Đường lên đỉnh Olympia là gameshow (chương trình trò chơi truyền hình) về kiến thức dành cho học sinh THPT được phát sóng số đầu tiên vào ngày 21/3/1999 trên kênh VTV3. Sau 23 năm, đây là gameshow có tuổi đời dài nhất của VTV.

Mỗi năm, có 144 thí sinh tham gia với 36 cuộc thi tuần, 12 vòng thi tháng, 4 cuộc thi quý và một trận chung kết năm. Sáng 8/10, chung kết Olympia 2023 sẽ được truyền hình trực tiếp.

Trong những năm qua, hàng loạt kỷ lục đã được tạo ra tại sân chơi này.

Những kỷ lục ít người biết của Đường lên đỉnh Olympia sau 23 năm - 1
Sân khấu của "Đường lên đỉnh Olympia" trong thời kỳ đầu mới lên sóng (Ảnh: VTV).

Trường có nhiều thí sinh vô địch nhất

Tính đến chung kết Olympia 2023, có 60 trường THPT trên toàn quốc có thí sinh tham dự trận chung kết năm. Trong đó, chưa kể đến kết quả của 4 "nhà leo núi" năm nay, 19 trường có thí sinh vô địch, 19 trường có á quân và 34 trường có đại diện giành hạng ba.

Xét về thành tích, trường THPT chuyên Quốc học (Huế) có xếp hạng cao nhất với 6 thí sinh vào chung kết năm.

Trong đó, có 2 quán quân (Hồ Ngọc Hân - năm thứ 9, Hồ Đắc Thanh Chương - năm thứ 16), 2 á quân (năm thứ 5 và 11), một người về 3 (năm thứ 8), một thí sinh chưa thi là Nguyễn Minh Triết.

Những kỷ lục ít người biết của Đường lên đỉnh Olympia sau 23 năm - 2
Ngôi trường ở miền Trung có thành tích tốt nhất tại "Đường lên đỉnh Olympia" (Ảnh: Fanpage Đường lên đỉnh Olympia).

Bên cạnh đó, có 2 ngôi trường cũng có nhiều hơn một nhà vô địch là trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) có Trần Ngọc Minh (năm thứ 1) và Lương Phương Thảo (năm thứ 3), trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh) có Đặng Thái Hoàng (năm thứ 12) và Nguyễn Hoàng Cường (năm thứ 18). 

Xét theo địa phương, Hà Nội có nhiều thí sinh vào chung kết năm nhất với 15 người (có Phan Minh Đức - vô địch năm thứ 10). Tiếp đó là TPHCM với 9 đại diện (có Đỗ Lâm Hoàng - vô địch năm thứ 5).

Một trường có 2 nữ quán quân

Trong 23 năm, chỉ có 4 cô gái giành vòng nguyệt quế tại trận chung kết năm. Trong đó, có 2 người cùng đến từ trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) là Trần Ngọc Minh (năm thứ 1) và Lương Phương Thảo (năm thứ 3).

Rời Olympia, cả hai cô gái đều gặt hái thành công trong cuộc sống. Trong khi Ngọc Minh có bằng tiến sĩ và làm việc, định cư tại Australia, Phương Thảo chọn về nước làm việc ở công ty của Mỹ tại TPHCM sau thời gian du học.

Những kỷ lục ít người biết của Đường lên đỉnh Olympia sau 23 năm - 3
Trần Ngọc Minh (trái) và Lương Phương Thảo là 2 nữ quán quân đến từ ngôi trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) (Ảnh: VTV).

Trận chung kết duy nhất có 5 "nhà leo núi"

Thông thường, một trận chung kết của Olympia chỉ có 4 người thắng từ 4 trận thi quý trước đó. Tuy nhiên, có một trận đặc biệt trong lịch sử 23 năm của chương trình có tới 5 thí sinh góp mặt là chung kết năm thứ 9.

Lý do là ở trận thi quý trước đó, thí sinh Bạch Đình Thắng (trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) trả lời câu hỏi "Có bao nhiêu hệ trong cơ thể người?" là 6, nhưng ban tổ chức tuyên bố 5 mới là đúng. 

