Bánh hỏi
Đến Bình Định, bạn không thể bỏ qua món bánh hỏi, đây là một trong những đặc sản vùng Bình Định. Bánh hỏi làm từ gạo tẻ ngon hoặc gạo thơm. Sau khi gạo được đãi sạch sẽ ngâm suốt 1 đêm rồi đem xay lấy bột. Sau khi bột được xay xong sẽ cho vào khuôn.
Ở khuôn làm bánh hỏi có nhiều lỗ nhỏ. Cho nên khi nhồi bánh vào sẽ cho ra các sợi bánh hỏi. Sau khi đã có các sợi bánh sẽ đưa lên hấp khoảng 3 phút. Sau khi hấp, bánh được vớt ra rồi thoa dầu lạc lên trên. Bánh làm xong có màu trắng đúc, mềm mại và không quá cứng sẽ là món điểm tâm rất phù hợp nhất là buổi sáng. Trước khi ăn, bánh sẽ được rải lên lớp hành lá thái nhỏ hoặc hành phi.
Ảnh internet
Khi ăn bánh hỏi, bạn sẽ ăn cùng thịt heo quay hoặc lòng heo. Hiện nay cũng có nhiều quán ăn bánh hỏi kèm cháo nóng. Bánh hỏi khi ăn nóng sẽ rất ngon, thơm mùi gạo và mùi hành lá, hành phi. Điều làm nên độ ngon của bánh hỏi còn phải kể đến nước chấm.
Nước chấm gồm có nước mắm, tỏi, ớt vừa có độ ngọt và cay. Bánh hỏi được bán ở các quầy hàng ăn cũng có thể bán trong các thúng bên trên phủ lá chuối ở các chợ. Bạn có thể ăn bánh hỏi khi đến Quy Nhơn với giá chỉ 20.000 đồng -25.000 đồng/suất.
Bún chả cá Quy Nhơn
Đây là món ăn níu chân nhiều thực khách khi đến với Quy Nhơn và cũng là món ăn gợi nhớ quê hương cho những người xa quê. Chả cá Quy Nhơn kỳ công ở ngay khâu chọn nguyên liệu. Không phải được làm từ cá rô phi hay cá chép mà phải là cá thu, cá mối, cá chuồn... Sau khi lọc lấy thịt sẽ trộn vối gia vị gồm ớt, tỏi, tiêu, hành, muối, đường cho vừa ăn rồi xay nhuyễn. Sau kh xay xong, nguyên liệu được tạo thành khuôn thành miếng theo ý thích.
Một phần làm nên vị ngon của bún chả cá Quy Nhơn chính là nước lèo. Đây không phải nước tạo ra từ ninh xương heo, xương bò nhiều tiếng như bún, phở ở các nơi mà lấy xương cá thu và đầu cá thu rồi cho dứa, hành tím rồi ninh lấy nước ngọt. Nước lèo sau khi nấu xong phải trong vắt và ngọt để tạo nên vị ngon khi ăn từng miếng bún chả cá.
Khi đưa bát bún chả cá ra, thực khách sẽ ăn kèm rau xà lách, hành, ngò, rau muống chẻ, bắp chuối. Ngoài ra, bạn có thể thêm gia vị chua của chanh và độ cay của ớt tươi.
Ảnh internet
Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai được làm từ lá gai và bột nếp. Để làm nên được chiếc bánh, đầu tiên phải luộc lá gai rồi bỏ vào cối để quếch kèm bột và đường. Sau khi hoàn thành công đoạn này sẽ đưa đi hấp cách thủy 30 phút và vớt ra để nguội. Bánh được cắt nhỏ thành hình vuông và cho nhân vào. Nhân bánh bùi và thơm, ngon nhờ vị dứa quyện cùng vị đậu xanh. Bánh được gói trong lá chuối.
Ảnh internet
Quếch bánh được xem là công đoạn quan trọng khi làm bánh ít lá gai. Do công đoạn này đòi hỏi là người khỏe làm và vất vả. Quếch càng nhuyễn thì bánh càng ngon. Bánh ít lá gai khi ăn có vị mềm mịn của lớp bột nếp hòa cùng vị thơm bùi của nhân. Bất cứ ai khi đến Bình Định cũng phải mua bánh ít lá gai về làm quà cho người thân, bạn bè.
Bánh xèo Mỹ Cang
Bánh xèo có ở nhiều nơi nhưng bánh xèo Mỹ Cang ở Bình Định lại có nét riêng. Nguyên liệu làm từ bánh đều là sản vật của địa phương. Cụ thể như vỏ bánh được làm từ gạo, loại gạo này phải lấy từ lúa của cánh đồng khu Đông, tôm dùng cho bánh xèo nhỏ không lớn nhưng là tôm lấy ở đầm Thị Nại nước lợ.
Sau khi bánh xèo tráng xong cho thêm tôm, giá sẽ ăn cùng bánh tráng gạo nguyên chất. Đặc biệt không thể thiếu được rau sống, xoài, dưa chuột, rau thơm. Nước chấm phải là nước mắm nguyên chất chua, cạy hơi mặn.
Ảnh internet
Bất cứ ai khi ăn món bánh xèo này đều ấn tượng với độ dòn rụm của vỏ bánh đặt trên miếng bánh tráng nhúng trên đĩa. Sau đó cho thêm nước mắm và xoài, rau sống... khiến bạn nhớ mãi không quên hương vị dân dã mà rất đậm đà.
Gié bò
Món ăn này được làm từ ruột non của bò. Chọn khúc ruột non ngon nhất khi mổ bò rồi chế biến để hương vị thơm ngon lan tỏa nhất khi được ngồi cạnh tô gié nóng hổi.
Ảnh internet
Ruột non không lộn ruột, bóp với muối và rửa bằng nước đun sôi. Tiếp đó cắt ruột non thành các đoạn ngắn rồi cho vào nồi nước cốt. Nồi nước cốt này trước đó được đun từ huyết, phổi, gan bò rồi vớt các thứ này ra chỉ giữ nước cốt.
Khi đã đun các nguyên liệu trong nước phải thêm lá giang để tăng độ thơm ngon quyện trong vị cay của ớt, gừng, sả và vị ngọt của nước dừa. Gié được ăn cùng bún tươi, rau sống, bánh tráng mè nướng.
Bình An