Lee Kyung-ok (trái), Lee Hye-ok (giữa) và Shim Jae-shik cùng nhau hát tại ngôi nhà ở Yeoju (Hàn Quốc)
Trì hoãn kết hôn và sinh con
Ở Hàn Quốc, cuộc sống của một người mẹ đi làm gặp nhiều khó khăn do thiếu hỗ trợ ở nơi làm việc và mức chênh lệch lương theo giới lớn nhất trong các nước phát triển. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, tỷ lệ việc làm ở phụ nữ lần đầu vượt mốc 60% vào năm 2022. Số liệu do Bộ Bình đẳng giới nước này thu thập cho thấy, chỉ số việc làm của phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi đạt 60% vào năm 2022, tăng 7,3 điểm phần trăm so với năm 2010.
Tuy nhiên, chênh lệch lương theo giới vẫn tồn tại, với việc phụ nữ chỉ kiếm được 70% số tiền nam giới kiếm được mỗi giờ. Thu nhập hàng tháng của phụ nữ Hàn Quốc là 2,68 triệu won trong khi ở nam giới là 4,13 triệu won.
Trong bối cảnh đó, một số người đang thách thức các kỳ vọng về giới. Họ chọn con đường làm mẹ theo cách riêng của mình, chia sẻ công việc nhà một cách bình đẳng hoặc chọn sống độc thân.
Như phần lớn phụ nữ chưa kết hôn khác, Koo Eun-kyong chọn trữ đông trứng để chủ động đảm bảo cơ hội làm mẹ cho đến khi cô sẵn sàng. "Ngay cả khi tôi không cần dùng đến chúng, tôi biết rằng mình đã làm mọi thứ có thể và không có điều gì phải tiếc nuối", cô nói.
Koo Eun-kyong luyện tập trước khi quay video cho kênh YouTube tại căn hộ của cô ở Seoul hồi tháng 11/2023
Trong một xã hội đầy cạnh tranh, nơi nhiều phụ nữ phải chật vật để tiếp tục đi làm sau thời gian nghỉ sinh con, Koo lo lắng điều này có thể khiến sự nghiệp của cô tụt dốc. Ngoài ra, do chi phí giáo dục và nhà đất tăng cao nên nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu ở Hàn Quốc muốn tập trung kiếm tiền và trì hoãn việc làm cha mẹ.
"Bạn cần tiền để thành công và chỉ khi kết hôn, có con, bạn mới được coi là người có cuộc sống viên mãn", Koo nói. Cô cũng lưu ý sự ảnh hưởng của mạng xã hội, điều làm trầm trọng thêm cảm giác so sánh giữa các cá nhân, khiến nhiều người hoài nghi chính mình trong việc nuôi dạy con, từ đó dẫn đến việc không muốn có con.
Với nhiều phụ nữ nước này, trữ đông trứng đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Năm 2022, hơn 1.100 phụ nữ chưa kết hôn đã trữ đông trứng tại Tập đoàn Y tế Cha, chuỗi phòng khám sinh sản lớn nhất Hàn Quốc, gần gấp đôi con số vào năm 2019.
Vào tháng 9/2023, Seoul bắt đầu trợ cấp tiền để phụ nữ thực hiện thủ tục này, tương tự như Tokyo (Nhật Bản) và một số khu vực ở Đài Loan (Trung Quốc). Quy trình trữ đông trứng bao gồm việc kích thích buồng trứng bằng thuốc để sản xuất nhiều trứng, sau đó lấy trứng ra và trữ đông để sử dụng trong tương lai qua thụ tinh nhân tạo.
Mặc dù không có gì đảm bảo khả năng mang thai nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng, độ tuổi của phụ nữ tại thời điểm trữ đông trứng và số lượng trứng dự trữ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội thụ thai sau này.
Koo đã thảo luận cởi mở về trải nghiệm của mình trên kênh YouTube "JulieKoo" có hơn 43.000 người đăng ký. Cô mong muốn hỗ trợ phụ nữ độc thân, nhận thấy rằng họ thường gặp thách thức do những hạn chế pháp lý ở Hàn Quốc.
Bae Jeong-min nhìn vợ và con gái nhảy tại nhà ở Seoul (Hàn Quốc)
Theo luật hiện hành, phụ nữ phải kết hôn mới được sử dụng trứng đông lạnh của mình. Cô nói: "Không có nhiều nguồn lực cho những phụ nữ chưa kết hôn muốn trữ đông trứng, đặc biệt là phụ nữ độc thân".
"Những ông bố Chủ nhật"
Son Hyun là người đầu tiên ở công ty nghỉ phép để chăm con khi vợ sinh và nằm trong số rất ít (chỉ 5%) đàn ông Hàn Quốc làm điều đó. Son Hyun, 39 tuổi, cùng 4 ông bố khác, đồng sáng lập Câu lạc bộ "Những ông bố Chủ nhật" (Sunday Fathers Club), một bản tin hàng tuần với khoảng 1.800 người đăng ký, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình.
Họ thay nhau viết các bài xuất bản vào Chủ nhật hàng tuần, kể về việc làm bố và nghỉ phép nuôi con ở nam giới.
Hàn Quốc có chính sách cho phép cha mẹ nghỉ tối đa một năm cho mỗi đứa trẻ được sinh ra và có kế hoạch kéo dài thời gian nghỉ phép lên 18 tháng. Tuy nhiên, hầu hết những ông bố đủ điều kiện đều không sử dụng phúc lợi này do kỳ thị liên quan đến việc nam giới nghỉ việc để chăm con.
