Bạn có thể mua giá đỗ ở hầu hết các siêu thị, khu chợ, thậm chí tự làm tại nhà. Bạn chỉ cần ủ đậu xanh trong hộp kín, để nơi thoáng mát, ít ánh sáng, tưới nước mỗi ngày. Sau 3 ngày, bạn sẽ thu hoạch được một mẻ giá.
Giá đỗ chế biến được nhiều món ăn ngon. Ảnh: The Spruce Eats
Giá trị dinh dưỡng
Giá đỗ có gần 91% là nước. 80g giá đỗ cung cấp 31 calo, gần 0,2g chất béo, 0,2mg đồng, 13,7mg vitamin C, 1,6g chất xơ, 3,2g protein, 0,95mg sắt, 21,8mg magie, 155mg kali, 6,2mg natri, 13,5mg canxi.
Theo Very Well Health, giá trị dinh dưỡng của giá tùy thuộc vào loại đỗ. Ví dụ, giá đậu nành có nhiều protein hơn giá đỗ xanh. Trong khi giá đỗ xanh có nhiều chất xơ và đường hơn giá đậu lăng hoặc đỗ tương.
Lợi ích của giá đỗ
Giá đỗ xanh rất giàu các hợp chất polyphenol, polysaccharides và peptide có giá trị như thực phẩm chức năng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và tử vong do mọi nguyên nhân.
Các chất chống oxy hóa như flavonoid, axit phenolic trong giá giúp ổn định gốc tự do, chống lại stress oxy hóa, có thể liên quan đến các bệnh mạn tính và thoái hóa.
Đậu xanh dễ tiêu hóa hơn sau khi nảy mầm thành giá. Lúc đó, đậu xanh giải phóng các enzyme giúp cơ thể bạn hấp thụ khoáng chất tốt hơn. Điều này có thể cải thiện tiêu hóa, giảm đầy hơi và tốt cho sức khỏe đường ruột tổng thể.
Giá đỗ có chỉ số đường huyết (GI) thấp có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và béo phì, giảm các biến chứng liên quan tới hai tình trạng này.
Người hay ăn giá đỗ cũng thu được lợi ích cho tim mạch, điều chỉnh huyết áp, cholesterol và mức chất béo trong máu. Vitamin K có nhiều trong giá đỗ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến xơ vữa động mạch.
Trong giá đỗ có nhiều chất chống oxy hóa ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp do tuổi tác.
Ai không nên ăn giá đỗ?
Giá đỗ có thể chứa các vi khuẩn có hại như E. coli, listeria và salmonella. Điều kiện ấm áp, ẩm ướt cần thiết cho quá trình nảy mầm của đỗ cũng lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng. Trồng giá đỗ tại nhà hoặc mua loại có dán nhãn “hữu cơ” không giúp loại thực phẩm này an toàn hơn. Những người nên tránh ăn giá đỗ sống bao gồm:
- Trẻ em và người lớn tuổi
- Người mang thai
- Bất cứ ai có hệ miễn dịch suy yếu
Một số cách để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Chỉ mua giá đỗ được bảo quản lạnh đúng cách, tìm loại có màu trắng bóng và đầu màu vàng.
- Không ăn giá đổ có vẻ nhầy nhụa, có mùi mốc, đã chuyển sang màu nâu hoặc đổi màu.
- Rửa kỹ bằng nước.
- Rửa tay và bất cứ thứ gì chạm vào giá để tránh lây nhiễm chéo.
- Nấu chín để diệt vi khuẩn.
Theo VietNamNet