMy đã liên hệ với cô để giới thiệu dịch vụ.

Theo đó, TrMy cho biết tour tham quan kéo dài 4 tiếng, giá vé 500.000 - 855.000 đồng/người, tùy phương tiện là tàu gỗ hay cano. Đối tượng còn giới thiệu thêm các dịch vụ khác như: mô tô nước, thuyền chuối, chụp ảnh trên SUP bằng flycam, thuê kayak...

Người này yêu cầu thanh toán 100% nếu đặt tour, không hỗ trợ hủy hay đổi trả.

Nhóm khách Hà Nội bị lừa mua tour ảo mất 4,5 triệu khi du lịch Cô Tô-1
Đối tượng tiếp cận, chào mời khách du lịch mua tour tham quan rồi lừa đảo, chiếm đoạt tiền (Ảnh: NVCC).

Vì đặt gấp, Thảo Dương nói chưa kịp xác minh uy tín của đối tượng. "Bạn ấy vẫn gọi điện tư vấn nhiệt tình, mức giá bằng với các bên khác, nên chúng tôi mất cảnh giác", Dương cho hay.

Nhóm đã nhanh chóng chuyển khoản cho TrMy 4.465.000 đồng của 5 vé tham quan ba đảo, bao gồm chèo SUP và kayak. 

15 phút sau khi Dương chuyển khoản, đối tượng tiếp tục hỏi thăm nhóm đã nhận được thông báo xác nhận đặt vé qua email chưa. Tuy nhiên, một tiếng sau, cô vẫn chưa nhận được email, liên hệ lại với TrMy thì tài khoản hiển thị "đã bị chặn".

"Sau khi phát hiện bị lừa, tôi quyết định chia sẻ sự việc lên mạng xã hội để cảnh báo du khách", Dương nói.

Không riêng Thảo Dương, trên các hội nhóm du lịch Cô Tô, nhiều du khách cho hay cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều tài khoản mạng xã hội lừa đảo bán tour giá rẻ, sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc. 

Nhóm khách Hà Nội bị lừa mua tour ảo mất 4,5 triệu khi du lịch Cô Tô-2
Thảo Dương và nhóm bạn đã có một trải nghiệm không hoàn hảo tại Cô Tô (Ảnh: NVCC).

Đảo Cô Tô cảnh báo du khách

Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô cho biết, chiều 14/5 đường dây nóng du lịch của huyện nhận được phản ánh của một số du khách về việc bị lừa đảo đặt vé tour, combo du lịch, giá trị cao nhất là hơn 4,5 triệu đồng.

Theo ông Linh, hiện tượng này đã xuất hiện từ những năm trước, số tiền lừa đảo lên đến 20 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, cơ quan chức năng xác định thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Họ thường tự xưng là nhân viên hoặc cộng tác viên của các công ty du lịch, đơn vị lữ hành hoặc khách sạn, rồi trà trộn vào các hội nhóm du lịch.

Sau khi tư vấn và nhận được tiền qua hình thức chuyển khoản, họ lập tức chặn cuộc gọi và các liên hệ của du khách. 

"Nhận thấy nhu cầu du lịch Cô Tô tăng cao, đánh vào tâm lý không đặt sớm sẽ hết dịch vụ, các đối tượng đã lừa đảo du khách với thủ đoạn tinh vi, không để lại bất cứ thông tin nào", ông Linh nói.

Nhóm khách Hà Nội bị lừa mua tour ảo mất 4,5 triệu khi du lịch Cô Tô-3
Đảo Cô Tô được mệnh danh là viên ngọc xanh giữa biển trời Đông Bắc.

Chính quyền huyện Cô Tô cảnh báo người dân và du khách đặt dịch vụ thông qua các công ty du lịch có uy tín, yêu cầu cung cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành, xác nhận ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa và một số giấy tờ chứng thực có giá trị pháp lý khác.

Du khách không nên đặt dịch vụ qua trung gian, các trang mạng xã hội không uy tín để tránh rủi ro và tránh bị mua cao hơn so với giá niêm yết. Cơ quan chức năng, Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ không giải quyết các trường hợp rủi ro xảy ra khi du khách đặt các dịch vụ qua trung gian (combo du lịch tự phát).

Để tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, du khách cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua dịch vụ như: biên lai thanh toán, email, tin nhắn...

Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp dịch vụ làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết, quy định rõ trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Nếu có dấu hiệu bất thường, du khách cần sớm trình báo với cơ quan công an tỉnh Quảng Ninh và huyện Cô Tô để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Huyện Cô Tô cũng đề nghị du khách nên đặt dịch vụ trực tiếp với các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch tại huyện bao gồm tàu vận tải, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, đặt qua số điện thoại cung cấp trên các website, mạng xã hội của cơ sở hoặc số điện thoại của chủ cơ sở do Phòng Văn hóa Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô hoặc Hội Du lịch Cô Tô cung cấp.

Đồng thời, du khách yêu cầu các chủ cơ sở cung cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ pháp lý được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, huyện Cô Tô cũng thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch tại số điện thoại 0365.871.479 để tiếp nhận phản ánh và thông tin các địa điểm du lịch của huyện.

Theo Dân Trí