Do đó, khi nói đến chuyện nghỉ phép nuôi con, hầu như luôn là phụ nữ. Điều đó dẫn đến việc giảm số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động Hàn Quốc.
Một số cặp vợ chồng Hàn Quốc đang thách thức các vai trò giới truyền thống, vốn đặt gánh nặng chăm con và làm việc nhà lên vai phụ nữ. Sự mất cân bằng này góp phần làm gia tăng bất bình đẳng giới đang diễn ra trong nước.
"Gia đình có thể có nhiều hình thức khác nhau", Bae Jeong-min, 41 tuổi, một tác giả của Câu lạc bộ "Những ông bố Chủ nhật", người đã nghỉ phép chăm con khoảng một năm khi làm việc tại một công ty công nghệ vào năm 2020.
Cộng đồng "Những ông bố Chủ nhật" ủng hộ một thông điệp đơn giản: chăm con là trách nhiệm chung của cả bố và mẹ. Điều này đi ngược lại quan niệm phổ biến ở Hàn Quốc.
"Trước đây, xã hội coi trọng sự nam tính. Ví dụ, tại sao đàn ông nên chăm con, điều đó không nam tính chút nào. Nhưng thời thế đã thay đổi và ở Hàn Quốc cũng vậy", Son nói. Anh quyết định sử dụng chế độ nghỉ phép chăm con mà không hề do dự. Anh đảm nhận trách nhiệm này khi vợ trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản hồi tháng 4 năm 2021.
Một ngày cuối tuần gần đây, Son một mình chăm con khi vợ của anh đi công tác xa và điều đó không có gì là khó khăn với anh sau một năm làm người chăm sóc chính cho con.
Anh nói:"Vẫn còn một chặng đường dài phía trước nhưng xã hội đang đi theo hướng tích cực. Tất nhiên, một trong những lý do của sự thay đổi là việc công nhận rằng, sự nghiệp của phụ nữ rất quan trọng… Vợ chồng cần thay phiên nhau chăm sóc con nhỏ".
Thành lập gia đình kiểu mới
Trong suốt cuộc đời mình, Shim Jae-shik và Lee Hye-ok luôn thách thức những gì được kỳ vọng ở một người phụ nữ. Họ đi làm trong khi hiếm có phụ nữ cùng thế hệ làm được điều đó. Họ lái ô tô khi rất ít phụ nữ Hàn Quốc có thể lấy bằng lái. Và họ chưa từng kết hôn.
Năm nay ở tuổi 70, Shim và Lee có thể làm những điều gì họ muốn mà không cần bận tâm đến các vai trò thường gắn liền với tuổi tác và giới tính như chăm sóc chồng và con cháu.
Xu hướng sống độc thân ở Hàn Quốc, hay còn gọi là "bihon", đang trở nên phổ biến trong thế hệ phụ nữ trẻ, những người từ chối quan điểm truyền thống về hôn nhân. Tuy nhiên, những người như Shim và Lee đã đi tiên phong trong lối sống này nhiều thập kỷ, thách thức chuẩn mực xã hội ở một đất nước lấy hôn nhân làm trung tâm như Hàn Quốc.
Lee cho biết: "Ở thời của chúng tôi, phụ nữ không kết hôn là điều kỳ quặc, thậm chí là đáng thương hại. Chúng tôi đưa ra quyết định đó vì chúng tôi muốn như vậy nhưng giờ đây, hóa ra là chúng tôi đã đi trước xu hướng".
Một nghiên cứu của chính phủ nước này vào năm 2023 cho thấy, phụ nữ Hàn Quốc gánh vác phần lớn việc nhà cho đến khi 84 tuổi. Điều đó đồng nghĩa với việc trách nhiệm nội trợ, chăm con và chăm sóc nói chung đổ lên vai phụ nữ trong những năm về già.
Nhưng Shim, Lee và bạn của họ là Lee Kyung-ok lại khác. Họ nằm trong số ngày càng nhiều người Hàn Quốc hình thành một kiểu cấu trúc gia đình mới: tạo ra các cộng đồng để hỗ trợ nhau về nhà ở, nghỉ hưu và chăm sóc sức khỏe, những hệ thống thường tập trung vào các cặp vợ chồng. Nó được gọi là "Gia đình DIY", một mô hình sống tập thể mà nhiều người theo chủ nghĩa không kết hôn ủng hộ.
Sáu năm qua, 3 người phụ nữ sống trong một ngôi nhà ẩn mình giữa những cánh đồng dưa vàng, cách Thủ đô Seoul khoảng 40 dặm về phía Đông Nam. Bộ ba tổ chức các sự kiện cho cộng đồng của mình và chăm sóc 5 con chó, 3 con mèo và 6 con gà.
Họ bắt đầu ngày mới cùng nhau với bữa sáng lúc 8 giờ nhưng vẫn duy trì lịch trình hàng ngày riêng biệt. Cân bằng giữa sự độc lập và cuộc sống tập thể là "chìa khóa" để họ sống hòa thuận với nhau. Shim nói: "Chúng tôi có thể chỉ còn sống được vài năm. Miễn là không can dự vào cách sống của nhau, chúng tôi sẽ tiếp tục chung sống".
Theo Phụ nữ Việt Nam