“Thú cưng” đặc biệt
Chị Ánh kể, cách đây khoảng nửa tháng, chị tình cờ nhìn thấy một con sâu màu xanh, béo tròn, dài khoảng 8-10cm bò trên đám cây dừa cạn trong khuôn viên công ty.
Nhìn con sâu có màu sắc đẹp, lại vốn không phải người sợ sâu, chị quyết định mang vào đặt ở chỗ chị ngồi làm việc để ngắm như một thú vui giúp giảm căng thẳng.
Từ đó, hàng ngày, cứ hơn 7h đến công ty làm việc chị Ánh lại ra vườn ngắt cành dừa cạn mà con sâu đang bám mang vào chỗ ngồi, 16h30 tan làm chị lại mang ra thả vào vườn.
Hôm trước chị thả ở đâu, hôm sau con sâu vẫn ở đó hoặc chỉ di chuyển sang cây khác ngay cạnh.
Chị Ánh luôn để "thú cưng" cạnh mình mỗi khi làm việc. Ảnh: Cắt từ clip.
Chị Ánh chia sẻ, dãy dừa cạn trong khuôn viên công ty có nhiều con sâu tương tự nhưng chị Ánh vẫn phân biệt được đâu là “thú cưng” của mình.
Theo chị, nhìn qua thì thấy giống nhưng mỗi con sâu có một đặc điểm khác nhau. Con thì mắt bé, con mắt to, con béo tròn, con thì bé, màu sắc sống lưng của mỗi con cũng đậm nhạt khác nhau nên chị dễ dàng nhận biết.
Từ sợ trở thành niềm vui nơi công xưởng
Thời điểm chị Ánh mới mang con sâu vào xưởng, các đồng nghiệp có người cảm thấy sợ và cho rằng chị kỳ quặc nhưng cũng có người tỏ ra thích thú.
Với chị Ánh, các chú sâu có hình dáng dễ thương, ngộ nghĩnh. Ảnh: Cắt từ clip.
Chị Bùi Thị Kim Chung, Quản lý ở công ty cho biết, việc chị Ánh mang con sâu vào chỗ làm không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc nên công ty cũng không phản đối.
Dù là người sợ sâu nhưng thấy chị Ánh thích thú và thấy lạ, chị Chung đã quay video rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Không ngờ, video nhanh chóng nhận được nhiều sự chú ý, thu hút gần 10 triệu lượt xem.
Chị Chung chia sẻ: “Tôi không ngờ từ một video quay không có chủ đích lại tạo ra được niềm vui lớn như vậy cho mọi người. Lúc mới thấy Ánh mang sâu vào nuôi, nhiều công nhân xung quanh thấy sợ và bản thân tôi cũng sợ sâu nhưng dần dần thành quen.
Thỉnh thoảng đi qua chỗ Ánh tôi còn trêu: ‘Lớn rồi, mẹ 3 đứa trẻ con còn chơi sâu’, mọi người lại cười phá lên khiến không khí làm việc cũng bớt căng thẳng hơn”.
Theo chị Ánh, đây là lần đầu tiên chị nuôi sâu. Giờ đây, việc đầu tiên khi chị đến công ty là ra vườn hoa xem “thú cưng” của mình còn đó không, sau đó ngắt cành dừa cạn mang con sâu vào chỗ của mình ngồi làm. Có hôm chị bắt thêm 2-3 con vào cho chúng ở cùng nhau.
“Hôm nào tôi vội quá không mang con sâu vào, mọi người lại hỏi: ‘Con sâu của chị đâu rồi?’”, chị Ánh chia sẻ.
Dần dần, con sâu trở thành niềm vui nho nhỏ cho cả chị Ánh và các đồng nghiệp trong công ty. Thi thoảng mọi người chạy ra chạm tay vào hoặc lấy que gẩy gẩy để con sâu ngoe nguẩy như một thú vui giúp giảm căng thẳng.
Khi đã quen với sự xuất hiện của “thú cưng” đặc biệt này, nhiều đồng nghiệp ngồi cạnh chị Ánh thậm chí còn mang sâu vào nuôi giống chị.
Điều bất ngờ hơn, phong trào nuôi sâu ở nơi làm việc không chỉ dừng lại ở các công nhân.
Chị Chung cho biết, sau khi xem được video chị Ánh nuôi sâu như thú cưng trong xưởng, cả lãnh đạo công ty người Hàn Quốc cũng bị cuốn hút và ra vườn mang con sâu này vào nuôi.
Nhiều người trong công ty cũng hưởng ứng "phong trào" nuôi sâu làm thú cưng.
Dù thú vui có phần kỳ lạ, nhưng việc chị Ánh nuôi sâu ở nơi làm việc đã mang lại không khí mới mẻ và tạo sự gắn kết hơn giữa mọi người.
“Từ một hành động ngẫu nhiên của Ánh không ngờ lại mang lại niềm vui cho mọi người. Đôi khi những điều nhỏ bé lại có sức lan tỏa lớn và trở thành nguồn năng lượng tích cực cho những người xung quanh”, chị Chung cho hay.
Theo VietNamNet