Ngày Cá tháng Tư hay còn được biết đến là ngày Quốc tế nói dối được nhiều quốc gia trên thế giới kỷ niệm vào ngày đầu tiên của tháng tư. Trong ngày này, mọi người sẽ tung các tin đồn vô hại với mọi người xung quanh để trêu chọc họ.
Theo Wikipedia, truyền thuyết cho rằng ngày ngày 1 tháng 4 là ngày sinh và ngày chết của Judas Iscariot, người đã phản bội Chúa Giêsu. Nhiều người tin rằng ngày này là ngày đen tối, tương tự như Thứ Sáu ngày 13.
Có nhiều quan niệm khác nhau về nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư nhưng cho đến nay lịch sử ra đời của ngày này vẫn chưa có lời giải. Rất nhiều người cho rằng ngày nói dối 1 tháng 4 bắt nguồn từ Pháp.
Theo dân gian tương truyền, vào thế kỷ 16 nước Pháp vẫn ăn mừng ngày đầu năm mới vào tháng 4, nhưng năm 1564, Hoàng đế Charles IX đã ra lệnh chuyển ngày Tết về ngày 1 tháng 1. Bởi thời đó các phương tiện đại chúng chưa phát triển như ngày nay, nên hầu hết dân chúng không hề biết tới sắc lệch của Hoàng đế mà vẫn tổ chức ăn mừng vui vẻ vào ngày đầu tháng tư.
Những người này đã bị cười chê, và kể từ đó ngày Cá tháng Tư ra đời. Những công dân Pháp ăn mừng năm mới khi đó trở thành những con "cá" lớn đầu tiên trong lịch sử quốc tế ngày nói dối.
Ngày Cá tháng Tư từ lâu đã được người dân ở nhiều nước trên thế giới kỷ niệm (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, nhiều người biết tới câu chuyện về nguồn gốc của của ngày Cá tháng Tư xuất phát từ Roma, dưới thời Giáo hoàng Gregory XIII, giáo hoàng thứ 226 của Giáo hội Công giáo Roma, cha đẻ của lịch Gregory hay còn được biết đến là lịch Tây ngày nay.
Theo sử sách ghi chép, con người đã ăn mừng ngày Cá tháng Tư từ hàng trăm năm trước, nhưng họ vẫn chưa thể biết chính xác năm nào. Vậy nên nguồn gốc của ngày này vẫn còn để ngỏ.
Ý nghĩa của ngày Cá tháng Tư
Ý nghĩa phổ thông nhất mà chúng ta biết đến về ngày 1 tháng 4 là ngày mà con người có thể nói dối - những lời nói dối hoàn toàn vô hại nhằm trêu đùa nhau chỉ để giải trí. Tuy nhiên, ở mỗi một quốc gia khác nhau thì ngày Cá tháng Tư lại mang một ý nghĩa riêng biệt và người dân các nước cũng có những cách kỷ niệm ngày này không giống nhau.
Ở Pháp, Ý và Bỉ, vào ngày 1 tháng 4, mọi người thường lén dán một con cá giấy vào lưng của "nạn nhân" mà không bị phát hiện.
Ngày Cá tháng Tư trở thành ngày người ta nói dối, đùa giỡn nhau những trò vô hại để giải trí (Ảnh: Zing)
Tại Anh, ngày Cá tháng Tư chỉ diễn ra trong nửa ngày. Những ai không may trở thành nạn nhân của những trò đùa bị gọi là "kẻ ngốc tháng tư", và những người cố tình trêu đùa từ buổi trưa ngày 1 tháng 4 cũng tự biến mình thành kẻ ngốc.
Còn ở Scotland, trò đùa truyền thống trong ngày Cá tháng Tư là truyền tay nhau chuyển một tin nhắn được niêm phong có có yêu cầu xin được giúp đỡ. Thông điệp trong tin nhắn ghi: "Dinna laugh, dinna smile. Hunt the gowk another mile" (tạm dịch là "Dinna cười to, dinna cười mỉm. Săn chim cúc cu ở nơi khác"). Những ai nhận được tin nhắn đó đều trở thành nạn nhân của ngày Cá tháng Tư.
Từ Pháp và một số quốc gia Châu Âu, ngày quốc tế nói dối dần lan rộng ra cả thế giới. Những câu nói dóc, nói xạo vô hại trở thành trò đùa phổ biến trong ngày này khiến bất cứ ai cũng có thể trở thành con "cá" nếu mất cảnh giác. Mặc dù phổ biến là thế, ấy vậy mà lịch sử đã ghi nhận rất nhiều những trò đùa khét tiếng gây bão dư luận vào ngày 1 tháng 4.
Những cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử ngày Cá tháng Tư
Chim cánh cụt biết bay
Vào ngày Cá tháng Tư năm 2008, nhà đài BBC của Anh đã gây chấn động mạng với bản tin kèm clip về phát hiện mới "chim cánh cụt biết bay" do một nhóm quay phim tại đảo King George Nam Cực ghi lại được.
Sau khi xuất hiện trên mạng, đoạn video này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cư dân mạng và được lan truyền mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây chỉ là một trò đùa của BBC. Các nhà làm phim đã sử dụng hình ảnh về những loài chim trông giống chim cánh cụt và bắt chước chuyển động của chúng để tạo ra hình ảnh về những chú chim cánh cụt biết bay.
