Căn bệnh vảy nến ca sĩ Tuấn Hưng đang mắc phải không hề xa lạ. Tuy nhiên, những thông tin gây nhầm lẫn khiến người bệnh đối mặt nhiều tổn thương.
Vảy nến có lây không?
Theo ông Trần Hồng Trường - Chủ tịch Hội vảy nến Việt Nam - do sợ bị lây nên hầu hết người bị bệnh vẩy nến đã bị chồng, vợ bỏ, trẻ con đến trường bị trêu chọc, khiến họ luôn phải giấu mình, sợ người khác biết. Đây là một thực tế đáng buồn.
Bệnh bộc lộ ở những vùng da hở, khiến nhiều người còn hiểu lầm đây là bệnh có thể lây nhiễm. Thực chất, vảy nến là bệnh hoàn toàn không lây. Việc tiếp xúc không khiến người khác mắc bệnh.
“Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 67 khẳng định vảy nến là bệnh mạn tính, không lây, chưa rõ nguyên nhân và cũng chưa có phương pháp chữa khỏi”, ông Trần Hồng Trường cho hay.
Theo chia sẻ trên facebook cá nhân, nam ca sĩ Tuấn Hưng mắc bệnh vảy nến đã gần 1 tháng nay. Ảnh: Facebook ca sĩ Tuấn Hưng.
Ai cũng có thể mắc bệnh?
Người bị bệnh vảy nến có thể là nam hay nữ, thuộc bất kỳ chủng tộc hoặc độ tuổi nào, trong mọi tầng lớp kinh tế, xã hội.
Vảy nến không thể chữa khỏi?
PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam - khẳng định vảy nến chỉ có thể kiểm soát chứ không thể chữa khỏi.
Theo PGS Doanh, trong chuyên ngành, vảy nến vẫn là một bệnh căn bản của chuyên ngành da liễu. Đối với các bác sĩ chuyên khoa da liễu như ở Bệnh viện Da liễu Trung ương, tất cả đều có khả năng điều trị bệnh căn bệnh này. Thế nhưng vảy nến là bệnh mạn tính kéo dài, chính vì vậy người bệnh cần hơn một lần điều trị từ một bác sĩ, cần hơn sự quản lý của bác sĩ đối với bệnh đó. Các bác sĩ phải kéo dài theo dõi, gần như cả cuộc đời của người bệnh. Do đó, việc quản lý người bệnh được xem là rất quan trọng, thậm chí còn tốt hơn việc điều trị.
Hiện chưa có phương thuốc nào chữa khỏi bệnh vảy nến, nhưng nhiều liệu pháp khác nhau có thể làm giảm, hoặc gần như chặn đứng các triệu chứng bệnh, mặc dù không có một điều trị đơn độc nào có tác dụng cho tất cả mọi người. Nhiều bệnh nhân vảy nến thậm chí đã dùng nhiều điều trị khác nhau cùng một lúc.
Bệnh có di truyền không?
Theo các chuyên gia, người bị vảy nến vẫn có thể lấy vợ hoặc chồng bình thường. Tuy nhiên, bệnh vảy nến mang tính chất về gen, có di truyền nên nếu cha và mẹ bị bệnh vảy nến, xác xuất người con sẽ bị bệnh cao hơn với nhóm cộng đồng.
Vảy nến chỉ là bệnh về da?
Theo ông Trần Hồng Trường, vảy nến không thuần túy là một “vấn đề da”. Đây là một bệnh viêm không lây nhiễm, mạn tính thường bị nhầm lẫn với các bệnh lây như bệnh phong, giang mai và thậm chí HIV/AIDS.
PGS Doanh khẳng định: “Y học đã chứng minh vảy nến không phải bệnh ngoài da mà là bệnh hệ thống, trong đó chúng tôi lo ngại nhất là sự tác động của vảy nến đối với tâm thần, tâm lý của người bệnh”.
Bệnh nhân vảy nến bị tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm khác như viêm khớp vảy nến, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh Crohn, tăng huyết áp, hội chứng ruột kích thích, lupus, và béo phì và có thể dẫn đến chết sớm.
Về mặt thể chất, vảy nến là những tình trạng da khó chịu, ngứa và đau, với những tổn thương viêm, nứt nẻ và chảy máu hoặc đau ở khớp và ở các cơ quan nội tạng khác. Bệnh nhân vảy nến cảm thấy ngượng ngập, xấu hổ, và có xu hướng che giấu làn da trước công chúng. Tác động tâm lý là những cảm nghĩ mất tự nhiên, thất vọng và xấu hổ, thường dẫn đến trầm cảm và nghiện rượu, và gây ra những sang chấn tinh thần nặng nề và ý nghĩ tự tử.
Theo Zing.vn