Thừa cân, béo phì khiến nhiều người mất tự tin trong cuộc sống. Họ tìm mọi cách để giảm cân, bất chấp hậu quả.

Uống thuốc giảm cân

Về tác dụng thực sự của những loại thuốc giảm cân đang được bán tràn lan trên thị trường, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: “Thuốc giảm cân được chia thành các loại, đó là loại giảm hấp thu chất béo từ lòng ruột, tăng cường đốt cháy chất béo trong cơ thể và thuốc gây nhuận tràng.

Tuy nhiên, loại thứ hai không nên dùng, vì dùng lâu sẽ gây mất các chất dinh dưỡng của cơ thể. Giả sử giảm được 8-10 kg như quảng cáo thì sức khỏe người sử dụng có thể gặp nguy hiểm, nhất là những người đã mắc bệnh gout”.

Ngoài ra, PGS Lâm khuyến cáo, khi sử dụng thuốc giảm cân, chị em sẽ phải chấp nhận sống chung với những tác dụng phụ như tiêu chảy kéo dài, suy nhược cơ thể, dùng lâu dài có thể ảnh hưởng đến thần kinh, huyết áp, gây trầm cảm, phải lệ thuộc vào thuốc..., ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Những phương pháp giảm cân nguy hiểm đến tính mạng-1

Thuốc giảm cân gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Ảnh: Manaysw

Tiêm tan mỡ

Tiêm tan mỡ là phương pháp giảm cân được quảng cáo rầm rộ trên mạng, hứa hẹn cho kết quả nhanh, ít đau đớn, thu hút nhiều khách hàng. 

Bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM), cho biết thuốc gây tan mỡ thực chất là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ Deoxycholate natri (DC), một loại muối mật có tác dụng hòa tan và tẩy rửa.

Tiêm thuốc này vào mô mỡ rất nguy hiểm, chúng không chỉ phá hủy màng tế bào mỡ mà cả màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh,… trong vùng tiêm thuốc. Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ sẽ giải phóng ra triglyceride (dầu) ở dạng nhũ tương. Lượng nhũ tương này nếu không được hút ra khỏi cơ thể sẽ gây ứ đọng tại chỗ.

Vùng được tiêm hình thành một lượng lớn các hạt mỡ di động (nằm trong các bạch cầu và đại thực bào) đi vào trong máu, đến gan, thận để đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, phản ứng này của cơ thể không thể giải quyết ngay lượng lớn triglyceride ứ đọng, gây nên hiện tượng u nang tại chỗ, viêm mô tế bào, thậm chí hoại tử da, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ nguy hiểm.

Ở Việt Nam chưa có cảnh báo về chất này, tuy nhiên khi xem thành phần thuốc được các trung tâm làm đẹp sử dụng đều là PPC. 

Chất thứ hai được đồn đại có thể tiêm để giảm cân là vitamin B12. Cách làm đẹp này được lý giải là làm tăng tốc quá trình chuyển hoá, tiêu hao năng lượng. Điều này là sai, vitamin nói chung chỉ là chất xúc tác các phản ứng chứ không thể làm tiêu hao năng lượng.

Bệnh nhân được chỉ định tiêm khi thiếu vitamin B12 sẽ gây thiếu máu đặc biệt, còn gọi thiếu máu nguyên bào khổng lồ. Tiêm vitamin B12 có thể bị nguy hiểm do dị ứng, thậm chí sốc phản vệ gây chết người.

Những phương pháp giảm cân nguy hiểm đến tính mạng-2
Thuốc gây tan mỡ thực chất là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ Deoxycholate natri (DC), một loại muối mật có tác dụng hòa tan và tẩy rửa. Ảnh: Weightlosssafely

Chất thứ ba được dùng để tiêm trực tiếp là chế phẩm chứa: cholin, inostiol và methionin. Chúng giúp ngăn ngừa quá trình mỡ tích tụ quanh gan. Ba chất này đều bắt nguồn từ thực phẩm, có thể liên quan đến chuyển hoá mỡ nhưng quảng cáo có tác dụng làm tan mỡ đến độ giảm cân, chống béo phì chỉ là lời đồn.

Nhịn ăn

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thanh lọc cơ thể, giảm cân không đúng cách, nhịn ăn hoàn toàn sẽ khiến cơ thể bị thiếu năng lượng nên giảm chuyển hóa, não thiếu năng lượng, suy nghĩ chậm lại.

Theo phản ứng bản năng sinh tồn của cơ thể, khi thiếu năng lượng nên một số giác quan sẽ huy động tối đa như thị giác, thính giác và nhiều người đã lầm tưởng cơ thể được khỏe khoắn hơn. Song, quá trình nhịn ăn nếu kéo dài, cơ thể khi hết nguồn dự trữ phải tiêu hủy các mô quan trọng để sinh năng lượng như mô cơ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí dẫn đến tử vong.

Ngoài ra chế độ này có thể gây thiếu hụt vitamin, rối loạn nước điện giải trầm trọng hoặc gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan.

Người nhịn ăn quá lâu, đến khi ăn lại hay bị sốc, dạ dày hoạt động không quen sẽ ảnh hưởng rất lớn. Khi nhịn ăn lâu ngày, thậm chí còn xuất hiện hội chứng nuôi ăn lại.

Hội chứng nuôi ăn lại được cho là liên quan đến rối loạn chuyển hóa nặng, xuất hiện trên những bệnh nhân nhịn đói kéo dài hoặc suy dinh dưỡng nặng. Người bệnh khi nhịn ăn dài ngày vẫn có thể hoạt động, nhưng khi bắt đầu ăn uống trở lại, sẽ xuất hiện các biểu hiện bất thường.

Các biểu hiện thường gặp ở hội chứng này là đau mỏi, yếu cơ, co giật, hôn mê, choáng tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân tử vong thường do các biến chứng tim mạch như rối loạn nhịp, suy tim, phù phổi sau khi bị rối loạn điện giải nặng.

Đốt lửa giảm mỡ

Thoa tinh dầu, trải 3 lớp khăn ẩm lên bụng khách, đổ cồn, bật lửa, sau khoảng 20 giây nhân viên spa dùng khăn dập lửa là quy trình giảm mỡ bằng hỏa liệu pháp đang được quảng cáo tại một số spa. Phương pháp này được giới thiệu có công dụng giảm mỡ bụng hoặc bất cứ phần nào trên cơ thể nếu khách hàng yêu cầu.

Những phương pháp giảm cân nguy hiểm đến tính mạng-3
Phương pháp giảm mỡ bằng lửa ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Ảnh: FB

TS.BS phẫu thuật thẩm mỹ Mai Mạnh Tuấn (tốt nghiệp Học viện Quân y), cho biết: "Tôi chưa từng nghe nói về phương pháp làm đẹp này trong y học. Mỡ bụng, đùi là những tổ chức khó bị phá vỡ và phân hủy nếu không sử dụng biện pháp can thiệp trực tiếp như hút mỡ, tập luyện hay ăn kiêng. Ngay cả phương pháp làm tan mỡ bằng sóng cũng không có hiệu quả cao". 

Vị chuyên gia này cũng phân tích thêm, đốt lửa trong thời gian ngắn không mang lại tác dụng, chưa có chứng minh nào cho thấy hiệu quả của hỏa liệu pháp. Hơn thế, người thực hiện cũng như khách hàng ẩn chứa nhiều nguy cơ hỏa hoạn, bỏng da nếu không xử lý đúng cách.

Theo Zing