Liên quan đến vụ án 2 hiệp sĩ đường phố tử vong khi bắt nhóm cướp xe SH ở Sài Gòn tối qua 13/5 gây rúng động dư luận, một thành viên trong nhóm "hiệp sĩ đường phố" đã hoạt động gần 7-8 năm, anh Đỗ Công Tường (SN 1990, trú tại Tân Phú) đã chia sẻ về những khó khăn và rủi ro mà họ phải đối mặt mỗi khi làm nhiệm vụ.


Hiện trường vụ băng trộm xe SH đâm chết 2 hiệp sĩ ở Sài Gòn: Băng trộm bất ngờ dùng hung khí tấn công làm nhiều người bị thương. Trong đó, 3 người đã tử vong, những người khác đang được cấp cứu tại bệnh viện. (Nguồn: Zing)

Tay không bắt cướp vì sự bình yên của mọi người

Nhóm "hiệp sĩ đường phố" đơn giản chỉ là những người dân bình thường, không qua một lớp đào tạo kỹ năng tự vệ nào, đến với nhau chỉ vì chung niềm đam mê: thù ghét sự bất công, mong muốn dẹp bỏ nạn cướp giật trên phố để trả lại bình yên cho mọi người. Ban ngày, họ đều mưu sinh bằng những công việc khác nhau: lái xe, chạy xe ôm, bán hàng,... nhưng tối đến, tất cả họ lại cùng có chung 1 nhiệm vụ: bắt cướp, dẹp loạn.

Theo chia sẻ của anh Tường, nhóm anh không được học những kỹ năng tự vệ hay chống trả tội phạm, trước mỗi tình huống thì xử lý tự phát. Ngoài ra, mọi người trong nhóm sẽ tự học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm cho nhau về kỹ năng chạy xe, nhìn nhận và đánh giá tội phạm, lường trước rủi ro có thể xảy ra.


Anh Đỗ Công Tường, một thành viên của nhóm "hiệp sĩ đường phố" (Ảnh cắt từ clip)

Ngoài việc tay không bắt cướp, anh cũng cho biết những khó khăn mà nhóm thường gặp phải khi làm nhiệm vụ: tốc độ chạy xe, hung khí tội phạm sử dụng. Ngoài ra, tội phạm ngày càng manh động nên việc nhóm hiệp sĩ bị tấn công là chuyện khó lường.

Khi đuổi cướp, nhóm hiệp sĩ phải chạy tốc độ cao mà không phải ai cũng đuổi kịp để hỗ trợ nhau. Đôi khi một mình phải chống chọi với tội phạm trong ngõ hẹp là điều rất nguy hiểm. Có khi tội phạm chạy trước lại hất lái người đi đường khiến "hiệp sĩ" chạy sau dễ xảy ra va chạm giao thông hoặc bị ngã nếu không xử lý kịp thời.

Không những "nghèo nàn" trong kỹ năng, nhóm "hiệp sĩ đường phố" còn không được sự hỗ trợ nào từ người dân. Mọi chi phí trong khi làm nhiệm vụ đều do họ tự trang trải, từ việc sửa xe, nâng cấp xe cho tới tự đổ xăng. Tuy nhiên, những khó khăn đó không làm nhụt chí những "hiệp sĩ" vì họ đều có chung khát vọng giúp xã hội.


Video: Trải lòng của "hiệp sĩ" Tường về khó khăn khi làm nhiệm vụ

Mộc
Theo Vietnamnet