Hành trình truy bắt nghi phạm

Ngày 17/5, Công an TP HCM khởi tố, bắt giam Nguyễn Tấn Tài (tức Tài Mụn), Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi) về hành vi Giết người và Trộm cắp tài sản. Trong đó, Tài được xác định trực tiếp đâm 5 hiệp sĩ đường phố khiến hai người tử vong.

Liên quan vụ án, Ngô Văn Hùng (32 tuổi) cũng bị khởi tố hành vi Che giấu tội phạm. Cả ba nghi phạm đều mang nhiều tiền án, tiền sự.


Các đối tượng Tài, Phú và Hùng.

Khai với cơ quan điều tra, Tài Mụn cho biết, ngay sau khi dùng dao đâm liên tiếp nhóm hiệp sĩ trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận 3), hắn được Phú chở đi trốn. Lòng vòng đến rạng sáng, bộ đôi chia tay mỗi người một nơi để trốn.

Không biết đi đâu, Tài gọi điện cho Hùng (quen biết qua mạng) để xin ngủ nhờ. Hắn chạy xe Exciter đến căn nhà trọ trên đường Phạm Văn Chiêu (phường 9, quận Gò Vấp) và được vợ chồng Hùng đưa lên phòng.

Tài mượn điện thoại lên mạng xem thông tin, biết hai hiệp sĩ bị mình đâm đã chết, hắn tỏ vẻ lo sợ. Hùng nghi ngờ gặng hỏi, Tài thừa nhận “em có đi chung với bạn trong vụ này”.

Dù biết Tài gây án nhưng Hùng vẫn cho anh ta ở lại phòng, lo ăn ở. Do lường trước việc sẽ bị phát hiện, Tài và Phú bàn bạc tìm nhiều chứng cứ ngoại phạm và thoả thuận “nếu đứa nào bị bắt cũng tuyệt đối không khai đồng phạm”.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây rúng động xã hội buộc Ban giám đốc Công an TP HCM huy động Phòng cảnh sát Hình sự, công an nhiều quận huyện cùng tham gia phá án. Toàn bộ camera an ninh các tuyến đường xung quanh khu vực được trích xuất.

Hình ảnh thu được cho thấy Tài đâm 5 hiệp sĩ chỉ trong 13 giây. Lực lượng chức năng cũng làm việc với hàng loạt người liên quan. Công an tình nghi kẻ đâm các hiệp sĩ từng liên quan đến các vụ trộm cướp khác. Trong khi đồng phạm sa lưới, anh ta tiếp tục phạm pháp.

Nhiều người đang bị giam trong các vụ án khác được cảnh sát trích xuất, lấy lời khai. Chân dung kẻ thủ ác lộ diện khi hắn từng mang tiền án về tội Trộm cắp và Đánh bạc.

Ngày 14/5, cảnh sát triệu tập Phú. Tuy nhiên, do hình ảnh camera ghi nhận ban đêm khó xác định nhân dạng, Phú lại tỏ ra bình tĩnh (vì đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó), nguỵ tạo nhiều chứng cứ ngoại phạm, nên cơ quan điều tra chưa bắt.

Trong lúc thu thập căn cứ buộc tội Phú, một tổ trinh sát nòng cốt là Đội Phòng chống tội phạm có tổ chức (Đội 2) đã lần được tung tích Tài Mụn. Ngay trong đêm đó, hàng chục cảnh sát âm thầm tiếp cận căn nhà Hùng thuê trọ, bao vây khu vực.

Phát hiện cảnh sát, Tài Mụn cố thủ bên trong được một lúc thì trổ mái tôn, định bỏ trốn qua đường này. Nhiều căn nhà xung quanh đó đã có trinh sát mai phục.

Khi hắn định phá giếng trời một căn nhà để lẻn vào thì cảnh sát ập đến. Tài ném tất cả những vật có trong tay để chống cự, song bị quật ngã. Cơ quan điều tra đang làm rõ lời khai của 3 bị can để xác định những người còn liên quan.

“Không lấy cái đau thương làm thành tích”

Trong cuộc họp báo về sự việc, Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TP HCM) đánh giá vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây mất mát đau thương không chỉ cho gia đình nạn nhân, mà còn là nỗi đau của lãnh đạo UBND và Công an thành phố.

Ông xác định Nguyễn Tấn Tài là kẻ trực tiếp gây án. Trước đó, chúng định trộm xe ở đường Bắc Hải (quận 10) nhưng chỗ đó có bảo vệ nên phải bỏ cuộc.

Khi đến cửa hàng thời trang ở quận 3, Phú dừng xe phía bên kia đường Cách Mạng Tháng 8 (thuộc quận 10) cho Tài qua bẻ khóa.

“Sau khi đâm ông Hoàng (trưởng nhóm hiệp sĩ), Tài chạy ra xe Phú đang đợi thì một số hiệp sĩ đến sau, xông vào bắt hắn. Tài tiếp tục đâm nhóm này. Hình ảnh từ camera an ninh tại khu vực cho thấy sự việc chỉ diễn ra trong 13 giây”, ông nói và cho biết cảm thấy rất day dứt vì hậu quả vụ án, nhiều đơn vị đã được huy động để truy bắt băng trộm.

Xác định việc bắt được 2 nghi can là nhiệm vụ của công an, ông Minh khẳng định “chúng tôi không lấy cái đau thương làm thành tích cho mình”.