Video "chim cánh cụt biết bay" của BBC từng gây bão mạng năm 2008 (Ảnh cắt từ clip)
Các hành tinh thẳng hàng làm giảm trọng lực ở Trái Đất và con người có thể bay
Trước đó, năm 1976, BBC đã khiến dư luận bức xúc vì trò lừa "quá trớn" của mình vào ngày 1 tháng 4.
Trong một cuộc phỏng vấn trên BBC Radio 2, nhà thiên văn học Anh, Patrick Moore đã thông báo về một sự kiện thiên văn hiếm có sắp xảy ra. Cụ thể vào lúc 9h47, sao Diêm Vương, sao Mộc và Trái Đất sẽ thẳng hàng nhau, gây giảm trọng lực ở Trái Đất. Mọi người có thể trải qua cảm giác lơ lửng trong không trung nếu họ nhảy cao vào đúng thời điểm 3 hành tinh thẳng hàng với nhau.
Ai nấy cũng đều tin "sái cổ" và làm theo những gì BBC phát. Thế nhưng, cảm giác lơ lửng không thấy đâu mà nhiều người còn mang tật vì nhảy cao trong nhà. Sau thời điểm đó, một số người đã gọi điện đến BBC yêu cầu đài này phải bồi thường cho họ vì lý do nhảy quá cao và đập đầu vào trần nhà.
Nhiều người tin "sái cổ" với trò bịp ngày Cá tháng Tư của đài BBC năm 1976 (Ảnh: The Museum of Hoaxes)
Mùa thu hoạch mì ống Thụy Sĩ
Lại thêm một trò đùa kinh điển nữa của BBC. Năm 1957, đài này đã lừa khán giả một cách ngoạn mục khi cho phát một bộ phim giả cảnh những người nông dân Thụy Sĩ đang thu hoạch mì ống (Spaghetti) tươi từ những cành cây.
Ngay sau đó, tổng đài của BBC liên tục nhận được các yêu cầu mua một "cây spaghetti" như trên phim, buộc họ phải thú nhận đó chỉ là một trò đùa trong ngày Cá tháng Tư.
Cảnh thu hoạch mỳ ống từ "cây spaghetti" tại Thụy Sĩ trên đài BBC gây bão dư luận (Ảnh: Internet)
Giá trị số pi được quy đổi thành số quy định trong Kinh thánh
Một trong những trò đùa Cá tháng Tư hay nhất thế giới là bài báo khoa học công bố việc quy đổi giá trị pi từ 3,14159 thành số quy định trong Kinh thánh là 3,0. Công bố này được xuất bản trên tờ New Mexicans for Science and Reason năm 1998 đã gây xôn xao dư luận, đặc biệt là giới khoa học và toán học. Tuy nhiên, đây chỉ là một trò đùa trong ngày quốc tế nói dối mà thôi.
Trò lừa số pi được quy đổi thành giá trị 3,0 khiến thế giới xôn xao năm 1998. (Ảnh: Internet)
Túi nilon biến tivi đen trắng thành tivi màu
Năm 1962, hầu hết tivi tại Thụy Điển đều là tivi đen trắng. Vào ngày 1 tháng 4 năm 1962, một chương trình của quốc gia này giới thiệu chuyên gia kỹ thuật của trạm, ông Kjell Stensson đem tới cho người xem công nghệ chuyển đổi tivi đen trắng thành màu sắc sống động chỉ bằng túi nilon.
Để thuyết phục người xem, Stensson đã làm mẫu ngay trong chương trình: trùm một chiếc nilon màu lên màn hình tivi. Hàng ngàn người đã bắt chước theo nhưng không thành công. Ngay sau đó, họ phát hiện ra mình chỉ là "con cá tháng tư".
Công nghệ đọc suy nghĩ người dùng
Hãng công nghệ lớn Google cũng tung ra những trò bịp không kém phần ngoạn mục để bắt "cá tháng tư" vào ngày này. Năm 2000, Google tuyên bố cho ra mắt công nghệ tìm kiếm mới bằng cách độc suy nghĩ người dùng, mang tên MentalPlex. Theo đó, người sử dụng không cần gõ từ khóa tìm kiếm mà chỉ cần làm theo hướng dẫn chi tiết sau của Google:
1. Bỏ mũ và kính ra
2. Giữ nguyên đầu ở 1 vị trí và tập trung nhìn vào một vòng tròn xoáy trên website tìm kiếm.
3. Tập trung vào hình ảnh, nội dung cần tìm kiếm. Bạn có nhìn thấy nội dung cần tìm kiếm?
Hàng ngàn người dùng đã làm theo hướng dẫn để rồi phát hiện ra mình là "nạn nhân" khi kết quả tìm kiếm của Google chỉ hiển thị ra thông điệp về ngày Cá tháng Tư.
Google từng tung trò bịp người dùng vào ngày Cá tháng Tư (Ảnh: Internet)
Giờ đây, ngày1 tháng 4 được giới trẻ tận dụng như một ngày tỏ tình. Bởi nếu bị từ chối, thì chúng mình cũng không cần phải ngại ngùng vì là ngày nói dối mà, phải không? Bạn có kế hoạch gì để "thả thính" và "bắt cá" vào ngày Cá tháng Tư tới đây chưa?
Ngày Cá tháng Tư được giới trẻ biến thành ngày tỏ tình, để những ai đang yêu đơn phương có thể nói lời yêu mà nếu bị từ chối cũng không phải xấu hổ (Ảnh: Internet)
VEO
Theo Vietnamnet