Nam sinh sau đó chứng minh được anh từng học kiến thức này trong sách giáo khoa. Sau khi cân nhắc, chương trình công nhận quý III có 2 vòng nguyệt quế và trận chung kết có 5 người.

Hồ Ngọc Hân là nhà vô địch của trận đấu đặc biệt này.

Những kỷ lục ít người biết của Đường lên đỉnh Olympia sau 23 năm - 4
Hồ Ngọc Hân vô địch Olympia năm thứ 9 trong trận chung kết có tới 5 thí sinh tranh tài (Ảnh: VTV).

Số điểm kỷ lục của Olympia

Tại cuộc thi tuần của Olympia năm thứ 15, Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến (SN 1997) - đại diện trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận - gây kinh ngạc khi xác lập kỷ lục giành được 460 điểm, cao nhất từ trước đến thời điểm đó.

Đến nay, chỉ có 2 "nhà leo núi" san bằng được kỷ lục này. Đó là Phan Đăng Nhật Minh (vô địch năm thứ 17) và Nguyễn Bá Vinh (giải 3 chung kết năm thứ 19).

Những kỷ lục ít người biết của Đường lên đỉnh Olympia sau 23 năm - 5
Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến xác lập điểm số kỷ lục 460 của Olympia (Ảnh: VTV).

Gia đình có nhiều thí sinh Olympia nhất

Xuất hiện tại Olympia 2015, Nguyễn Hữu Trí (trường THPT Tùng Thiện, Hà Nội) khiến khán giả bất ngờ khi chia sẻ anh có 2 người thân từng đứng trên sân khấu Olympia.

Đó là chị gái Nguyễn Ngọc Trang (Olympia năm thứ 8) và anh rể Trần Văn Ngọc Tân (Olympia năm thứ 7).

Ngọc Tân và Ngọc Trang về chung một nhà sau 5 năm tìm hiểu. Dù yêu xa 2.000km, hai người vẫn cố gắng gặp nhau hàng tháng, lúc có tiền thì đi máy bay, không có tiền thì đi xe giường nằm.

Họ nằm trong số cặp đôi nên duyên từ Olympia được khán giả biết đến.

Những kỷ lục ít người biết của Đường lên đỉnh Olympia sau 23 năm - 6
Ngọc Tân và Ngọc Trang được Olympia "se duyên" (Ảnh: Trần Văn Ngọc Tân).

MC dẫn cầu truyền hình "mát tay" nhất

Trong số 4 người dẫn dắt điểm cầu chung kết Olympia 2023, MC Trần Ngọc phụ trách điểm cầu tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (Hà Nội) của thí sinh Nguyễn Việt Thành.

Anh nổi tiếng là MC "mát tay" nhất Đường Lên Đỉnh Olympia khi 4 năm dẫn ở điểm cầu nào, nơi đó có thí sinh vô địch. 

Cụ thể, MC Trần Ngọc từng dẫn trực tiếp ở các đầu cầu có thí sinh chiến thắng là Bắc Giang (Hoàng Thế Anh - năm thứ 13), Tiền Giang (Nguyễn Trọng Nhân - năm thứ 14), Quảng Trị (Văn Viết Đức - năm thứ 15) và Thái Bình (Đặng Lê Nguyên Vũ - năm thứ 22).

Những kỷ lục ít người biết của Đường lên đỉnh Olympia sau 23 năm - 7
MC Trần Ngọc dẫn điểm cầu Sóc Sơn (Hà Nội) tại chung kết năm nay (Ảnh: Trần Ngọc).

Một người dẫn điểm cầu "mát tay" không kém là MC Mai Trang. Trong 6 năm dẫn chung kết Olympia (năm 2016-2021), cô 3 lần dẫn ở điểm cầu có nhà vô địch.

Đó là Quảng Ninh (Nguyễn Hoàng Cường - năm thứ 18), Ninh Bình (Nguyễn Thị Thu Hằng - năm thứ 20) và Quảng Ninh (Nguyễn Hoàng Khánh - năm thứ 21).

Theo Dân Trí