Nghệ là một loại gia vị phổ biến và rất tố cho sức khỏe. Trong nghệ có chứa curcumin, một hóa chất thực vật mạnh, được cho là có tác dụng chống viêm.

Nó có hiệu quả trong việc điều trị đau đầu gối, kiểm soát mức cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và hội chứng ruột kích thích.

Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng nhiều nghệ, lượng curcumin quá nhiều trong cơ thể cũng có thể xảy ra tác dụng phụ.

Những người không nên sử dụng nghệ

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Nghệ được coi là một chất tăng cường miễn dịch tuyệt vời. Nói chung, nó an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú khi được dùng hàm lượng curcumin thấp và trong thực phẩm nấu chín.

Nghệ được coi là không an toàn khi dùng dưới dạng thuốc hoặc thảo dược vì nó có thể thúc đẩy kinh nguyệt hoặc kích thích tử cung, gây nguy hiểm cho việc mang thai.

Những người không nên ăn nghệ kẻo mang bệnh vào người-1
Những người không nên ăn nghệ kẻo mang bệnh vào người.

Người bị thiếu máu

Thiếu máu là do thiếu sắt, tình trạng này xảy ra khi cơ thể không tạo đủ hồng cầu hoặc cơ thể mất quá nhiều hồng cầu do chảy máu hoặc cơ thể phá hủy hồng cầu. Nếu lúc này, bạn uống tinh bột nghệ với nồng độ cao có thể ngăn cản sự hấp thụ sắt, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Rối loạn đông máu

Đặc tính thanh lọc của nghệ cũng có thể khiến bạn dễ bị chảy máu hơn. Nguyên nhân của điều này vẫn chưa được các nhà khoa học khám phá rõ. Tuy nhiên, các lợi ích của nghệ như giảm cholesterol và huyết áp có thể liên quan cách thức hoạt động của nghệ trong máu.

Những người phải sử dụng thuốc làm loãng máu, thường xuyên bị chảy máu mũi phải cẩn thận khi tiêu thụ curcumin. Hấp thụ quá nhiều hợp chất này có thể làm chậm khả năng đông máu, tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu.

Ngoài ra, nghệ cũng có thể tương tác với thuốc đông máu chậm như aspirin, ibuprofen (Advil), warfarin (Coumadin) và một số thuốc khác. Các chuyên gia cũng khuyến cáo bạn không nên sử dụng bột nghệ ít nhất 2 tuần trước phẫu thuật để tránh bị chảy máu nhiều khi mổ.

Bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường nên chú ý rất nhiều đến chế độ ăn uống của mình. Họ cần quản lý lượng đường trong máu, không được để đường huyết quá cao hoặc quá thấp.

Curcumin được biết là làm giảm lượng đường trong máu. Nếu không thận trọng, nó có thể làm cho lượng đường trong máu quá thấp gây nguy hiểm.

Sỏi thận

Sỏi thận là những tinh thể được hình thành do sự lắng đọng của các chất khoáng và muối. Khoáng chất phổ biến nhất là canxi oxalat. Nghệ cũng chứa nhiều oxalat, có thể liên kết với canxi và gây hình thành sỏi thận. Vì vậy, nếu bạn đang bị bệnh sỏi thận thì tốt nhất nên đề phòng.

Người chuẩn bị phẫu thuật

Nghệ có khả năng ngăn ngừa đông máu nên những người chuẩn bị phẫu thuật cần ngưng ăn nghệ trong khoảng hai tuần trước khi phẫu thuật. Nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến chảy máu nhiều, khó cầm máu trong và sau khi phẫu thuật.

Những lưu ý khi sử dụng nghệ

Mặc dù đã biết những lợi ích của nghệ đem tới cho sức khỏe, tuy nhiên nhiều người vẫn thắc mắc và đặt ra câu hỏi,ăn nghệ nhiều có tốt không và ăn nghệ bao nhiêu là đủ?

Các nghiên cứu thường sử dụng liều 500–2.000 mg nghệ mỗi ngày, thường ở dạng chiết xuất với nồng độ curcumin cao hơn nhiều so với lượng có trong thực phẩm tự nhiên.

Ví dụ, chế độ ăn uống trung bình của một người Ấn Độ cung cấp khoảng 2.000–2.500 mg nghệ (60–100 mg curcumin) mỗi ngày. Một lượng tương tự ở dạng chiết xuất có thể chứa đến 1.900–2.375 mg curcumin.

Nói cách khác, gia vị nghệ chứa khoảng 3% curcumin, so với 95% curcumin trong chất chiết xuất. Tuy nhiên, nghệ vẫn có lợi khi được sử dụng như một loại gia vị.

Mặc dù không có sự đồng thuận chính thức về liều lượng nghệ hoặc curcumin hiệu quả, nhưng liều lượng sau đây đã được sử dụng trong nghiên cứu với kết quả đầy hứa hẹn:

Đối với viêm xương khớp: sử dụng 500 mg chiết xuất nghệ hai lần mỗi ngày trong 2-3 tháng.

Đối với cholesterol cao: sử dụng 700 mg chiết xuất nghệ hai lần mỗi ngày trong 3 tháng.

Đối với tình trạng ngứa da: sử dụng 500 mg nghệ ba lần mỗi ngày trong 2 tháng.

Liều cao của nghệ và curcumin không được khuyến khích sử dụng lâu dài vì thiếu nghiên cứu xác nhận tính an toàn của chúng.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định 1,4 mg mỗi pound (0–3 mg/kg) trọng lượng cơ thể là mức tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được. Cần ghi nhớ rằng, tất cả các chất bổ sung có nguồn gốc thảo dược nên được sử dụng một cách thận trọng.

Theo Người đưa tin