Đại dương và những bí ẩn xung quanh nó luôn là đề tài thú vị thu hút rất nhiều sự quan tâm của loài người từ hàng ngàn năm nay. Trong đó, truyền thuyết về sự tồn tại của những mỹ nhân ngư - sinh vật nửa người nửa cá là được chú ý hơn cả. Dù khoa học đã cố gắng tìm hiểu và giải mã nhưng những thông tin bí ẩn mang đầy tính huyền sử về những nàng tiên cá đến nay vẫn chưa có lời giải.
(Ảnh minh họa)
Nguồn gốc của nàng tiên cá trong các nền văn hóa khác nhau
Nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây có chuyện kể về các sinh vật biển bí ẩn, trong đó có nàng tiên cá.
Chẳng hạn như trong thần thoại Hy Lạp, nàng tiên cá được gọi là Siren. Từ xa xưa họ thực chất là những sinh vật nửa người nửa chim (điểu nhân) và có giọng hát vô cùng tuyệt vời. Nhưng trong một lần tham gia một cuộc thi hát được nữ thần Hera tổ chức, họ đã thua cuộc trước giọng ca ngọt ngào của các nữ thần âm nhạc.
Thế là họ đã bị vặt hết lông để làm áo khoác cho nữ thần Hera, coi như trả giá cho sự liều lĩnh thách thức thần linh của mình. Từ đó, không còn cất cánh bay được nữa, các Siren đành "hạ thế" sống trên các mỏm đá trên đảo Anthemoessa nằm giữa vùng biển Sicily và Italy.
Tranh vẽ những nàng Siren có cánh chim thay vì đuôi cá của họa sĩ John William Waterhouse.
Cũng theo 1 số nguồn tài liệu khác, trong nền văn hóa Syria cổ, tiên cá ban đầu là một nữ thần vô cùng xinh đẹp, tuy nhiên, do vô tình hại chết chính người mình yêu nên nàng đã đau khổ mà gieo mình xuống đại dương với hy vọng biến thành cá. Nhưng không may, khi rơi xuống biển, chỉ có thân dưới của nàng là hóa thành cá, còn thân trên vẫn là con người.
(Ảnh minh họa)
Còn ở châu Á, nàng tiên cá đã có mặt rất sớm trong nền văn hóa của Nhật Bản với tên gọi là Ningyo hay Gyojin. So với những "họ hàng" của mình, những nàng tiên cá trong hình dung của người Nhật Bản nói chung ít hấp dẫn hơn, nếu không muốn nói là có phần đáng sợ. Họ thường được miêu tả như những sinh vật với nửa trên là khỉ và nửa dưới là cá. Đôi khi, người cá của Nhật Bản được mô tả trông dữ tợn với những chiếc răng nanh nhọn hoắt.
Quyền năng của những nàng tiên cá
Các nàng tiên cá thông thường hay được biết đến với khả năng ca hát trên cả tuyệt vời, tiếng ca đó có thể mê hoặc bất kỳ thủy thủ đoàn nào vô tình đi ngang vùng biển mà họ đang sinh sống.
Trong thần thoại châu Âu, mục đích của nàng tiên cá khi quyến rũ thủy thủ đoàn chính là để họ lơ là cảnh giác, bị rơi xuống biển hoặc tàu thuyền va vào đá ngầm mà chết. Từ đó, xương cốt của các thủy thủ sẽ được các nàng tiên cá mang về dùng làm nhạc cụ.
(Ảnh minh họa)
Những nàng tiên cá "xấu xa" này được nhắc đến nhiều trong truyền thuyết, và thời hiện đại thì được khắc họa trong một số bộ phim kinh điển, trong đó nổi tiếng nhất là phải kể đến bộ phim "chuyến phiêu lưu của Sinbad" những năm giữa thập niên 90.
Trong phim, các thủy thủ đoàn của Sinbad muốn tránh bị những giọng ca của các nàng tiên cá quyến rũ này mê hoặc thì phải bịt chặt tai hoặc tự trói mình vào cột buồm mới hy vọng vượt qua được khu vực này.
Tuy vậy, bên cạnh những tiên cá "xấu tính" cũng có những nàng tiên cá "tốt tính" khi xuất hiện cất giọng hát thông báo về hiện tượng thời tiết xấu sắp xảy ra, giúp các tàu thuyền nhanh chóng chuyển hướng hoặc ghé vào hòn đảo nào đó để tránh.
