Cấp cứu – nguy kịch - tử vong vì bị ong đốt

Tối ngày 4/11, tại bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục trẻ em cấp cứu do bị ong đốt. Và nguyên nhân là do khi đang trong giờ ra chơi, một số học sinh lớp trên đã dùng đá ném vào tổ ong, khiến đàn ong hoảng loạn bay và đốt vào các em học sinh trong trường. Theo các bác sỹ tại bệnh viện Bạch Mai, trong số những em nhập viện do bị ong đốt, có những em bị ong đốt hơn 10 nốt. Những trường hợp này liên tục nôn, khóc, mất sức và đã được các bác sĩ cấp cứu.

Trước đó vào ngày 2/11, em Lý Quỳnh Trang, 13 tuổi trú tại Mai Châu, Hoà Bình trong lúc đi lấy củi nấu cơm trưa cùng các bạn ở lớp học bán trú thì bất ngờ bị ong vò vẽ đốt. Hiện tại em Lý Quỳnh Trang đang được cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với 115 vết đốt khắp người với các biểu hiện như sốc, rét run, khó thở, không nhìn thấy gì...

xử lý khi bị ong đốt
Hình ảnh sưng phù của nạn nhân sau khi bị ong đốt (Ảnh: Internet)

Vào tháng 9/2014, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận cấp cứu 3 trẻ nhỏ ở Đắc Nông bị ong vò vẽ đốt. Được biết, trong khi 3 em nhỏ này chạy vào vườn chơi, em bé 7 tuổi vô tình rung cây có tổ vò vẽ và bị ong lao xuống đốt. 2 trong số 3 em bé sau khi được các bác sỹ cấp cứu khoie tình trạng nguy kịch và bị rối loạn đông máu thì đã hồi phục. Trường hợp còn lại đã tử vong sau nửa ngày nhập viện.

Nọc độc của ong có khả năng gây chết người

Ở nước ta, với địa thế rừng núi nhiều, trong các khu dân cư, trường học thường có nhiều cây xanh. Trong khi đó với thói quen sống thành đàn, làm tổ ở hốc cây, kẽ đá, bụi rậm, trong rừng, hoặc các tổ hòm cải tiến do người nuôi làm… Vì thế việc người dân bị ong chích đốt khi bất cẩn thường xuyên xảy ra. Khi bị ong đốt, nếu không được sơ cứu/cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể gặp biến chứng và tử vong ngay sau 30 phút. Theo các chuyên gia thì nguy cơ nạn nhân bị ong đốt tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc độc và phản ứng của cơ thể.

xử lý khi bị ong đốt
Nọc độc của ong có những độc tố có thể gây chết người (Ảnh: Internet)

Có rất nhiều loại ong có thể gây ra độc tố chết người như ong vò vẽ, ong bầu, ong mật, ong đất, ong bắp cày… Nọc của ong có chứa rất nhiều chất cực độc, trong đó 2 chất apamin và melittin được xem là độc nhất và gây nguy hiểm đến tính mạng. Các chất độc này sẽ khiến người bị đốt phù nề, đau nhức, khó thở, da tím tái, đau bụng, nôn, tụt huyết áp. Nguy hiểm hơn các chất độc từ nọc ong sẽ gây tan máu và rối loạn đông máu. Một số chất có khả năng làm làm tê liệt hoạt động của hệ thần kinh và hoạt động cơ, thậm chí gây liệt cơ hô hấp, liệt thần kinh và tử vong. 

Xử lý tình huống và sơ cứu khi bị ong đốt

Khi bị ong đốt, biểu hiện đầu tiên của nạn nhân là da mẩn ngứa, đau, phù nề quang vùng da bị ong đốt. Sau đó, tùy thuộc vào nọc độc của loại ong mà nạn nhân có thể bị sốc phản vệ (khó thở, da tím tái, đau bụng, nôn, tụt huyết áp, tiêu chảy). Trường hợp nặng, nạn nhân thường suy kiệt rất nhanh, khả năng bị suy hô hấp rất cao, trụy tim mạch rồi tử vong. Vì thế khi bị ong đốt mọi người tuyệt đối không được coi thường, cần phải nhanh chóng được sơ cấp cứu và đến cơ sở y tế ngay lập tức để được được thăm khám, điều trị.

Phòng bệnh bao giờ cùng tốt hơn chữa bệnh. Để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra. Người dân cần tuyệt đối:

- Không chọc phá tổ ong vì loài ong chỉ tấn công khi chúng thấy bị đe dọa. Các bậc phụ huynh cần căn dặn con trẻ tránh xa tổ ong. 
- Phải mặc đồ bảo hộ khi lấy mật ong.
- Không mặc quần áo màu sắc sặc sỡ, xịt nước hoa, dùng mỹ phẩm có mùi thơm khi đi vào rừng. Vì loài ong thường bị thu hút bởi mùi hương. 
- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà, trường học, khu dân cư… để tránh ong làm tổ.

xử lý khi bị ong đốt
Sau khi gạt bỏ nọc độc cần rửa sạch vết ong đốt với xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng (Ảnh: Internet)

Khi bị ong đốt cần xử lý thật nhanh vết ong đốt bằng cách:

- Nằm yên một chỗ, tránh cử động vì càng cử động nhiều nọc độc càng lan nhanh và thấm sâu vào cơ thể. Tốt nhất nên gọi người trợ giúp để xử lý khi bị ong đốt.
- Dùng vật cứng hoặc nhíp khều nhẹ rồi lấy nọc của ong ra. Không được dùng tay nặn nọc ong vì khi nặn, túi độc ở nọc sẽ vỡ ra, lan nhanh và thấm sâu vào cơ thể. 
- Sau khi lấy nọc độc của ong ra, cần phải cần rửa sạch những vết ong chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng. Sau đó có thể dùng khăn lạnh hoặc túi chường đá đắp lên vùng da bị ong đốt để giảm đau và giảm phù nề.
- Khi bị ong đốt, nên uống nhiều nước để cơ thể thải bớt độc tốc.

Ngay sau khi sơ cứu xong, cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và cấp cứu kịp thời. Cần tránh trường hợp để nạn nhân bị ong đốt có biểu hiện nặng mới đưa tới bệnh viện.

Theo Afamily/ Trí thức trẻ