Chuyện của Thu…
Lồm cồm bò dậy lúc 5h sáng, nhiệt độ ngoài trời là 3 độ, Thu tự chuẩn bị sẵn một chút bánh mỳ kẹp với bơ và đường bỏ vào hộp, rót đầy một chai nước để trưa có thứ mà bỏ vào bụng.
6h sáng, Thu lao vun vút trên chiếc xe đạp mua được từ một cửa hàng chuyên bán đồ cũ ở Nhật với giá 1 triệu đồng, ra ga tàu để lên trung tâm làm thêm. Đạp xe trong cái rét cắt da cắt thịt, dù đã che chắn rất kỹ càng, Thu vẫn cảm thấy như bản thân sắp ngã quỵ vì lạnh.
Công việc làm thêm của Thu là đóng gói rau trong một siêu thị khá lớn ở khu trung tâm thành phố. Ngày làm 5 tiếng, thi thoảng lại phải tăng ca. Xong việc làm thêm, lùa vội chiếc bánh mỳ vào bụng, Thu lại chạy vội ra ga lên tàu về trường đi học.
Trước khi sang Nhật, cô học sinh cấp 3 này không hiểu vì lý do gì mà người Nhật lại gặp nhiều stress trong cuộc sống đến thế. Ở Việt Nam, cứ buồn là Thu gọi cho đám bạn đi cà phê, xem phim, lượn phố shopping. Học hành vất vả nhưng cuộc sống bao giờ cũng có sự cân bằng.
Sang tới đây, stress kéo tới dồn dập. Stress vì công việc làm thêm một phần thì stress vì học gấp 10 lần. Học ở Nhật không có chuyện cưỡi ngựa xem hoa. Thi thoảng ngồi trên giảng đường, nghe giáo viên nói 10 câu mà chỉ hiểu được một câu là chuyện bình thường.
Nhiều du học sinh Việt Nam làm thêm trong các siêu thị Nhật. (Ảnh minh họa)
Tan học, Thu tạt qua các cửa hàng tiện lợi hay căng tin ăn tạm cái gì đó, hôm thì sandwich, hôm thì cơm hộp. Về tới nhà đã mệt nhoài, chả còn hơi sức đâu mà lướt Facebook với xem một bộ phim online bằng tiếng Nhật (mục đích là học thêm tiếng Nhật) như tưởng tượng của Thu thời còn ở Việt Nam.
Thu tâm sự, không ít lần cô đã ngủ gật trên ghế chờ tàu vì quá mệt. Giật mình tỉnh giấc khi đã 1h sáng, tàu ngừng chạy, Thu chỉ còn biết rơi nước mắt vì sáng mai lại phải đi làm và bản thân chắc chắn sẽ không có một giấc ngủ tử tế để "sạc lại pin".
Ngắm nhìn Facebook và Instagram của Thu, chúng bạn ở nhà trầm trồ vì thi thoảng cô lại check-in giữa một rừng lá vàng, lá đỏ, hoặc selfie trong một tiệm sushi nổi tiếng. Rồi Thu lại lặng lẽ đi bấm like từng comment thể hiện sự ngưỡng mộ, trầm trồ, ghen tị của chúng bạn. Có ai biết thực tế phũ phàng thế nào.
Ngủ gật trên tàu điện ngầm là điều thường gặp với du học sinh. (Ảnh minh hoạ)
Giờ thì Thu đã hiểu tại sao người Nhật stress như thế. Thu cũng có thể hình dung được tại sao người ta có thể quỵ ngã vì công việc và áp lực. Thu cũng muốn ngã quỵ, nhưng nghĩ tới bố mẹ ở nhà, nghĩ tới mục đích sang Nhật, cô lại cắn răng chịu đựng.
… tới những thực tế phũ phàng ở Nhật
Thu không đơn độc. Có rất nhiều du học sinh, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật cũng đều gặp phải những cú sốc nặng thời mới chập chững sang tới đất nước mà họ nghĩ rằng là thiên đường.
Nam kể rằng, lần đầu tiên mang chiếc xe đạp bị nổ săm đi vá và rồi phải thanh toán tận… 900.000 đồng, anh đã sốc đến nhường nào. Kể từ đó, Nam giữ chiếc xe đạp như báu vật. Vì nhỡ nó hỏng cái gì thì tiền sửa thậm chí có thể ngang ngửa giá mua lại một chiếc xe đạp cũ.
Linh học thạc sĩ tại Nhật. Thời còn là sinh viên ở Việt Nam, cô đã quá quen với cảnh sống xa nhà, phải tự nấu nướng cho bản thân. Sang tới Nhật, Linh nghĩ rằng chuyện 3 bữa ăn/ngày là quá đơn giản.
Thế nhưng mỗi lần từ siêu thị bước ra, Linh đều không dám tin số tiền mình vừa chi ra chỉ để mua thức ăn. Ngoại trừ một số loại cá (ăn khá chán) thì đa phần thịt và rau ở Nhật đều từ đắt đến… rất đắt.
Ăn no là được, đủ chất hay không, không quan trọng. (Ảnh minh hoạ)
Tới cuối tháng, tiền điện, tiền ga và tiền nước lại đưa Linh tới những cú sốc mới. Tìm hiểu mãi mới vỡ ra: Ở Nhật có 2 loại ga. Loại 1 là dùng bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu, loại 2 là cứ tự động tính tiền kể cả không dùng.
Vì giá cả mọi thứ quá đắt đỏ, Linh dần chán ngán việc nấu nướng cho bản thân và chuyển dần các bữa ăn sang đồ ăn liền hoặc cơm sinh viên. Miễn sao là no bụng, chuyện đủ chất này, thiếu chất khác không còn quan trọng.
Phong đẹp trai, hát hay, thời ở Việt Nam là hot boy học đường, con gái theo rất nhiều. Sang tới Nhật, Phong nghĩ rằng bản thân dư sức tiếp tục duy trì vẻ hot boy của mình.
Lần đầu tiên Phong tới một tiệm cắt tóc Nhật cậu đã bị 2 cú sốc hạ gục. Thứ nhất là giá cắt tóc ở Nhật quá cao, lên tới hàng triệu tiền Việt nếu có thêm gội đầu, vuốt sáp. Thứ hai là phong cách cắt của đa số thợ Nhật không hợp với gu của người Việt.
Mái tóc undercut side part được chăm sóc cầu kỳ của Phong bị cắt không như ý muốn của cậu ngay trong lần đầu tiên, với một cái giá điên rồ lên tới gần 1,5 triệu đồng.
Ở Việt Nam, Phong lúc nào cũng có bạn bè quây quần, xôm tụ. Sang tới Nhật, Phong vỡ mộng khi nhận ra làm quen với người địa phương không hề dễ dàng.
Những mối quan hệ xã giao, những cái gật đầu tưởng như rất thân thiện nhưng chứa rất ít tình cảm trong đó khiến Phong cảm thấy chán nản việc phải đi kết thêm bạn bè.
Giấc mơ được trải nghiệm văn hóa Nhật cùng người bản địa của Phong và rất nhiều du học sinh khác chỉ thi thoảng được toại nguyện nhờ nhà trường tổ chức các buổi homestay theo chương trình. Tuy nhiên, homestay kiểu này đa phần khá nhạt nhẽo và thiếu tự nhiên.
Dần dần, cậu hot boy ngày nào trở nên khép kín, cô đơn và cũng chẳng còn nhu cầu chăm sóc quá nhiều cho chuyện tóc tai, quần áo nữa.
Kết
Trên đây là những câu chuyện hoàn toàn có thật xảy ra với du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Tất nhiên, không có gì là tuyệt đối. Vẫn có rất nhiều du học sinh thật sự hòa nhập được với nhịp sống của người Nhật và trong mắt họ, đất nước này vẫn là thiên đường.
Tuy nhiên, để được nhìn thấy khía cạnh thiên đường của nước Nhật, bất kỳ ai, dù kinh nghiệm hay chuẩn bị sẵn sàng thế nào, cũng sẽ phải trải qua một giai đoạn rất dài làm quen với những cú sốc tâm lý.
Tích cực mà nghĩ thì nước Nhật giống như một cỗ máy sàng lọc, giúp chúng ta trở nên hoàn thiện hơn gấp bội.
Theo Thế Giới Trẻ