Việc thiết kế nhà như của gia đình nạn nhân xấu số không phải hiếm ở Việt Nam. Điều này rất nguy hiểm khi xảy ra cháy, đặc biệt nếu ngọn lửa bắt đầu ở khu vực tầng 1, nguy cơ bị nhốt bên trong là rất lớn khi lối ra duy nhất bị bít kín.
Song sắt vô tình làm bịt kín lối thoát hiểm khi gia đình có hỏa hoạn
Ngôi nhà 4 tầng xây dựng “chuồng cọp” bịt kín các ban công, khiến 3 nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy không thể thoát ra ngoài. Vụ cháy nhà 4 tầng khiến 2 người tử vong ở ngõ 41 phố Vọng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khi đám cháy bùng phát vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 19/7, có 4 người bên trong ngôi nhà nhưng chỉ có một người thoát ra được bên ngoài theo lối cửa chính.
Khi tới hiện trường, Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 1 đã triển khai các biện pháp cứu nạn và dập lửa. Cảnh sát đã tiếp cận tầng 3, cắt lồng sắt phía ban công cứu nạn nhân Lê Thanh Ngân (17 tuổi) an toàn.
Cháy sáng nay ở phố Vọng, Hà Nội
Ngôi nhà bị cháy có diện tích khoảng 60 m2, xây 4 tầng. Các tầng 2, 3, 4 hàn "chuồng cọp" bịt kín phía ngoài ban công. Các "chuồng cọp" được hàn bằng sắt kiên cố, bịt hoàn toàn các lối thoát hiểm phía ban công, 3 nạn nhân bị mắc kẹt bên trong không thể thoát ra ngoài, công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
2 nạn nhân là bà Bùi Thị Thủy (49 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Ngọc (81 tuổi, mẹ bà Thủy) bị mắc kẹt tại tầng 3, ngạt khói tử vong. Trước đó, theo một số người dân trong ngõ 41, khi nghe tiếng kêu cứu phát ra từ ngôi nhà bị cháy, người dân đã tiếp cận dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa nhưng bất thành Hai ngôi nhà cao tầng ở hai bên đều không thể tiếp cận để ứng cứu do có lồng sắt bảo vệ kiên cố.
Cách đây 6 ngày, một vụ cháy lớn lớn ở Hà Nội khiến 4 người thân trong cùng gia đình tử vong tại ngôi nhà 4 tầng trong ngõ 205/53, đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Họ cũng chết do nhà không có lối thoát hiểm.
Là một trong những người phát hiện sự việc và tham gia vào quá trình chữa cháy, anh Hùng (một người dân sinh sống trong ngõ 53, gần với hiện trường xảy ra sự việc) cho biết, vào khoảng 2h30 sáng ngày 13/7, anh đang ngủ thì nhận được điện thoại của người thân thông báo nhà hàng xóm đang cháy dữ dội.
Khi nhận được tin báo, anh Hùng liền xuống dưới nhà để kiểm tra thì nghe thấy tiếng kêu cứu phát ra từ số nhà 37, ngách 53. Lúc phát hiện đám cháy, anh còn nghe thấy rõ tiếng người đàn ông chủ nhà kêu: "Cứu tôi với, cháy nhà rồi".
Khi chạy sang đến nhà 37 thì cũng có một số hàng xóm khác đến cùng thì phát hiện lửa và khói bốc lên dữ dội ở tầng 1. Ông Tuấn, một người dân cho biết, do chỉ có một cửa độc đạo nên người dân mãi mới phá được cửa ra. Ngoài ra trong nhà không còn lối thoát nào khác nên khi xảy ra người dân cố cứu nhưng bất thành.
Trước đó, ở Hải Phòng xảy ra vụ cháy trong căn nhà rộng 40m2. Căn nhà xây một tầng, bên trong có một gác xếp bằng gỗ kéo dài ra đến cửa chính.Điều đáng nói, ngôi nhà của các nạn nhân được bịt kín bởi nhiều khung sắt, trông như một chuồng cọp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Để phá được những khung sắt này, chủ nhà cần có sức khỏe tốt, bình tĩnh, có dụng cụ và thời gian nhất định. Tuy nhiêu, trong vụ hỏa hoạn vừa qua, các nạn nhân không đủ điều kiện để phá được cái “lồng” bao quanh mình.
Tình trạng làm "chuồng cọp" tràn lan ở các khu tập thể, chung cư khiên khi xảy ra hỏa hoạn không có đường thoát. (Vụ cháy ở khu Nam Đồng vào năm 2013)
Vụ hỏa hoạn trong khu nhà D11 - tập thể Nam Đồng (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) vào năm 2013 cũng gây ám ảnh đối với nhiều người. Cháy lớn sau đó lửa bén lên nhiều căn hộ khác ở tầng 4, 5 và khiến nhiều căn hộ khác cũng bị ảnh hưởng.
Do cửa các căn hộ xảy ra cháy khóa trái, mặt ngoài khu nhà vướng đầy “chuồng cọp” nên công tác cứu chữa rất khó khăn. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt, do không có mặt bằng để triển khai phương tiện phá dỡ, buộc họ phải thay nhau quai búa phá khóa, phá “chuồng cọp” vất vả cứu người.
Trao đổi với PV, đại diện Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà cho biết, mặc dù biết những “lồng sắt” ảnh hưởng đến công tác PCCC nhưng khó có thể yêu cầu các hộ dân bỏ rào sắt quanh ban công. Các hộ tầng thấp lý do rằng làm rào sắt để chống trộm, những hộ tầng cao thì làm để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.
Theo Đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, xu hướng “phòng trộm mà quên phòng cháy” diễn ra ở nhiều khu tập thể, thậm chí chung cư mới. Do gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công nên khi cháy lớn xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn.
Chưa kể mất thời gian để cắt “chuồng cọp”, cắt khóa cửa nên tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân gặp nhiều khó khăn và gây hậu quả sẽ nặng nề hơn.
Nguyễn Linh
Theo Vietnamnet