NSƯT Hồng Vân: 'Khánh Ly mở ví Trịnh Công Sơn thấy rỗng là bỏ tiền'

"Chị Khánh Ly mở ví anh Sơn ra, cứ thấy ví rỗng thì bỏ tiền vào cho anh xài. Anh hoàn toàn vô tư với chị và chị cũng vậy. Ai đồn đại rằng anh chị yêu nhau là hết sức bậy bạ!", NSƯT Hồng Vân.

Nhân tròn 20 năm Trịnh Công Sơn tạ thế (1/4/2001 - 1/4/2021), NSƯT Hồng Vân kể với VietNamNet về cố nhạc sĩ như một người anh mà bà luôn kính yêu, thần tượng. 

Thân Trịnh Công Sơn, ăn cơm nhà Khánh Ly nhiều hơn nhà mình

Tôi quen anh Trịnh Công Sơn từ những năm rất xa xôi khi tôi chừng đôi mươi tuổi. Khi tôi còn tập tễnh hát du ca, anh Sơn và chị Khánh Ly đã thành danh. Thủa ấy, tôi hát ở quán Tre – nơi tập trung nhiều văn nhân, thi sĩ, nhiếp ảnh, du ca như các anh Nguyễn Đức Quang, Nguyên Đức Thắng, Ngô Mạnh Thu, Trần Đại Lộc, Hà Tường Cát… Thảy đều thân với anh Sơn. Tôi may mắn lắm mới được lạc vào chân trời của những văn nhân nghệ sĩ.

Tôi đồ rằng vì mình là một nàng thơ xứ Huế có mái tóc dài chấm gối, mặc áo lụa vàng và hay ngâm thơ Huế mà anh Sơn chú ý mình. Vì tôi đã dâng hiến cho đời những vần ca dao đẹp nhất. Những buổi café cùng anh Sơn và chị Ly ở Boda, tôi vẫn chỉ mặc áo dài lụa vàng khi bao cô gái trẻ đương thời mặc áo pull, quần jean hoặc áo đầm theo mốt. Chị Ly cũng rất mến tôi. Chị Ly là người chị đáng yêu tuyệt vời. Tôi hát phòng trà chị, ăn cơm nhà chị nhiều hơn nhà mình!


Nàng thơ Hồng Vân thời trẻ. Ảnh: NVCC

Tôi thương hết thảy bài hát của anh Sơn nhưng hiếm khi hát. Vì tôi là ca sĩ dân ca, không phải nàng thơ nhạc Trịnh. Trong vài lần giao lưu thân tình, tôi hát vài bài như Ru em từng ngón xuân nồng, Ca dao mẹ, Cuối cùng cho một tình yêu... 

Mỗi lần hát trước anh, tôi luôn run và hồi hộp, sợ anh chê chán. Đến em gái anh là cô Trinh còn sợ, hà huống tôi. Chúng tôi hết sức săn sóc tiếng hát của mình thật hoàn hảo để hát trước anh. Có là ca sĩ nổi tiếng thì đứng trước anh Sơn, tôi vẫn là cô em gái thơ dại. Dù sự thật, anh rất hiền, cả đời có la rầy, nổi cáu ai đâu? Nhưng chúng tôi sợ thì vẫn cứ sợ, vì kính nể anh quá! Và tôi – một cô gái trẻ khi ấy, đã học ở một người trưởng thành như anh cái tâm không phẫn nộ trước cuộc đời.

Những gì trong các nhạc khúc của anh Sơn rất thánh thiện, cao xa và không tầm thường. Anh không tu mà thánh thiện như tu sĩ. Những áng thơ văn của anh dạt dào như nhạc; còn bài hát của anh chẳng khác thơ thiền. Chúng mênh mênh mang mang, không "đời" như các nhạc sĩ khác.


Hồng Vân (giữa) ngồi bên Trịnh Công Sơn và nhóm bạn nhạc sĩ. Ảnh: NVCC

Nhiều cô gái mơ tưởng được Trịnh Công Sơn lấy làm vợ

Sau năm 1975, chúng tôi trải qua những giờ phút khó khăn. Đất nước vừa thống nhất, mọi thứ đều rối ren, lộn xộn. Dù vậy, không khí âm nhạc lúc ấy vẫn rất rộn ràng. Chúng tôi đi hát không có cát-sê mà đổi lấy bữa ăn, sản phẩm. Phụ nữ còn được các công ty ưu ái gửi thêm gói quà bánh cho chồng con chứ các anh như anh Sơn chỉ được mời bia thả ga. Thiếu thốn là thế nhưng chúng tôi đã hát bằng tất cả tấm lòng, sức lực. Mỗi lần nghĩ về ngày tháng cơ cực nhưng đẹp, tôi lại rưng rưng.

Trước hay sau năm 1975, anh Sơn vẫn luôn là người được yêu mến rất nhiều. Nhà nước yêu anh, quần chúng cũng yêu anh. Có lần, tôi cùng anh ra Hà Nội và tận mắt thấy người mộ điệu ứng xử với anh như một vị vua.

Trong số đó, có cả những người mang theo ái tình nam nữ.


Hồng Vân hát ở Quán nhạc Trịnh ngày giỗ ông mỗi năm. Ảnh: NVCC

Tôi còn nhớ có một nữ nghệ sĩ Piano người Bắc nổi tiếng rất dễ thương, trình độ âm nhạc cao và yêu anh Sơn ghê gớm. Cô ấy hằng mong anh Sơn cưới mình làm vợ nhưng rồi dần nhận ra anh chỉ xem cô là một người bạn âm nhạc. Hoặc một thiếu nữ người Nhật cũng rất yêu anh Sơn. Có thể vì mến mộ anh qua những bài nhạc Trịnh chuyển ngữ như Diễm xưa mà cô ấy cứ thu xếp sang Việt Nam ở gần nhà anh Sơn vài tháng. Nghe anh Sơn ở phòng tranh, cô đến ngồi đó cả ngày chỉ để tìm cơ hội trò chuyện với anh.

Anh Sơn cứ như là trung tâm của tình yêu vì ai gặp anh cũng đòi yêu. Thật ra, anh có được nhiều người yêu cũng đúng thôi! Bỏ ngoài việc là một nhân tài, anh còn là người đàn ông đang ở độ tuổi đẹp nhất đời mình. Dù vậy, anh Sơn là người nghệ sĩ độc thân rất trong sáng. Trước những tấm thịnh tình, anh không gật cũng chẳng lắc đầu. Ai tỏ bày, anh chỉ cười, không trả lời. Tôi có hỏi, anh cũng cười. Chẳng ai biết anh thực sự yêu ai, nghĩ gì. Những điều này thật tế nhị, tôi là người ngoài nên không tiện hỏi nhiều.

Thời gian trôi thật nhanh như nước chảy qua cầu, biết bao thứ đổi thay trong đời, ai cũng bận bịu cơm áo gạo tiền nhưng tình bạn thì cứ bao la biển trời. Năm 1981, tôi được cử đi Liên Xô biểu diễn 3 tháng rưỡi ròng. Tôi mang về những chai Vodka Ba Lan có cọng cỏ xanh ở giữa và những chai Ararat mà anh Sơn rất mê. Ararat là loại rượu rất mạnh và nồng, ai uống cũng say nghiêng ngả, chỉ anh Sơn uống là không say. Anh thường rủ bạn thân là anh Nguyễn Đắc Xuân, anh Lê Bửu Chỉ sang nhà tôi nói chuyện thơ nhạc. Chỉ khi ấy, anh mới mang rượu ra đãi bạn, luôn nói rằng: Đây là quà quý mà Vân mang về cho chúng ta.

Anh còn thường bảo mọi người rằng: Hãy yên lặng cho tôi nghe Hồng Vân ngâm thơ. Lời nói ấy rất nặng ký với mọi người, đặc biệt là với tôi. Thú thật, anh Sơn chưa bao giờ khen tôi hát hay, có chăng, chỉ là khen giọng ngâm thơ của tôi tuyệt vời. Anh mê những làn điệu thơ Huế tôi ngâm. 

Ai đồn Trịnh Công Sơn và Khánh Ly yêu nhau là hết sức bậy bạ

Anh Sơn thì vị tha, hào sảng thôi rồi! Sinh thời, anh luôn rộng lượng cho anh em, đệ tử hát nhạc của mình mà chẳng lấy một đồng. Nên đến khi nhắm mắt, trong tay anh có gì đâu ngoài một gia tài âm nhạc cho dân tộc?

Bạn anh Sơn thường là những tên tuổi lớn, đến gặp anh đàm đạo thơ nhạc, hội họa... Riêng mình, tôi gặp anh Sơn chỉ kể chuyện vui. Lần nào gặp tôi, môi anh đựng đầy những nụ cười. Năm tháng cuối đời, anh đau nặng, ở nhà ủ ê nên cố lên Hội âm nhạc gặp chúng tôi để được nghe chuyện cười dù còn rất đau. Anh nói: Tôi thèm chuyện vui, tiếng cười của các bạn lắm...

Nhóm tôi, anh Sơn, các anh Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn và Tôn Thất Lập đến nay kẻ còn, người mất, nhớ quá! Từ lúc quen anh Sơn đến khi anh mất đi, anh em chúng tôi chỉ có thương nhau nhiều chứ không biết cãi vã là gì.  

Khi anh Sơn đau nặng quá nhiều ngày, chúng tôi như đoán biết trước điều gì đó. Lần cuối cùng tôi gặp anh là ở bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi nhớ hoài hình ảnh một người đang đau nhưng rất an nhiên. An nhiên như thể anh biết mình sắp ra đi!

Dẫu vậy, ngày anh rời cõi tạm, chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Đám tang anh Sơn đông khủng khiếp. Đến nỗi, có người nói rằng bạn muốn tìm ai cứ đến đám tang anh Sơn sẽ gặp. Gia đình anh nói phải có 2 nghệ sĩ cũ tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, là tôi và Lan Ngọc. Đi theo sau 2 đứa tôi là cô Hồng Nhung. 

Tôi – một cô em gái nhỏ của anh Sơn, không thể sánh với người tình hay nàng thơ. Đó là tôi nghĩ chủ quan như vậy vì không rõ anh Sơn thực sự nghĩ gì về mình. Song, anh Sơn rất rạch ròi giữa em gái và người tình. Tôi chơi với anh Sơn như hai người con trai, trong sáng như trăng rằm. Nhiều lần tôi đau tình đều kể với anh Sơn. Anh Sơn, anh Cầu đều thương xót, chia sẻ với tôi. Tôi đồ rằng anh không có nhiều người tình vì nếu có, hẳn anh đã không còn nhiều thời gian dành cho tôi như vậy.


Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

Theo tôi, mọi người không nên luyến ái hóa các mối quan hệ trong sáng của anh Sơn. Chị Khánh Ly là nàng thơ của anh Sơn – một người mở ví anh Sơn ra, . Anh hoàn toàn vô tư với chị và chị cũng vậy. Hai người đã thân thiết nhau thì không màng giới tính và đâu cứ thân thiết nhau thì phải là yêu đương luyến ái? Tôi không đồng ý điều đó. Ai đồn đại rằng anh chị yêu nhau là hết sức bậy bạ!

Trong bầu trời của mình, có thể tình đến với anh Sơn không đếm xuể nhưng anh sống với bạn nhiều hơn với tình!


NSƯT Hồng Vân trình diễn "Ca dao mẹ"

 

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nhac/nsut-hong-van-khanh-ly-mo-vi-trinh-cong-son-thay-rong-la-bo-tien-722953.html

khánh ly trịnh công sơn

Tin tức mới nhất