Cũng có khi họ cứu sống những thủy thủ bị đắm tàu. Những thủy thủ này sau đó sẽ ở lại đảo sinh con đẻ cái cùng người cá và dần dần biến thành "Mermen" – người cá nam. Chính vì điều này mà người ta tin rằng, những phụ nữ có chồng đi biển rất căm ghét các nàng tiên cá vì cả gan quyến rũ những người đàn ông của họ.
(Ảnh minh họa)
Còn với nàng tiên cá xấu xí của Nhật Bản thì truyền thuyết kể lại họ thường có khả năng vô cùng "vi diệu" như tiên đoán tương lai và đưa ra lời khuyên như một "thầy bói" thực thụ. Chẳng hạn như trong một câu chuyện ở thế kỷ 19 có kể lại, một nàng tiên cá đột nhiên xuất hiện và tiên đoán về một mùa màng thất thu cùng một đợt dịch bệnh sắp xảy ra để người dân chuẩn bị phòng tránh.
Và cũng có số ít nàng tiên cá ở Nhật được cho là có khả năng biến hình "siêu ảo", đây là một khả năng mà họ sử dụng để quyến rũ những người đàn ông xuống biển và gieo rắc cái chết kì lạ cho họ. Thậm chí, còn có truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, nếu ai được ăn một miếng thịt tiên cá, người đó trở nên bất tử hoặc sống một quãng đời rất dài, lên đến 800 tuổi.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về khả năng này của nàng tiên cá Nhật Bản chính là "Happyanku Bikuni" – chuyện kể về một cô gái tuổi 15 vô tình ăn phải thịt tiên cá nên cơ thể ngừng phát triển, sau đó sống đời lang bạt và đi tu, rồi qua đời ở tuổi 800.
(Ảnh minh họa)
Những lần xuất hiện của tiên cá trong lịch sử?
Thông tin của sự tồn tại của loài vật nửa người nửa cá này đến từ nhiều nơi nhưng thông tin nổi tiếng nhất chính là qua lời kể của người tìm ra châu Mỹ - Christopher Columbus. Ông nói rằng mình đã nhìn thấy nàng tiên cá ở gần Haiti vào năm 1493 và mô tả "nàng không xinh đẹp như truyền thuyết, mặc dù khuôn mặt có nét giống với con người".
(Ảnh minh họa)
Năm 1614, nhà thám hiểm người Anh John Smith cũng tuyên bố đã thấy ngoài khơi đảo Newfoundland ở Đại Tây Dương một người cá nữ có mái tóc dài màu xanh. Đến năm 1635 cuốn sách "Speculum Mundi" do đích thân Bộ trưởng Anh John Swan xuất bản có ghi chép rằng người cá tỏ ra hòa nhập với cuộc sống của "người trần" khá nhanh. Năm 1738, tờ nhật báo London của Anh đã đăng tải một bức ảnh gây sốc chứng minh rằng người cá thực sự tồn tại.
Đó là tấm ảnh một mỹ nhân ngư có thân hình nhỏ bé, được tìm thấy tại bờ biển Hebrides nhưng nàng bị ném đá tới chết do tưởng nhầm là quái thai.
Nếu nói về người cá nổi tiếng nhất có lẽ phải kể tới Fiji, xác của sinh vật quằn quại với khuôn mặt như loài khỉ có tay với phần đuôi cá, được ra mắt lần đầu tiên tại New York vào năm 1842. "Nàng ta" được cho rằng đã được các ngư dân Nhật Bản bắt được.
Trong một thời gian dài, xác của Fiji được trưng bày tại bảo tàng Barnum như minh chứng vững vàng nhất khẳng định nàng tiên cá là có thật, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi trong suốt những thế kỷ qua.
(Ảnh minh họa)
Đến tận ngày nay, thông tin về nàng tiên cá xuất hiện bằng xương bằng thịt cũng thi thoảng xuất hiện, tuy nhiên cũng chỉ là hình ảnh chớp nhoáng qua các thiết bị ghi hình hoặc qua lời kể của một số người "may mắn" mà không có gì chứng minh chắc chắn đó là tiên cá thật hay chỉ là một trò bịp nhằm thu hút truyền thông và những người nhẹ dạ cả tin quan tâm. Cho đến giờ, sự tồn tại của loài sinh vật này vẫn mãi là một bí ẩn.
Theo Thời Đại