Theo đó, toàn bộ số tiền vừa được lãnh đạo thành phố khen thưởng, Công an thành phố sẽ trao cho gia đình các nạn nhân. Nói về mô hình hiệp sĩ đường phố tại TP HCM hơn chục năm qua, ông Minh tỏ ra khá trăn trở.


Hiện trường nơi xảy ra vụ án khiến 2 “hiệp sĩ” bị đâm tử vong, 3 “hiệp sĩ” bị thương

Giọng chậm, ông cho biết: “Công an thành phố không tìm thấy căn cứ để hợp thức mô hình này, sẽ tiếp tục nghiên cứu”. Tướng Minh đánh giá các hiệp sĩ đang làm việc nghĩa.

Nhưng muốn làm việc nghĩa thì cũng cần được huấn luyện; phải biết cái gì pháp luật cho phép làm, cái gì không và cần được hỗ trợ từ công an. Bởi ngay cả lực lượng công an chính quy nhiều việc cũng không thể thực hiện được.

“Công an thành phố day dứt vì chưa chuẩn hóa được, nhóm hiệp sĩ cũng không lường trước được các nguy hiểm sẽ gặp phải để hạn chế mất mát tuyệt đối”, ông nói.

Vài giờ sau vụ án, trên mạng xuất hiện thông tin cho rằng nhóm công an phường chỉ ở cách hiện trường 20 m nhưng không hỗ trợ khi người dân đến cầu cứu.

Nói về việc này, thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết đã yêu cầu kiểm tra, thời điểm đó nhóm công an phường và lực lượng bảo vệ dân phố đang làm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự tại khu vực nghĩa trang hồi giáo (phường 10, quận 3 - vừa bị giải tỏa để xây dựng công trình metro).

Họ là lực lượng thuộc phường 2, được Công an quận 3 điều động tăng cường qua phường 10. Khi nghe người dân báo, công an không rời vị trí làm việc nhưng đã cử người chạy đến Công an phường 10 cũng cách đó không xa để thông báo.

“Việc này cán bộ đã làm đúng trách nhiệm. Không vì đau thương mất mát này mà chúng ta lại tìm một cá nhân, tổ chức để ném đá như vậy. Thử nghĩ xem, đối tượng ra tay chỉ trong 13 giây. Chỉ chừng này thời gian, công an có thể làm được gì để ngăn chặn? Chỉ có thể đến để bảo vệ hiện trường, chê trách gì nữa?”, ông Minh thẳng thắn.

Ông Minh cũng khẳng định, lực lượng chức năng đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình phá án. Cần có sự nhìn nhận đúng bản chất và công bằng. “Đồng chí Kim Lý - Phó Công an quận 3 đã nhiều ngày không gặp con. Đồng chí ấy đã xác định nhiều nghi can, trích xuất cả những bị can trong các vụ án khác... tìm tung tích thủ phạm”, ông dẫn chứng.

Phó giám đốc Công an TP HCM khẳng định, anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, quê Đồng Nai) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, Bình Định) tử vong vì việc nghĩa. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Công an thành phố rất đồng tình, sẽ tập hợp hồ sơ xin phong liệt sĩ cho hai hiệp sĩ, truy tặng khen thưởng...

“Để làm việc này chúng ta cần có thời gian, những người bị thương vẫn còn điều trị. Hiện, cũng có nhiều hồ sơ xin phong liệt sĩ nhưng gặp phải quan điểm khác nhau, nên Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ là cơ quan xét duyệt”, ông Minh nói.

Trước câu hỏi Công an TP HCM làm gì khi tình trạng tội phạm ngày càng nghiêm trọng, gây dư luận xấu, thiếu tướng Phan Anh Minh thẳng thừng: “Tôi chẳng biết dư luận thế nào, và trả lời dư luận là trả lời ai?”. Tuy nhiên, ông Minh cũng trả lời rằng, thống kê của Công an TP HCM cho thấy số liệu cướp giật có lúc tăng, lúc giảm nhưng đang trên đà giảm.


Diễn biến vụ 2 "hiệp sĩ" ở Sài Gòn bị băng trộm đâm thiệt mạng (Nguồn: Zing)

Tuy nhiên, chỉ là giảm về số lượng, còn tính chất rất nghiêm trọng. “Nhưng phải nhớ rằng, ngày xưa tại thành phố còn có tình trạng cướp có vũ trang, chứ không phải bây giờ mới nổi lên”, ông Minh nói. “Tôi thừa nhận trật tự an toàn của thành phố có nhiều việc cần giải quyết triệt để hơn, nhưng trấn áp chỉ là giải quyết phần ngọn thôi.

Công an TP HCM cần có cái nhìn đồng thuận rõ ràng hơn. Ví dụ như tình trạng người nghiện ma túy chiếm 30-50% tội phạm gây án, chủ yếu là cướp giật.

Trong khi đó chính sách với người nghiện thì không được như xưa. Hồi ông Nguyễn Minh Triết làm Bí thư Thành ủy TP HCM, chúng ta có những cái hay hơn”, Thiếu tướng Minh cho biết.

Chỉ ra một nguyên nhân trọng yếu khiến tình trạng tội phạm gia tăng, ông Minh cho hay, TP HCM đang trong quá trình cơ cấu lại kinh tế, người các tỉnh thành kéo về rất nhiều. Họ nếu không được chăm sóc, giáo dục đầy đủ sẽ có nguy cơ tha hóa trở thành tội phạm.

“Giải quyết tội phạm là của công an nhưng không chỉ một mình công an là giải quyết được, nên chúng ta mới cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị”, ông nói.

Theo Pháp Luật Việt Nam