"Công thức viral" phiên bản tích cực
Trong bản tin Chuyển động 24h được phát sóng vào trưa ngày 20/3 trên VTV1, cặp đôi Ninh Anh Bùi và Nguyễn Tùng Dương bất ngờ xuất hiện trong phóng sự "Lý giải hiện tượng mạng và thị hiếu của giới trẻ".
Phóng sự của VTV cho rằng, gây sốc, chiêu trò không còn là công thức chung để trở thành "hiện tượng mạng xã hội" khi những nội dung tích cực vẫn có thể dễ dàng thu hút hàng triệu lượt xem.
Khoảnh khắc cặp đôi Ninh Anh Bùi và Nguyễn Tùng Dương tại một trung tâm thương mại ở TP.HCM với hàng nghìn người hâm mộ vây kín xung quanh được VTV lan tỏa trong phóng sự kèm với câu hỏi: "Ngôi sao quốc tế nào sang Việt Nam mà không báo trước vậy?", đủ thấy độ "hot" của cặp đôi trước công chúng cũng như giới trẻ.
Theo VTV, sức mạnh của những cuộc trò chuyện bình thường dường như trở thành "thế lực mới" thu hút sự quan tâm của người dùng mạng.
Chẳng thế mà bất kể đêm nhạc nào cũng cháy vé khi hai cái tên Uyên Linh - Mỹ Linh xuất hiện. Cứ khi nào họ nói chuyện, thì phản ứng của Mỹ Linh luôn trở thành hình ảnh lan tỏa trên mạng xã hội.
Những dẫn chứng hiện đang nắm giữ vị trí top trending cho thấy xu hướng quan tâm của người dùng mạng, đặc biệt là người trẻ đã thay đổi.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Kirsten Eddy, Đại học Oxford về thái độ và thói quen tiếp cận tin tức của người trẻ, thực hiện với 24 người đến từ mỗi quốc gia trên thế giới từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2022 cho thấy: Chỉ có 37% người trẻ (dưới 35 tuổi) xem và tin vào các tin tức, trong khi số người trên 55 tuổi tỉ lệ này là gần 50%. Những người trẻ tuổi cũng ngày càng chọn cách né tránh tin tức. Trong tất cả các nước, khoảng 4 trong số 10 người dưới 35 tuổi thường xuyên từ chối tiếp nhận tin tức.
34% khán giả trẻ (dưới 35 tuổi) nhận thấy tin tức có tác động tiêu cực đến tâm trạng của họ. Ở Anh, 64% số người trẻ cho biết tin tức mỗi ngày khiến tâm trạng của họ đi xuống. Thay vào đó, họ quan tâm đến các thông tin "nhẹ nhàng" như: Tin tức giải trí và người nổi tiếng (33% quan tâm), tin tức văn hóa và nghệ thuật (37%) và giáo dục (34%).
Giới trẻ không rời được điện thoại nhưng lại sợ nghe điện thoại
VTV cho rằng, ngoài hội chứng sợ và né tránh tin nóng, tin sốc mỗi sáng, còn một thứ người trẻ cũng rất sợ đó là tiếng chuông điện thoại. Một số người trẻ ngày nay không thường xuyên gọi điện.
Họ sống trong một thế giới tràn ngập ứng dụng nhắn tin, họ có thể hiểu rõ các quy tắc, ý nghĩa của từng biểu tượng cảm xúc. Nhưng để bắt đầu một cuộc hội thoại thì lại phải lập sẵn trước đó một kịch bản.
Hội chứng này có thể biểu đạt cho sự mất định hướng và biểu đạt của các bạn trẻ trong thế hệ hiện tại. Nghiên cứu ở Australia cho thấy 90% Gen Z lo lắng khi nghe điện thoại và các cuộc gọi trực tiếp là một trong ba điều họ muốn tránh nhất trong cuộc sống.
Một thế hệ không rời được điện thoại nhưng lại sợ nghe điện thoại. Họ ẩn mình để cười, để vui với các clip chữa lành, nhưng không thể cười vui khi có ai ở cạnh.
Những nội dung về tình yêu, tình bạn, chủ đề chữa lành, những podcast trong vài năm trở lại đây bỗng trở nơi an náu tâm hồn cho Gen Z. Họ có thể được bình an ít phút, ít giờ trên màn hình điện thoại.
Mỗi một lượt like, chia sẻ hay số giây ở lại với một video chính là cách mà xu hướng tạo thành. Rapper ICD trong cuộc thi King of Rap viết: "Thời buổi mà chúng ta không được quyết định mình thích gì.
Cộng đồng mạng sẽ quyết định mình thích gì! Chúng ta đang chỉ trích mạng xã hội trên mạng xã hội ư?".
Theo Tiền Phong