Victor Hugo (1802 - 1885), đại văn hào Pháp theo chủ nghĩa lãng mạn, là một trong những nhà văn có đóng góp quan trọng cho nền văn học của quốc gia này. Không chỉ tạo dấu ấn với văn thơ, Hugo còn có cống hiến lớn lao trong lĩnh vực sân khấu.
Ông viết nhiều về tình yêu, số phận của con người, tiêu biểu là hai tác phẩm Les Misérables (tạm dịch là Những người khốn khổ) và Notre-Dame de Paris (tạm dịch là Nhà thờ Đức Bà Paris).
Tiểu thuyết Những người khốn khổ khắc họa bức tranh chân thực và sống động về nước Pháp trong 20 năm đầu thế kỷ 19. Tác phẩm không chỉ đề cập tới hai mặt tốt - xấu của xã hội, luật pháp bấy giờ mà còn cho độc giả thấy rõ những công trình kiến trúc, lịch sử và tín ngưỡng của Pháp.
Victor Hugo đã từng khẳng định với người biên tập cuốn tiểu thuyết của mình rằng: "Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút của mình". (theo Wikipedia)
Cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris ra đời dựa trên nền tảng Hugo muốn viết về công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo nhất nước Pháp. Sau nhiều lần tới đây, tìm hiểu kiến trúc, ông quyết định đặt bút làm nên kiệt tác để đời này.
Tác phẩm nói về mối tình được ví như Người đẹp và Quái thú phiên bản bi ai của thằng gù Quasimodo - kẻ đánh chuông trong nhà thờ dành cho nàng Esméralda xinh đẹp. Nhưng vượt lên trên mối tình thống khổ đó là tính nhân văn mà tiểu thuyết này mang lại: Tình yêu ẩn giấu bên trong lớp vỏ xấu xí.
Sinh thời, Victor Hugo cũng để lại cho đời nhiều câu nói thấm thía về cuộc sống và tình yêu. Những câu nói này không chỉ được nhà văn nói ra, mà còn được ông gửi gắm qua các tác phẩm kinh điển của mình.
LEO
Theo Vietnamnet