Rất nhiều người thích ăn thịt bò. Một phần vì thịt bò ngon, dễ ăn, dễ chế biến, mặt khác đây là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là thành phần sắt rất có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198 - thì chúng ta không nên ăn thịt bò vào buổi tối bởi lượng sắt dồi dào có trong thịt bò sẽ đi vào cơ thể và “ép” gan hoạt động nhiều, trong khi gan lúc này đang có nhu cầu nghỉ ngơi.
Điều này sẽ gây nhiễu đồng hồ sinh học của gan dẫn đến hậu quả lượng đường trong máu tăng bất thường. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, cơ thể sẽ phải đứng trước nguy cơ bị đái tháo đường và nhiều loại bệnh mãn tính khác.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - thì cho rằng thịt bò rất nhiều dinh dưỡng, nhiều đạm. Song, loại thịt này được xếp vào nhóm thịt đỏ và không nên ăn nhiều. Trên thế giới đều khuyến cáo cần hạn chế thịt đỏ.
Giải thích kỹ hơn về điều này, bác sĩ Tường Vi cho hay: “Không phải thịt đỏ có hại với tất cả mọi người. Chúng chỉ thật không tốt đối với một số bệnh rối loạn về chuyển hóa hay còn gọi là hội chứng chuyển hóa trong đó bao gồm đái tháo đường, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, gout.
Cách phân biệt thịt bò với thịt trâu
- Thịt bò có màu đỏ hồng, thịt trâu có màu đỏ đậm.
- Mỡ bò màu vàng nhạt, mỡ trâu màu trắng.
- Thịt bò có thớ thịt mịn, mềm, thịt trâu có thớ thịt thô, hơi cứng.
Cách làm mềm thịt bò
- Có thể dùng nước cốt trái thơm ướp với thịt bò (tỉ lệ 1kg thịt bò dùng 2 muỗng nhỏ nước cốt thơm pha với 5 muỗng nước), ướp khoảng 1 giờ trước khi nấu nếu thịt cắt dày hay cắt khối to, ướp 15 phút nếu cắt mỏng. Trong trường hợp nấu lâu có thể cho một ít lõi thơm vào nồi hầm, thịt bò cũng mau mềm.
- Dùng lá đu đủ vò giập gói thịt bò trước khi chế biến.
- Dùng bột baking soda để ướp thịt bò ( 1kg thịt cho 1 muỗng nhỏ pha với 5 muỗng nước), trộn thật đều và đảo nhiều lần.
GiadinhNet mời bạn tham khảo 3 món ngon chế biến từ thịt bò dưới sự hướng dẫn của đầu bếp nổi tiếng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân:
1. Bắp bò luộc ngũ vị
Nguyên liệu
- 500 g bắp bò
- Nước mắm, xì dầu, đường
- Đại hồi, tiểu hồi, thảo quả, đinh hương, quế
Cách làm
- Thịt bò bắp lọc bỏ phần bạc nhạc bám ở bên ngoài
- Đinh hương, thảo quả, quế, đại hồi, tiểu hồi rang thơm gói vào một miếng vải
- Cho gói ngũ vị vào nồi nước, nêm nước mắm, xì dầu, đường hơi đậm, nấu sôi khoảng 15 phút cho ra chất thơm. Cho bắp bò vào luộc trên lửa nhỏ cho đến khi mềm, vớt bò ra để nguội, cho vào tủ lạnh khi nào dùng cắt lát mỏng.
- Nước luộc có thể giữ lại, cho vào ngăn đá, khi ăn thì lấy ra đun sôi, cho bắp bò mới vào luộc, làm như thế nước rất ngon và miếng thịt bò mới cũng đậm đà.
2. Bò nướng lá lốt
Nguyên liệu:
- 200g thịt bò mềm
- 100g thịt heo nạc dăm
- Sả băm, tỏi băm, hành phi
- Nước mắm, xì dầu, dầu hào, dầu ăn, đường, tiêu
- Lá lốt
Cách làm:
- Lá lốt rửa sạch, vẩy ráo
- Thịt bò, thịt nạc dăm băm nhỏ (nếu thích chắc và không rời thì xay nhỏ nhưng không ngon bằng, cũng có thể để nguyên miếng nhưng dễ bị dai).
- Trộn thịt bò, thịt heo với hành phi, tỏi, sả băm nhỏ, nêm nước mắm, xì dầu, dầu hào, dầu ăn, đường tiêu.
- Trải lá lốt ra khay, cho thịt lên lá, gấp hai bên lá vào và cuộn lại, xiên vào que đem nướng, thỉnh thoảng phết một ít dầu lên lá cho bóng và không bị cháy lá. Khi thịt có mùi thơm lá chín.
Nước chấm
- 1/4 trái thơm chín, tỏi, sả băm, ớt xay
- Mắm nêm, đường
3. Sườn bò hầm ngũ vị
Nguyên liệu
- 500 g sườn bò
- Đại hồi, tiểu hồi
- Đinh hương, thảo quả, xuyên tiêu
- Xì dầu, muối, đường, rượu thơm, gừng, tỏi
Cách làm
- Sườn bò chặt làm 6 miếng, ướp sườn với xì dầu, muối, đường, rượu thơm và nước cốt gừng khoảng 5 giờ cho thấm gia vị.
- Đại hồi, tiểu hồi, đinh hương, thảo quả, xuyên tiêu rang thơm cho vào một miếng vải, gói lại. Thả vào nồi nước sôi, nêm xì dầu, muối, đường, rượu thơm.
- Xào sườn bò cho săn lại, cho sườn vào nồi nước ngũ vị trên, nấu sôi, hớt bọt, giảm nhỏ lửa, nấu cho đến khi bò mềm. Nếu dùng nước, cho một chút bột năng vào để nước hơi sánh. Múc ra tô.
- Nếu không dùng nước, múc sườn ra đĩa. Dùng nóng với cơm.
Theo GĐ&XH