Ván bài lật ngửa: Sự nghiệp diễn xuất của nghệ sĩ Chánh Tín có rất nhiều phim, song để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất có lẽ vẫn là Ván bài lật ngửa. Trong phim, ông vào vai Nguyễn Thành Luân, được lấy nguyên mẫu từ Đại tá Phạm Ngọc Thảo ngoài đời thực. Theo lịch sử, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo hoạt động đơn tuyến, không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ. Rất lâu sau ngày thống nhất đất nước, thân phận của ông mới được công khai.
Biệt động Sài Gòn: Nói đến những bộ phim về đề tài chiến tranh, không thể không nhắc đến Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân, được phát hành vào năm 1986. Phim lập kỷ lục về số lượng người xem, gây sốt dư luận, được khán giả yêu thích. Cố diễn viên Quang Thái ghi dấu ấn với vai chiến sĩ tình báo Tư Chung. Hình ảnh nhân vật Tư Chung có một số phần được xây dựng từ nguyên mẫu nhân vật Tư Chu - Nguyễn Đức Hùng. Ông là nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Khi đảm nhận vai Tư Chung, Quang Thái đã ở tuổi U50, song nam diễn viên vẫn được khen có gương mặt lãng tử, chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả. Bên cạnh đó, Biệt động Sài Gòn còn có sự tham gia của nghệ sĩ Thương Tín, Hà Xuyên, Thanh Loan, Bùi Cường, Hai Nhất...
Người đẹp Tây Đô: Bộ phim truyền hình dài 15 tập Người đẹp Tây Đô ra đời năm 1996, được xây dựng dựa trên hồi ký của nhân vật thật, do Lê Cung Bắc đạo diễn. Phim ghi dấu trong lòng khán giả với diễn xuất ăn ý của Lê Công Tuấn Anh - Việt Trinh. Vai chính Bạch Cúc được lấy cảm hứng từ chiến sĩ điệp báo Lâm Thị Phấn, người hoạt động trong lòng địch tại Cần Thơ thời cuối những năm 1950.
Đến nay, sau hàng chục năm, nhiều người vẫn gọi Việt Trinh là "người đẹp Tây đô" nhờ vai diễn thành công. Trong lần xuất hiện mới đây trên truyền hình, Việt Trinh chia sẻ khi quay phim này, cô đã là người nổi tiếng, bị mang tiếng mắc bệnh ngôi sao. Vì thế, cô phải ký giấy cam kết với đoàn đi quay đúng giờ.
Vị tướng tình báo và hai bà vợ: Phim Vị tướng tình báo và hai bà vợ của đạo diễn Bùi Cường được phóng tác theo tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ của nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết. Nội dung dựa trên câu chuyện có thật về vị anh hùng tình báo huyền thoại, Thiếu tướng Đặng Trần Đức, tức Ba Quốc. Để thực hiện nhiệm vụ, ông dù đã có gia đình riêng vẫn phải sống dưới thân phận một người khác và cưới hai vợ.
Phim có những phân cảnh xúc động, lấy nước mắt khán giả. Diễn xuất chân thực của hai nhân vật chính, Xuân Trường (vai Hai Lâm) và Hoàng Xuân (vai Maria Nhung), nhận được nhiều lời khen ngợi.
Ông cố vấn: Ông cố vấn được sản xuất và phát sóng vào giữa thập niên 1990. Đây là bộ phim truyền hình nhiều tập do Hãng phim Hội Nhà văn dàn dựng, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên của nhà văn Hữu Mai. Diễn viên Vũ Đình Thân vào vai Hai Long - nguyên mẫu là Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, nhân vật chủ chốt trong vụ án cụm tình báo A.22 làm rung động chính trường Sài Gòn vào cuối năm 1969.
Đây cũng là phim ghi dấu ấn của nghệ sĩ Minh Hòa với vai Trần Lệ Xuân. Nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả, tuy nhiên, bộ phim chỉ làm được đến 10 tập vì thiếu kinh phí. Đến nay, nhiều người vẫn gọi NSND Minh Hòa là "bà cố vấn".
Theo Zing