Nhứng đứa trẻ tự tử vì áp lực học tập, không ai nghe thấy lời cầu cứu

Có nhiều nam, nữ sinh vì áp lực học tập, thi cử, kỳ vọng của bố mẹ,... đã tìm đến cái chết để giải tỏa cho bản thân.

Khi trẻ cảm thấy không thể tâm sự được với ai, không ai hiểu mình, các em đã tìm đến "giải pháp" dại dột cuối cùng, tự giải thoát cho bản thân khỏi những ràng buộc. 

Bé trai lớp 6 nhảy chung cư tự tử vì làm bài thi không tốt

Theo Thanh Niên đưa tin, vào khoảng 22h ngày 16/12, người dân sống tại chung cư Goldmark City ở 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) phát hiện 1 bé trai nằm yên bất động dưới đất nên đã trình báo ban quản trị tòa nhà và cơ quan chức năng.

Phát hiện sự việc, người thân gọi xe cấp cứu, tuy nhiên cháu D. đã tử vong trước khi xe đến.

Nhứng đứa trẻ tự tử vì áp lực học tập, không ai nghe thấy lời cầu cứu-1
Tòa S4, chung cư Goldmark City 136 Hồ Tùng Mậu

Một số nhân chứng cho biết nạn nhân là bé trai T.T.D. (12 tuổi), đang là học sinh lớp 6, sinh sống ở tầng 22 cùng gia đình tại toà S4.

Gia đình nạn nhân cho biết, D. đang học lớp 6. Do áp lực về việc học tập, tối 16/12 làm bài thi không tốt nên D. đã nhảy từ tầng 22 xuống. Thời điểm xảy ra sự việc, cháu D. ở nhà với mẹ.

Tại hiện trường, người phụ nữ được cho là mẹ cháu bé đứng không vững, khóc lóc thảm thiết. 

Công an Q.Bắc Từ Liêm đang phối hợp với các bên liên quan điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.

Nghi án nam sinh áp lực thi cử, sát hại mẹ rồi tự tử 

Vào ngày 10/7, một vụ án rúng động dư luận đã xảy ra tại một căn nhà thuộc H. Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nạn nhân được xác định là chị L.T.T (49 tuổi, ngụ xã Nghĩa Thành, H. Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) và con trai là H.V.H (18 tuổi).

Nhứng đứa trẻ tự tử vì áp lực học tập, không ai nghe thấy lời cầu cứu-2
Hiện trường vụ án mạng

Ghi nhận của Doanh nghiệp & Tiếp thị, vào khoảng 8h sáng cùng ngày, con thứ 2 của chị T. phát hiện mẹ nằm gục dưới vũng máu ở khu vực bếp. Tiếp đó, cháu trai này vào phòng ngủ thì phát hiện anh ruột cũng đã tử vong, cổ có vết cắt. Cháu bé đã nhanh chóng hô hoán người dân đến ứng cứu.

Theo một số người dân gần nhà nạn nhân cho biết, trước khi xảy ra sự việc, giữa 2 mẹ con đã có xảy ra cự cãi, to tiếng, có thể là do áp lực học tập, thi cử, người con trai trong lúc nóng giận không kiềm chế được bản thân nên ra tay sát hại mẹ sau đó dùng dao tự sát.

Nữ sinh uống thuốc sâu tự tử do áp lực từ bạn bè, thi cử

Cuối tháng 3/2021, dư luận xôn xao trước câu chuyện của nữ sinh N.T.T. (13 tuổi, đến từ Long An) uống thuốc sâu tự tử vì áp lực học tập và bị bạn bè tẩy chay.

Chia sẻ với VTV, bố em N. cho hay, N. là con đầu lòng trong gia đình có 2 chị em. Sau hôn nhân tan vỡ, em sống với bố và bà nội, em gái ở cùng mẹ.

Đầu năm lớp 7 này, em là lớp phó học tập, có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp. Dần dần, N. bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội facebook.

Điều này khiến N. cảm thấy áp lực, bản thân không thể tâm sự được với ai nên em đã quyết định uống thuốc diệt cỏ Bassa Fenobucarb Pertrang 50 EC để tự giải thoát cho bản thân.

Sau khi uống, em ói liên tục, khó thở, rung giật tay, lơ mơ dần. Phát hiện sự việc, người thân đã đưa N. vào bệnh viện địa phương sơ cứu, rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch, đặt ống thở giúp thở hỗ trợ rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại bệnh viện, các bác sĩ cấp cứu sau xác định bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy nhóm phospho hữu cơ đã nhanh chóng cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc atropine tiêm tĩnh mạch, thấy có đáp ứng với điều trị.

Xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu giảm nặng còn gần 1.000 đv/L (bình thường từ 5.000 - 11.000 đv/L) giúp khẳng định bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ.

Sau 2 tuần điều trị, tình trạng của em N. dần ổn định. 

Nữ sinh 18 tuổi tự tử vì trượt Đại học

Tháng 10/2020, thông tin nữ sinh N.T.H. (18 tuổi, trú thôn Quý Hương, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) treo cổ tự tử tại nhà riêng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. 

Cụ thể, khoảng 16h30 chiều 5/10/2020, người dân hoảng hồn phát hiện H. treo cổ tự tử tại nhà nên đã đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng em H. đã tử vong trước đó. 

Nhứng đứa trẻ tự tử vì áp lực học tập, không ai nghe thấy lời cầu cứu-3
Người thân bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của nữ sinh H.

