Vườn sao băng 

Là bộ phim mở màn cho trào lưu phim thần tượng Đài Loan “gây bão” ở châu Á, Vườn sao băng phát sóng vào năm 2001. Phim kể về cô nàng “cỏ dại” Sam Thái (Từ Hy Viên) đóng. Cô vào học ở trường dành cho các đại gia và gây hấn với nhóm F4 là những chàng trai đẹp hơn hoa.

Để rồi trưởng nhóm Đạo Minh Tự (Ngôn Thừa Húc đóng) đã phải lòng cô, dù Sam Thái lại đang tương tư một thành viên khác là Hoa Trạch Loại (Châu Du Dân đóng). 

Thu hút khán giả thời bấy giờ bằng dàn cast trẻ trung, xinh tươi và nội dung mới mẻ, Vườn sao băng đã tạo nên khái niệm về phim thần tượng và dẫn tới hàng loạt phim sau đó.

Ở thời điểm hiện tại, nội dung của Vườn sao băng lại bị đánh giá quá đơn giản, nữ chính Sam Thái vô dụng, không thông minh. Hay nam chính Đạo Minh Tự lại “trẻ trâu” tới vô lý, khi những việc anh làm nhằm gây chú ý tới Sam Thái khá là ngốc nghếch. Những tình tiết câu thoại “cải lương” cũng không còn hợp thời. 

Hoa dạng thiếu niên thiếu nữ 

Phát sóng vào năm 2006, Hoa dạng thiếu niên thiếu nữ kể về câu chuyện của cô nàng giả trai Thụy Hy (Ella đóng). Vì quá hâm mộ tuyển thủ nhảy cao Tả Dĩ Tuyền (Ngô Tôn đóng) mà Thụy đã “nữ cải nam trang ” vào học trường nam sinh học, cốt chỉ để gần gũi Dĩ Tuyền.

Tuy nhiên một chàng trai khác là Tú Y (Uông Đông Thành đóng) lại phải lòng cô, nhưng anh không biết cô nàng là nữ…

Được xem là phiên bản “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” hài hước thời hiện đại, Hoa dạng thiếu niên thiếu nữ rất thu hút khán giả theo dõi. Phim còn là bệ phóng đưa Ngô Tôn lên hàng diễn viên thần tượng nổi tiếng.

Tuy nhiên khi xem lại phim ở thời nay thì Hoa dạng thiếu niên thiếu nữ lại có nhiều điểm vô lý. Tại sao thời hiện đại mà có thể giả trang thành nam mà không ai biết? Hồ sơ cũng có thể làm giả sao? Rồi Tú Y ngu ngơ tới độ không phân biệt được nam hay nữ? Tính cách “hám trai” của Thụy Hy để rồi cải trang vô trường cũng không thuyết phục. 

Thơ ngây 

Năm 2005, phim Thơ ngây được phát sóng ở Đài Loan. Phim kể về cô nàng Viên Tương Cầm (Lâm Y Thần đóng) cái gì cũng dở và hậu đậu, lại đi si mê anh chàng Giang Trực Thụ (Trịnh Nguyên Sướng đóng) vừa đẹp trai, học giỏi lại thông minh.

Hai con người tưởng như hai đường thẳng song song, lại có thể chạm nhau và viết nên câu chuyện tình thơ ngây lãng mạn, thu hút lứa khán giả thời kỳ đó. 

Dẫu phim nổi tiếng, được làm 2 phần và trở thành một phần ký ức ngày xưa, thì cũng phải nói đến lối mòn của Thơ ngây. Nhân vật Tương Cầm hội tụ đủ mọi khuyết điểm, “bánh bèo vô dụng” trong các tình huống. Ưu điểm của Tương Cầm chỉ là sự ngây thơ, trong sáng. Còn Giang Trực Thụ lại quá thụ động trong tính cách, và quá lạnh lùng tới khô cứng.

Nên tuy xưa thì xem hay đấy, nhưng hiện tại thì quả thật tính cách nam nữ chính không còn phù hợp nữa. 

Hoàng tử ếch 

Hoàng tử ếch xoay quanh Diệp Thiên Du (Trần Kiều Ân đóng) là một cô gái tốt bụng, lương thiện. Cô có tật xấu là thích kiếm tiền và mơ mộng lấy một chàng hoàng tử giàu có. Cô và nam chính Đơn Quân Hạo (Minh Đạo đóng) trở thành cặp oan gia và xảy ra những chuyện dở khóc dở cười.

Đây là vai diễn làm nên tên tuổi của Trần Kiều Ân và đã giúp cô nổi tiếng, trở thành cái tên được săn đón. 

Hoàng tử ếch được chiếu vào năm 2005 và vẫn mắc phải những lối mòn trong kịch bản phim thần tượng, như việc mất trí nhớ của Đơn Quân Hạo hết sức là kiên cưỡng và vô lý. Rồi khi anh ta nhớ lại mọi chuyện thì lại không hề nhớ ra Diệp Thiên Du…

Dẫu vậy ở thời điểm đó, khán giả đã cho qua hết, bởi Hoàng tử ếch vẫn là món ăn mới mẻ.  

Sợi dây chuyền định mệnh 

Năm 2007, Sợi dây chuyền định mệnh lên sóng với nội dung xoay quanh mối tình Hoàng tử - Lọ lem đầy trắc trở của Trọng Thiên Kỳ (Lâm Chí Dĩnh đóng) và Hạ Chi Tinh (Yoo Ha Na đóng).

Hạ Chi Tinh vì lừa đảo mà bị bắt xong được tạm tha. Cô bỗng dính vào vụ ăn cắp sợi dây chuyền và sự thật là Trọng Thiên Kỳ đã lấy. Vì không muốn hại người vô tội nên Thiên Kỳ đã cứu giúp Chi Tinh…

Dù cốt truyện không mới nhưng cách xây dựng nhân vật và tình tiết tinh tế, lãng mạn đã giúp bộ phim thu hút khán giả. 

Những câu thoại hết sức “sến súa” như “Có một loại tình yêu là vô hình, việc cắt đứt nó là vì một sự hy vọng, hy vọng người mình yêu sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn bản thân mình”, hay “Có một loại tình yêu không cần nói, sự trả giá cho nó cũng có lẽ là độc đoán, sự nhu mì của nó có thể là cố chấp”…, cùng nhiều câu khác nữa, tất cả đã gắn liền với những khán giả thời ấy.

Giờ nhìn lại có cảm giác hơi “nổi da gà” vì nó không còn hợp thời nữa. Hay thì vẫn hay nhưng quá ướt át và bi lụy. 

Lãng Khách
Theo Vietnamnet