Theo người thân, từ nhỏ H. đã nuôi ước mơ sẽ trở thành sinh viên của một trường kinh tế lớn tại TP.HCM nên em rất siêng học. Suốt 12 năm học, H. luôn là học sinh khá giỏi và đạt nhiều thành tích cao trong học tập.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, H. được 24,5 điểm ở tổ hợp các môn khoa học tự nhiên. Với số điểm này, nhiều bạn bè đều nghĩ H. sẽ đủ điểm đậu vào nguyện vọng 1 của mình.

Thế nhưng, sau đó, H. biết tin mình không đủ điểm vào ngôi trường mơ ước nên đã suy nghĩ tiêu cực và quyết định tìm đến cái chết, bỏ lại người cha cùng cậu em trai còn đang noi gương chị gái mình trên con đường học vấn.

Được biết, gia đình em H. có hoàn cảnh khá khó khăn. Mẹ H. mất sớm, ba H. không có việc làm ổn định, một mình nuôi hai chị em H. ăn học (em trai H. năm nay lên lớp 11).

Áp lực thi cử, nam sinh nhảy lầu tự tử

Theo Lao Động, vào khoảng 15h15 chiều 10/4/2018, thầy cô giáo phát hiện nam sinh H.T.C. (học sinh lớp 10E3 nội trú của trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) đứng trên mái tôn của tầng 4 (dãy phòng học của trường) nên gọi em C. xuống đất nhưng em không đồng ý.

Một thầy giáo trong trường đã leo lên thuyết phục C nhưng em này không nói gì và đi xa ra mép tôn hơn. Hai bạn thân của C. được gọi đến để khuyên nhủ C. đi vào trong, nhưng tâm trạng C. lúc ấy rất bất ổn, khóc rồi lại cười. Ít phút sau, C. chạy về phía mép tôn, rồi lao mình xuống đất.

Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng C. đã tử vong trước khi được đưa tới bệnh viện. 

Sau khi xảy ra sự việc, mọi người phát hiện 2 bức thư tuyệt mệnh của C. gửi cho gia đình và cho lớp. Chiều cùng ngày, nhà trường cùng gia đình đã đến Đội điều tra Công an Q. Tân Bình. Tại đây, gia đình đã đọc thư của em C và không trách cứ gì nhà trường.

Trong bức thư gửi gia đình, C. nói do áp lực học tập và áp lực từ gia đình, muốn em có điểm học tập cao hơn, đạt học sinh giỏi. Trong thư có đoạn: “Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má. Con xin lỗi”.

Được biết, trước đó, C. có biểu hiện bất thường và từng hỏi bạn thân chỗ nào trong trường cao nhất. 

Lời cảnh tỉnh phụ huynh

Qua một vài câu chuyện thương tâm trên có thể thấy, áp lực học tập có thể đến từ cha mẹ, môi trường lớp học, bạn bè, từ sự trông đợi của xã hội, thông tin báo chí và đôi chí đến từ chính bản thân các em học sinh khi cảm thấy bản thân mình không đạt được thành tích như sự trông đợi của gia đình, xã hội, thầy cô…

Nhứng đứa trẻ tự tử vì áp lực học tập, không ai nghe thấy lời cầu cứu-4

Chia sẻ trên VOV, Chuyên gia tâm lý - TS. Nguyễn Hà Thành cho hay, nhiều vụ tự tử xảy ra trong thời gian qua có những trường hợp trẻ ở lứa tuổi rất nhỏ, chỉ lớp 5, lớp 6 hay lớp 7 và đây chính là một lời cảnh báo cho người lớn.

“Tôi từng làm việc với các bé 5-7 tuổi, các con đã có những áp lực, đã biết nghĩ đến sự sống, cái chết, nhắc đến những lời lẽ thương tâm.

Sức khỏe tâm thần không chỉ là vấn đề riêng ở lứa tuổi nào. Mỗi lứa tuổi có áp lực khác nhau và hai năm nay lứa tuổi tiểu học phải chịu áp lực học hành rất lớn. Nhưng đặc biệt lớn nhất là học sinh cấp 2 và học sinh chuyển cấp”, TS. Nguyễn Hà Thành phân tích.

Theo TS. Nguyễn Hà Thành,  phụ huynh phải xác định việc học là việc lâu dài, không phải là chuyện ngày một ngày hai, không phải là chuyện của học kỳ này, học kỳ kia.

Điểm số có lúc lên, lúc xuống; kiến thức có thể hổng chỗ này, chỗ kia nhưng có nhiều cách để hóa giải điều đó. Tuy nhiên, điều này phải được mở đường từ chính phụ huynh và giáo viên.

Nếu không may con trẻ rơi vào trạng thái suy nghĩ thiếu tích cực thì quý phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của trẻ cả trong gia đình và ở nhà trường để giúp trẻ giảm tải áp lực từ học tập, đồng thời thiết lập mối quan hệ tích cực từ môi trường gia đình và bạn bè.

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động đoàn đội, vui chơi tập thể và luyện tập thao để giảm bớt căng thẳng nội tâm. 

Trong trường hợp trẻ không có dấu hiệu cải thiện, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để can thiệp kịp thời, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tránh để tâm lý của trẻ ức chế quá mức dẫn đến những hậu quả khó lường.

HT (t/h)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/tre-tu-tu-vi-ap-luc-hoc-tap-khong-ai-nghe-thay-loi-cau-cuu-n-289243.html

áp lực thi cử tự tử

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao